Ma Ke – nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới nhưng lại khá rụt rè trước truyền thông, đã gây dựng hai thương hiệu thiết kế có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Trung Quốc và thiết kế trang phục cho Đệ nhất phu nhân Trung Quốc – Bành Lệ Viên. Nhưng người phụ nữ sinh năm 1971 này lại không tự nhận mình là một nhà thiết kế.
Ma Ke và những thiết kế trang phục trong triển lãm của mình. |
Thích cuộc sống ẩn dật tại Chu Hải, một thành phố trên bờ biển phía Nam của Trung Quốc. Đó là một thế giới tách biệt khỏi trung tâm thời trang như Thượng Hải hay Bắc Kinh. Cô vẫn thường nói: “Tôi không thuộc về vòng quay thời trang”.Ma không bao giờ đọc các tạp chí thời trang, tránh xa các bữa tiệc và hiếm khi nhận trả lời phỏng vấn.
Thời trang của Đệ nhất phu nhân
Phu nhân Bành Lệ Viện diện những trang phục thanh lịch, sang trọng và luôn trở thành tâm điểm mỗi lần xuất hiện trước công chúng. |
Ma có thể rời xa sự chú ý của giới truyền thông, nhưng những thành công mà thời trang của cô đạt được đã tự cất lên tiếng nói của riêng mình.
Có ảnh hưởng rất lớn trong làng thời trang Trung Quốc với thương hiệu Wuyong và Exception de Mixmind, cái tên Ma Ke đã được nhiều người biết đến hơn kể từ khi Đệ nhất phu nhân Trung Quốc diện một trong những thiết kế của cô trong chuyến công du chính thức đầu tiên của bà trong năm 2013.
Trong chiếc trench coat hai hàng khuy gam màu xanh navy kết hợp với khăn quàng chất liệu lụa tơ tằm màu xanh ngọc đã khiến bà Bành Lệ Viên nhận được không ít lời khen không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế. Sự hài hòa màu sắc và vẻ ngoài thanh lịch đã đưa bà vào danh sách những người phụ nữ mặc đẹp nhất năm do Vanity Fair bình chọn.
Đối với nhiều người, vẻ ngoài mạnh mẽ của bà Bành đã phá vỡ khuôn mẫu thời trang của các đời Đệ nhất phu nhân Trung Quốc trước kia. Trả lời về vấn đề này, Ma cho biết: “Với sự quyết đoán và cứng rắn như một người lính, trench coat thực sự rất phù hợp với bà ấy”.
Trang phục của Đệ nhất phu nhân Trung Quốc khi có cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Ma đã biết Đệ nhất phu nhân Trung Quốc từ năm 2002. Thông qua các thiết kế của mình, cô luôn muốn chuyển tải sự tự tin nằm sâu bên trong người phụ nữ Trung Quốc hiện đại. "Đôi khi trang phục trở nên vượt quá giới hạn khi quá hở hang và bắt mắt. Điều đó hoàn toàn trái ngược với giá trị thẩm mỹ truyền thống của Trung Quốc. Nếu phụ nữ hoàn toàn tự tin vào nhân cách và sự tôi luyện của mình, họ sẽ không nhất thiết phải coi việc sử dụng trang phục như một thứ vũ khí." Ma cũng cho biết, "Quan điểm của tôi đối với các thiết kế của Đệ nhất phu nhân là hướng đến thanh lịch, tinh tế và sang trọng. Và điều này sẽ giúp bà Bành, người từng là ca sỹ nổi tiếng hát nhạc dân tộc nổi tiếng trước khi trở thành Đệ nhất phu nhân, có thể sánh ngang với các biểu tượng thời trang như Kate Middleton hay Michelle Obama.”
Phong cách thời trang Trung Quốc
Đánh giá sâu sắc về những thiết kế truyền thống của Trung Quốc, Ma đã tự rút ra được triết lý dành cho riêng mình: “Phong cách thời trang Trung Quốc không hề giống những gì mọi người nghĩ.”
Bằng việc đọc nhiều tác phẩm kinh điển của Trung Quốc, Ma biết rằng, trong khi nhiều người coi những bộ sườn xám may đo chính là trang phục truyền thống của đất nước này, nhưng sự thật không phải như vậy.
Ma Ke và một góc không gian của Wuyong Space tại Bắc Kinh. |
Theo Ma, giá trị phương Tây, phụ nữ được coi là đẹp khi họ quyến rũ và sexy. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, phụ nữ cần kín đáo hơn. Giống như bức tranh thủy mặc truyền thống, khoảng không gian trống giữa lớp vải và làn da chính là nơi vẻ đẹp luôn tồn tại.
Đối với thương hiệu Wuyong, Ma cũng dựa vào những giá trị truyền thống cho các thiết kế thời trang cao cấp của mình. Các kỹ thuật như dệt cửi, may tay và pha màu tự nhiên đều được áp dụng.
Nhờ những chất liệu lạ, độc đáo, các thiết kế mang hơi thở của kiến trúc và tông màu đất đã khiến Ma trở thành “designer” Trung Quốc đầu tiên được Chambre Syndicale de la Haute Couture mời tham dự trình diễn ở tuần lễ Paris Haute Couture vào năm 2008.
Bộ sưu tập "Qingpin" của Ma Ke tại tuần lễ Paris Haute Couture (2008). |
Ma cũng chia sẻ rằng, cô luôn muốn làm nổi bật các thiết kế truyền thống của Trung Quốc với triển lãm mang tên In search of the clothes with the best stories cho thương hiệu Wuyong tại Bắc Kinh và mong muốn hỗ trợ cho những người làm ra sản phẩm thủ công tại khu vực nông thôn của Trung Quốc. "Tôi đã nhiều lần đến các khu vực nông thôn để nghiên cứu kỹ thuật tạo nên trang phục truyền thống và tôi thực sự rất ấn tượng. Do vậy, tôi quyết định sẽ giúp đỡ để khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống.”
Một góc sân của Wuyong studio tại Chu Hải. |
Trang phục cũng như con người vậy, nếu được quan tâm và dành thời gian chăm sóc, yêu thương, chúng sẽ tồn tại mãi mãi. "Nhưng nếu chúng ta không nắm bắt thời gian, rất nhiều di sản văn hóa của thế hệ trước để lại sẽ dần bị mai một.”