Những lời hứa gây tranh cãi của Donald Trump | |
Kết quả bầu cử Mỹ qua tranh biếm họa |
"Thảm họa", "nỗi ô nhục" hay "bi kịch" là những từ xuất hiện nhiều trên báo chí quốc tế, mô tả việc trùm bất động sản Trump đắc cử tổng thống Mỹ, trái với dự đoán của hầu hết các cuộc thăm dò trước đó. Tuy nhiên, vẫn có những nhà phân tích cho rằng, ông Trump hoàn toàn có thể lãnh đạo nước Mỹ và thậm chí khiến những người không bỏ phiếu cho nhà tài phiệt phải "ngạc nhiên".
Trump thông minh
Trên New York Times, Richard W. Painter, giáo sư luật tại Đại học Luật Minnesota và từng là luật sư Nhà Trắng năm 2005-2007, chỉ ra hai lý do cho thấy ông Trump có thể là một tổng thống tốt cho nước Mỹ.
Thứ nhất, ông Trump là nhân vật đầu tiên không phải là chính trị gia được bầu làm tổng thống kể từ khi Dwight Eisenhower giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1961. Do đó, ông Trump không thể đi xa được như hiện nay nếu không phải là một người thông minh.
Thứ hai, ông Trump có lẽ cũng rõ điều mà ai cũng biết, đó là những lời "đao to, búa lớn" ông từng tuyên bố để lấy lòng cử tri suốt chiến dịch tranh cử là vô nghĩa. Đó đơn giản chỉ là cách thu hút cử tri.
Ngoài ra, trên thực tế, Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát chắc chắn sẽ ngăn cản những đề xuất chính sách của ông nếu không hợp lý, ví dụ từ chối cấp kinh phí xây tường ở biên giới với Mexico.
Ông Trump phát biểu sau khi đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 8/11. Ảnh: Reuters |
Tuy vậy, trong một số vấn đề, những đề xuất của ông Trump không phải là không hợp lý.
Về chính sách thương mại, tổng thống mới đắc cử có thể không đàm phán các hiệp định thương mại mới, nhưng cũng ít khả năng ông rút lại các thỏa thuận thương mại hiện có.
Ông Trump có lẽ đủ hiểu biết lịch sử để tránh chủ nghĩa bảo hộ thảm họa của những năm 1930 khiến cuộc Đại suy thoái của nước Mỹ trầm trọng hơn. Trung Quốc, Mexico và Trung Đông là nơi các doanh nhân Mỹ, trong đó có ông Trump, kiếm tiền. Theo luật sư Painter, ông Trump hay bất cứ chuyên gia kinh tế nào đều biết rằng, thương mại toàn cầu hóa tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy tầng lớp trung lưu hơn là hủy hoại nền kinh tế.
Tương tự, với vấn đề người nhập cư, dù tỏ ra gay gắt, ông cũng như hầu hết doanh nhân Mỹ biết rằng người nhập cư đóng góp cho nền kinh tế nước này. Mỹ trở thành quốc gia giàu nhất thế giới cũng nhờ người nhập cư, trong đó có ông nội của Trump, từng tới Mỹ để gây dựng doanh nghiệp. Chưa kể tới đệ nhất phu nhân tương lai của Mỹ cũng là người nhập cư.
Đối với chính sách đối ngoại, ông Trump tuyên bố sẽ để Mỹ ngừng can dự vào công việc nội bộ của nước khác. Đây cũng là một trong những "điểm sáng" của trùm bất động sản. Theo ông, Mỹ không nên sa lầy vào những cuộc chiến "tốn người, hao của".
Ông sẵn sàng đối thoại với các đồng minh như NATO và Israel để giải quyết vấn đề. Trump cũng đề nghị các đồng minh chia sẻ gánh nặng đảm bảo an ninh toàn cầu. Để làm điều đó, ông sẽ phải làm việc với họ, giống như chuyện doanh nhân phải phối hợp với đối tác.
Trong khi đó, trang Swingstate.com chỉ ra một số ưu điểm của tỷ phú Trump, giúp ông có thể trở thành tổng thống tốt. Trang này nhận định, thái độ cứng rắn và niềm tin vào những việc mình làm là yếu tố cần có ở một vị tổng thống. Ông Trump có điều này.
Trump có thể điều hành nước Mỹ như ông từng điều phối hoạt động kinh doanh. Ông từng khoe rằng nếu đắc cử, ông sẽ áp dụng các quy tắc điều hành chính phủ như đã điều hành đế chế bất động sản bởi mô hình kinh doanh của ông rất thành công.
Nhà tài phiệt thường nói giáo dục là chìa khóa thành công. Tổng thống đắc cử được cho là có thể giúp hệ thống giáo dục Mỹ phát triển hơn và nâng chất lượng học vấn của người dân Mỹ.
Một ưu điểm khác của doanh nhân 70 tuổi này là trung thành với Mỹ. Một trong những điều mà bạn có thể nói về Trump là ông sẽ không cúi đầu trước áp lực chính trị từ bất kỳ phía nào.
Tuy nhiên, để trở thành một lãnh đạo tốt, trước mắt, ông Trump có rất nhiều việc phải làm và thay đổi.
Những việc cần làm
Theo bài viết của hai tác giả Peter Feaver và Will Inboden trên tờ Foreign Policy, Tổng thống đắc cử Trump sẽ phải thay đổi một số điều cơ bản để trở thành "tổng thống của tất cả người dân Mỹ".
Theo đó, ông cần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Trump cần phải nghiên cứu nhiều hơn về chính sách, bớt quan tâm tới các cuộc thăm dò. Ông cũng cần tập hợp nội các có đủ năng lực và đội ngũ an ninh quốc gia cấp cao. Ông còn cần học cách lắng nghe những ý kiến trái chiều để học hỏi từ đó, chứ không đơn thuần chỉ chăm chăm tìm cách công kích họ.
Người ủng hộ Trump mừng chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử. Ảnh: Reuters |
Và ông Trump cần hiểu nước Mỹ sẽ không thể vĩ đại nếu tình trạng phân rẽ vẫn tồn tại như hiện nay. Điều đó có nghĩa, ông phải làm việc với lãnh đạo cả hai đảng, mà hầu hết đều không muốn ông trở thành tổng thống, nhằm tìm ra mục tiêu chung.
Trump cần bắt đầu bằng cách tiếp cận với thành viên đảng Cộng hòa và lãnh đạo bảo thủ chống lại ông, đồng thời thực hiện những bước đi có nghĩa nhằm thống nhất hai đảng và đất nước.
Hai tác giả Peter Feaver và Will Inboden đặc biệt lưu ý tới vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
Theo đó, việc đầu tiên tổng thống mới đắc cửcần làm là bắt đầu vận động để giành được lòng tin và sự tôn trọng của nhóm "cử tri" mà ông hoàn toàn bỏ qua từ trước tới nay: các nhà lãnh đạo và công chúng nước ngoài.
Đó là những người không trực tiếp bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng kết quả bầu cử ở Mỹ có ảnh hưởng tới họ. Hầu hết đều qua tâm người lãnh đạo tương lai của Mỹ sẽ làm được gì trong nhiệm kỳ tới. Thật khôn ngoan nếu ông tiếp cận các đồng minh của Mỹ để trấn an và nói chuyện bình tĩnh nhưng mạnh mẽ, thuyết phục.
Ông Trump có thể thúc đẩy lợi ích của Mỹ bằng cách huy động các nước hợp tác với Washington. Ông cũng nên ưu tiên tiếp cận các đồng minh như NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel.
Các nhà lãnh đạo và các quốc gia đều cần những người bạn, và ông Trump sẽ có nền tảng vững chãi hơn nếu không bắt đầu mọi thứ trong cô lập. Bằng cách đó, tổng thống mới của Mỹ sẽ có đủ sức mạnh và trách nhiệm để thực hiện các bước đi táo bạo, như đối đầu với Trung Quốc về mất cân bằng thương mại hay xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Do đó, việc tăng cường chính sách đối ngoại và củng cố đội ngũ an ninh quốc gia chắc chắn nằm trong những nhiệm vụ mà ông Trump không thể bỏ qua, khi trở thành nhà lãnh đạo Mỹ.
Thời sự 14:10 | 08/12/2016
Thời sự 02:16 | 06/12/2016
Thời sự 00:42 | 03/12/2016
Thời sự 03:43 | 02/12/2016
Thời sự 09:34 | 01/12/2016
Thời sự 14:57 | 30/11/2016
Thời sự 08:17 | 30/11/2016
Thời sự 02:53 | 30/11/2016