Trong 5 năm qua, tại tỉnh Đồng Nai, do quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành lệch pha nhau nên nhiều dự án phải mất thêm thời gian từ 1 đến 3 năm để điều chỉnh cho phù hợp mới triển khai tiếp được. Vướng mắc trên đã khiến nhiều dự án kéo dài không triển khai theo đúng lộ trình được phê duyệt. Các dự án này đã ảnh hưởng đến cả nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất trong khu vực.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chưa đồng nhất dẫn đến nhiều dự án trên địa bàn phải đợi điều chỉnh cho thống nhất mới thực hiện tiếp. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư công của tỉnh chậm tiến độ. Các dự án kéo dài vốn thường bị đội lên cao, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư vì mất thêm thời gian cân đối và điều chỉnh nguồn vốn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương này có hàng trăm dự án lệch pha nhau trong quy hoạch, phải chờ điều chỉnh cho thống nhất mới có thể thực hiện. Trong khi đó, tại một số dự án, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành không dễ thực hiện vì phải đợi đến đúng kỳ mới có thể xử lý.
Những năm qua, tại các huyện, TP Biên Hòa, TP Long Khánh đều có nhiều dự án về hạ tầng kỹ thuật vướng quy hoạch phải đợi điều chỉnh khá lâu. Không ít dự án bị vướng do quy hoạch chồng chéo, lệch pha. Nguyên nhân của vấn đề này được cho là vì thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành không cùng thời điểm.
Hiện Đồng Nai đã tiến hành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cho giai đoạn 2021 – 2030 và đang trong quá trình thẩm định sắp thông qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh rằng đối với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 202, các đơn vị, sở ngành phải có dự báo xa, sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, dự án sẽ được thực hiện nhanh.
Tỉnh Đồng Nai sẽ xử lý nghiêm các địa phương, sở ngành để xảy ra nhiều trường hợp quy hoạch không đồng bộ, gây khó cho các dự án, không triển khai được.
Lãnh đạo tỉnh này cũng thống nhất việc các địa phương thuê những đơn vị tư vấn giỏi, có kinh nghiệm để dự báo chính xác về quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó làm căn cứ quy hoạch theo kịp tốc độ phát triển. Nếu quy hoạch tốt, ít phải điều chỉnh sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, giảm được nhiều thời gian trong thực hiện các công trình và các dự án đầu tư công.
Hằng năm, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tiến hành rà soát các công trình, dự án trên địa bàn để đề xuất thu hồi những dự án kéo dài. Thế nhưng vẫn có những dự án hơn 10 năm chưa làm xong.
Đơn cử như ở TP Biên Hòa có dự án khu dân cư KP.1, KP.2, KP.3, phát triển hạ tầng và cây xanh khu phố 3 thuộc phường Long Bình Tân. Cả 4 dự án trên kéo dài 15 - 26 năm, ảnh hưởng đến gần 3.900 hộ dân suốt nhiều năm qua.
Các phường, xã khác của TP Biên Hòa cũng còn nhiều dự án hơn 10 năm chưa thực hiện, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh.
Ngoài Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom cũng là nơi có nhiều dự án chậm tiến độ. Mới đây, UBND huyện Nhơn Trạch đã đề xuất tỉnh thu hồi 12 dự án kéo dài 11 - 18 năm chưa triển khai.
Những dự án chậm triển khai tại Nhơn Trạch hơn 10 năm chưa thực hiện có thể kể đến như khu dân cư thương mại đô thị mới tại xã Long Tân, Phú Hội của Công ty TNHH Địa ốc Chợ Lớn (Cho Lon RES) từ năm 2003; khu dân cư xã Phú Hội do Công ty TNHH La Mã làm chủ đầu tư từ năm 2009; khu dân cư ở xã Long Tân và Phú Hội của CTCP Tập đoàn Đại Viễn Dương từ năm 2010; Khu chợ và dân cư Dân Xuân tại thị trấn Hiệp Phước do CTCP Bất động sản Dân Xuân làm chủ đầu tư từ năm 2010;...
Huyện Long Thành cũng có nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện xong như khu dân cư biệt thự Long An ở xã Long An; khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại xã Bàu Cạn; khu đô thị Bình Sơn...
Vào năm 2016 - 2017, TP Biên Hòa đã đề xuất thu hồi 46 dự án chậm triển khai, nhưng sau đó chỉ có một số dự án bị thu hồi, còn lại vẫn tiếp tục giữ lại.
Năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã hủy 170 dự án với diện tích gần 870 ha. Địa phương có nhiều dự án bị hủy kế hoạch sử dụng đất là TP Biên Hòa với 35 dự án, Long Thành 21 dự án, Xuân Lộc 19 dự án, Định Quán 17 dự án, Vĩnh Cửu 17 dự án, Long Khánh 11 dự án...
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 sắp được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm hơn 250 dự án bị loại ra khỏi quy hoạch vì kéo dài nhiều năm.