Video toàn cảnh khu vực xây dựng depot tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do UBND TP phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 với tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.679 tỷ đồng, phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Về tình hình GPMB thực hiện dự án, theo Bộ GTVT, khu vực depot có diện tích thu hồi là 17,58 ha, đã GPMB được 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng; Phần đất ở đang thực hiện các thủ tục kiểm đếm GPMB; Phần tuyến và ga trên cao đã GPMB được khoảng 82% diện tích; Phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích.
Dự án này gồm 6 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA. Gói thầu Tư vấn chung đã hoàn thành Báo cáo rà soát thiết kế cơ sở, dự án điều chỉnh, hồ sơ mời thầu. Các gói thầu còn lại đã hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn danh sách ngắn trong giai đoạn 2013-2015. Chủ đầu tư đang triển khai một số gói thầu tư vấn và GPMB sử dụng nguồn vốn đối ứng.
Theo Bộ GTVT, dự án chậm triển khai do việc điều chỉnh dự án kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay chưa được phê duyệt, vướng mắc chủ yếu liên quan đến: Trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của Luật xây dựng, Luật đầu tư công và Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA (theo đó cần làm rõ cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; làm rõ cơ chế tài chính, giá trị các khoản cấp phát, vay lại vốn vay ODA của dự án).
Ngoài ra, dự án cũng có vướng mắc liên quan đến quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, trong đó có ý kiến của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch và ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cần điều chỉnh vị trí thân ga C9 ra khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích Hồ Hoàn Kiếm nhằm bảo đảm quy định của Luật Di sản Văn hóa.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành chủ động phối hợp, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thực hiện các thủ tục ký kết, gia hạn Hiệp định vay để triển khai dự án.
Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP Hà Nội năm 2020, khu vực depot đã được đưa vào kế hoạch sử dụng để triển khai dự án. Tuy nhiên, theo ghi nhận, khu depot hiện vẫn chưa GPMB nhà ở đoạn tiếp giáp với dự án Vành đai 2,5 (hiện đang thi công).
Hiện tại, khu vực đã GPMB hiện người dân đang tận dụng trồng rau và làm bãi xe do dự án chậm triển khai.
Một số hình ảnh khu depot dự án đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo:
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư.
Theo quyết định phê duyệt ban đầu dự án thuộc nhóm A; theo Luật Đầu tư công, Dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Đây là công trình đường sắt đô thị, cấp đặc biệt.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 11,5 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km) và 01 khu Depot. Công trình bao gồm 10 ga gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm thuộc địa bàn các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng của thành phố Hà Nội.
Dự án có diện tích sử dụng đất là 92,04 ha; Thời gian thực hiện: Từ năm 2009 - 2015. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến năm 2027; thời điểm kết thúc công tác đào tạo vận hành bảo dưỡng là 5 năm (từ năm 2027 đến năm 2032).