Báo cáo của Tổng cục Quản lí thị trường cho biết trong ngày 3/2, lực lượng Quản lí thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 616 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc trên địa bàn cả nước và phát hiện 74 cửa hàng vi phạm.
Chỉ riêng ngày 3/2, số tiền phạt mà lực lượng QLTT xử phạt các trường hợp vi phạm trên là gần 60 triệu đồng, có 9.934 khẩu trang các loại bị tạm giữ.
Như vậy, nếu tính các trường hợp vi phạm trong 3 ngày trước đó, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện và xử lí 1.295 hiệu thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế lợi dụng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, để găm hàng, hét giá khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn…
Song song xử lí, cơ quan chức năng đã tạm giữ 328.550 chiếc khẩu trang.
Đáng chú ý, Tổng cục Quản lí thị trường cho biết qua kiểm tra, hầu hết hiệu thuốc, cửa hàng thiết bị y tế trên cả nước đều đang trong tình trạng khan hàng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn do sức mua tăng cao nhiều ngày qua.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Hà Giang, Ninh Bình… đều hết khẩu trang. Trong khi đó, những cửa hàng vẫn còn thì số lượng không nhiều.
Tại khu vực miền Trung, nhu cầu khẩu trang y tế vẫn đang tăng cao, trong khi không đủ hàng để cung cấp. Tại Khánh Hòa, mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tại một số nhà thuốc đã hết. Các nhà bán lẻ cho biết đã đặt hàng nhà cung cấp, cam kết sau khi có hàng bán theo đúng giá.
Khu vực phía Nam, TP HCM, Bình Dương, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ… đều không còn nhiều khẩu trang, một số hiệu thuốc chỉ còn với số lượng ít và không đủ nguồn cung.
Tổng cục Quản lí thị trường cũng cho biết trước tình hình không còn nhiều khẩu trang y tế đáp ứng nhu cầu phòng dịch nCoV của người dân, các cơ sở sản xuất tại nhiều địa phương đã hoạt động trở lại, tăng ca sản xuất để tăng nguồn cung.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế tại TP HCM đã bắt đầu hoạt động trở lại. Đến thời điểm này, phần lớn các nhà thuốc đã bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh cũng giúp đẩy nguồn khẩu trang tồn trước Tết ra thị trường.
Tại Bình Dương, nhiều xưởng sản xuất cam kết tăng ca, nhà cung cấp sẽ cung cấp hàng theo đơn của siêu thị để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bộ Công Thương cũng vừa có buổi làm việc với một số doanh nghiệp, nhằm nắm bắt tình hình sản xuất khẩu trang, đánh giá năng lực và khả năng cung ứng mặt hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu phòng dịch hiện nay.
Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân - ông Trần Việt, cho biết doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu khẩu trang sang Nhật Bản với năng lực sản xuất đạt 50.000 chiếc/ngày.
Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường hiện nay, công ty này có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, với sản lượng lên đến 300.000 chiếc/ngày, nếu có sự hợp tác của các doanh nghiệp may khác cùng vào cuộc, nhận vải về may.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất thời trang trẻ em, gồm cả khẩu trang, cho biết dù vừa Tết nhưng công ty đang gấp rút mở rộng một số chuyền, để có thể sản xuất khẩu trang đáp ứng cho nhu cầu của xã hội.
Các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cam kết sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá, để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng dịch nCoV theo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ trong việc kết nối nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung về nguyên vật liệu, vải, để có thể sản xuất được khẩu trang đủ số lượng lớn hiện nay.
Trong khi hàng loạt hiệu thuốc trên cả nước báo hết khẩu trang vì nhu cầu tăng, doanh nghiệp chạy đua, tăng ca sản xuất và thấp thỏm về nguồn nguyên liệu, thì cơ quan chức năng lại phát hiện một loạt vụ xuất lậu khẩu trang với số lượng lớn sang Trung Quốc.
Ngày 31/1, tại TP Móng Cái, cơ quan chức năng giữ một bè mảng do đối tượng Phạm Văn Quynh điều khiển, vận chuyển trái phép gần 9.000 khẩu trang y tế các loại.
Một tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển 8.000 chiếc khẩu trang y tế qua biên giới. Người này khai nhận vận chuyển thuê với mục đích đưa sang Trung Quốc để lấy tiền công.
Tối 1/2, Trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt (huyện Cao Lộc) phát hiện một ô tô chở 122 thùng giấy, bên trong chứa 305.000 chiếc khẩu trang y tế 4 lớp kháng khuẩn, do một công ty tại Bắc Ninh sản xuất, không có giấy tờ hợp lệ. Lái xe khai nhận chuyển số khẩu trang trên lên khu vực biên giới Lạng Sơn.
Các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 5 vụ vận chuyển gần 90.000 khẩu trang y tế trái phép sang Trung Quốc tiêu thụ.
Cũng sáng sớm 1/2, trong khi tuần tra tại đường Lê Hữu Trác (phường Ka Long, TP. Móng Cái), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái phát hiện đối tượng đang điều khiển ô tô tải vận chuyển 20 bao tải dứa màu xanh, bên trong có chứa 50.000 chiếc khẩu trang y tế chuẩn bị bán qua Trung Quốc.
Cùng ngày, 1 đối tượng khác vận chuyển trái phép 10 bao tải dứa, bên trong có 10.000 chiếc khẩu trang y tế. Chưa hết, còn có 2 vụ sử dụng xe taxi vận chuyển trái phép 9.400 khẩu trang y tế tại TP Móng Cái.
Ngày 2/2, tại khu vực biên giới xã Tân Thanh (Lạng Sơn), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đồn Tân Thanh đã phát hiện một đối tượng vận chuyển hàng lậu. Khi phát hiện lực lượng chức năng, đối tượng đã vứt lại 11.000 chiếc khẩu trang và bỏ trốn.
Như vậy, tính chung, chỉ trong 3 ngày, lực lượng chức năng đã phát hiện gần nửa triệu chiếc khẩu trang y tế vận chuyển trái phép, chuẩn bị bán sang Trung Quốc. Toàn bộ số khẩu trang bị lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh tạm giữ để điều tra, xử lí.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020