Đồng bằng sông Cửu Long hút nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư, đất nền thanh khoản tốt trong đại dịch

Nhờ lợi thế hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Bất động sản ĐBSCL ổn định trong đại dịch, thu hút nhiều 'ông lớn' về đầu tư - Ảnh 1.

Một góc TP Cần Thơ. (Ảnh minh họa: Báo Cần Thơ).

Toàn cảnh thị trường bất động sản ĐBSCL 2021

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm 2021, nguồn cung nhà ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ghi nhận 10.200 sản phẩm. Hơn 4.000 sản phẩm được giao dịch thành công, chiếm tỷ lên 40% nguồn cung mới. Mặc dù là thị trường mới nhưng nguồn cung dồi dào, đa dạng.

Trong quý III, khu vực Tây Nam Bộ rơi vào đỉnh điểm của dịch Covid-19 cho nên lượng giao dịch ghi nhận rất thấp. Sang đến quý IV, thị trường có dấu hiệu phục hồi nhờ vào tiến độ tiêm vắc - xin và các biện pháp giãn cách được nới lỏng hơn.

Cụ thể, các sản phẩm căn hộ chung cư, nhà ở xã hội được giới thiệu ra thị trường Cần Thơ, Hậu Giang đã ghi nhận lượng giao dịch sôi nổi. Các sản phẩm mức giá từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng thu hút sự quan tâm lớn của khách hàng và nhà đầu tư.

Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng giá bán trên thị trường không giảm, thậm chí một số dự án tăng giá từ 5 - 10%, đặc biệt là những dự án đất nền có thanh khoản tốt, giá khoảng 1 tỷ đồng/sản phẩm - mức giá rẻ và không còn nhiều. Ngoài ra, các dự án khu đô thị được quy hoạch hiện đại, có nhiều công trình tiện ích cũng đã giúp nhà đầu tư sinh lời theo tiến độ hạ tầng dự án. 

Theo thống kê, giá căn hộ trung bình tại ĐBSCL là 18 triệu đồng/m2, căn hộ cao cấp khoảng 31 triệu đồng/m2. Đất nền tỉnh, vùng ven giá 9 triệu đồng/m2. Đất nền khu vực cửa ngõ các đô thị loại II từ 12 - 25 triệu đồng/m2; khu vực cửa ngõ đô thị loại I từ 28 - 32 triệu đồng/m2; dự án trung tâm TP Cần Thơ khoảng 42 triệu đồng/m2. Nhà liền kề giá 18 triệu đồng/m2; sản phẩm cao cấp giá 50 triệu đồng/m2.

Đánh giá về thị trường bất động sản vùng ĐBSCL, ông Dương Quốc Thủy, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Cần Thơ cho biết, thuận lợi của thị trường so với các khu vực khác là tính ổn định, bền vững, không xảy ra sốt đất. 

Trong năm 2021, dòng sản phẩm đất nền gần các khu công nghiệp vẫn giữ vững vị trí "ngôi vương". Căn hộ chung cư chỉ chiếm vị trí thứ hai.

Hoạt động mua bán đất quanh các khu công nghiệp diễn ra nhộn nhịp, nhất là các dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và pháp lý, có vị trí giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, thị trường mua bán đất thổ cư cũng khá sôi động tại trung tâm TP Cần Thơ, khu vực Hậu Giang giáp ranh Cần Thơ, Long Xuyên, Long An và một số tỉnh thu hút đầu tư như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Tuy nhiên thị trường đang đối mặt với một số khó khăn. Đơn cử như phân khúc cao cấp đang có dấu hiệu chững lại do dịch bệnh, khó thu hút khách hàng các tỉnh xa về đầu tư. Nhiều tỉnh thành trong khu vực vẫn chưa tiêm phủ vắc - xin mũi 2 cho toàn bộ người dân, ảnh hưởng đến tỷ lệ giao dịch.

Những "ông lớn" bất động sản đang hiện diện

Nhờ lợi thế hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã lọt vào tầm ngắm của các "ông lớn" bất động sản.

Đơn cử như ở Hậu Giang, theo ông Dương Quốc Thủy, Tập đoàn FLC đang nghiên cứu quần thể du lịch thể thao nghỉ dưỡng quy mô gần 500 ha và 2 dự án khác quy mô gần 350 ha. Tập đoàn Đất Xanh cũng nghiên cứu dự án quy mô 94 ha tại đây. Các tên tuổi khác như Tập đoàn Vingroup hay Cát Tường Group cũng đầu tư ở Hậu Giang một vài dự án và đã đi vào hình thành, phát triển.

Tại Cần Thơ cũng quy tụ nhiều các tên tuổi lớn. Tập đoàn Hòa Phát đã nghiên cứu và đầu tư ba dự án có quy mô 452 ha tại đây. Tập đoàn Sovico của Vietjet cũng đã tập trung nghiên cứu dự án khu công nghiệp hàng không và logistics quy mô 1.600 ha với giai đoạn I khoảng 350 ha và một khu đô thị sinh thái ở huyện Phong Điền quy mô khoảng 1.000 ha. Tập đoàn T&T cũng nghiên cứu ở Cần Thơ ba dự án, quy mô từ 219 - 260 ha.

Việc các doanh nghiệp lần lượt đến đầu tư và phát triển dự án tại ĐBSCL giúp cho thị trường sôi nổi hơn, nguồn cung sản phẩm đa dạng. Từ đó bộ mặt của các tỉnh trong khu vực ngày càng khang trang, cư dân được hưởng thụ những tiện ích tiến bộ. Điều này cũng góp phần hình thành xu hướng an cư mới tại các tỉnh miền Tây.

chọn
Chuyên gia: Vàng tăng mạnh nhưng cũng không là gì so với đà tăng của giá bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần nhưng giá bất động sản đã tăng khoảng 100 – 400 lần.