Doanh số pre-sales của Nam Long tăng vọt cuối năm 2023, dòng tiền âm hơn 2.000 tỷ do rót thêm vào nhiều dự án

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Nam Long lần lượt đạt 3.181 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, giảm 27% và 8% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này tương đương thực hiện 87% trong mục tiêu lãi 919 tỷ đồng mà công ty đã đề ra cho năm 2023.

Lợi nhuận cả năm 2023 đi lùi, hoạt động bán hàng khởi sắc trong quý cuối năm 

CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần 1.636 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ quý IV/2022.

Song, biên lợi nhuận gộp giảm, doanh thu tài chính cũng giảm do không còn ghi nhận lãi từ chuyển nhượng cổ phần Công ty TNHH Paragon Đại Phước như cùng kỳ. Do đó, lãi sau thuế quý IV/2023 giảm 18%, đạt mức 482 tỷ đồng. 

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Nam Long lần lượt đạt 3.181 tỷ đồng và 800 tỷ đồng, giảm 27% và 8% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này tương đương thực hiện 87% trong mục tiêu lãi 919 tỷ đồng mà công ty đã đề ra cho năm 2023. 

  Kết quả kinh doanh quý IV/2023 và năm 2023 của Nam Long. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

Trong cơ cấu doanh thu cả năm 2023, đóng góp chủ yếu là từ mảng bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự với 2.905 tỷ đồng, giảm 28,8% so với cùng kỳ.

Mặt khác, tại ngày 31/12/2023, Nam Long ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn gần 3.815 tỷ đồng, là khoản ứng trước từ khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, nhà phố, biệt thự và đất nhưng chưa nhận bàn giao của công ty. Giá trị này tương đương tăng 16,6% so với tại thời điểm đầu năm 2023 và tăng 14,8% so với tại thời điểm cuối quý III/2023, cho thấy phần nào tình hình bán hàng, kinh doanh tại các dự án của công ty trong quý IV/2023. 

Theo một công bố của Nam Long, tính riêng hai tháng 10 và 11/2023, doanh số bán hàng pre-sales của công ty đã tăng gần 72% so với tại cuối quý III/2023, ghi nhận chủ yếu tại các dự án Waterpoint (Southgate), Akari City và Mizuki Park. 

Dòng tiền kinh doanh âm hơn 2.000 tỷ đồng do đầu tư vào các dự án BĐS

Ngoài nguồn vốn nhận trước từ bán bất động sản nói trên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy, trong năm 2023, Nam Long đã thu hơn 4.168 tỷ đồng từ đi vay. Mặt khác, công ty cũng chi hơn 3.250 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.

Tại ngày 31/12/2023, dư nợ vay tài chính của Nam Long ở mức 6.107 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm đầu năm 2023 (trong đó, nợ ngắn hạn là 2.402 tỷ đồng), tỷ lệ nợ tài chính/vốn chủ sở hữu là 0,45 - cũng tăng so với con số 0,39 tại đầu năm 2023. 

Qua đó, tổng nguồn vốn (tương đương giá trị tổng tài sản) của Nam Long tại ngày 31/12/2023 tăng 5,6% so với thời điểm đầu năm 2023 lên gần 28.602 tỷ đồng. 

Về phía tổng tài sản, chiếm tỷ trọng hơn 60% tổng tài sản là hàng tồn kho, ghi nhận ở mức 17.348 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm 2023.

Các dự án ghi nhận tồn kho nghìn tỷ của Nam Long gồm dự án Izumi (8.550 tỷ đồng), dự án Waterpoint giai đoạn 1 (3.560 tỷ đồng), dự án Waterpoint giai đoạn 2 (1.604 tỷ đồng), dự án Akari City (1.667 tỷ đồng) và dự án Cần Thơ (1.281 tỷ đồng).

Đây đều là các dự án trọng điểm hiện tại của Nam Long, giá trị tồn kho bất động sản dở dang tại các dự án này đều tăng so với thời điểm đầu năm 2023 phần nào cho thấy tình hình đầu tư triển khai của doanh nghiệp trong năm vừa qua. 

 Tồn kho các dự án bất động sản của Nam Long tại cuối năm 2023. (Nguồn: BCTC). 

Do hoạt động đầu tư, tăng hàng tồn kho nói trên, dòng tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Nam Long âm hơn 2.186 tỷ đồng trong năm 2023. Do đó, mặc dù có dòng tiền dương từ các hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính (chủ yếu từ đi vay và thu hồi tiền cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác), dòng tiền thuần trong năm 2023 của Nam Long vẫn âm hơn 1.233 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 662 tỷ đồng. 

Điều này cũng dẫn đến lượng tiền mặt của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2023 giảm 3,6% so với đầu năm 2023, còn 3.590 tỷ đồng.

Tag: