Giá heo hơi giảm hơn 20.000 đồng/kg, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp không nhập heo lậu, không găm hàng

Bộ Công Thương cho biết giá heo hơi trong nước những ngày đầu năm 2020 bắt đầu giảm và các doanh nghiệp lớn đang đẩy lùi hiện tượng găm hàng, tăng giá. Bộ yêu cầu các địa phương khu vực biên giới ngăn chặn nhập lậu heo.

Bộ Công Thương: Giá heo hơi đang giảm 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố thông tin tình hình mặt hàng thịt heo và giá heo hơi trong nước hiện nay, khi Tết Nguyên đán Canh Tí 2020 đã cận kề.

Theo đơn vị thuộc Bộ Công Thương, trong những ngày đầu năm 2020, giá heo hơi tiếp tục giảm tại các tỉnh phía Bắc, tình hình diễn ra ngay cả tại các tỉnh có giá tốt nhất 2 tháng cuối năm 2019, là Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La...

Giá heo hơi liên tục lao dốc, mất hơn 20.000 đồng/kg, Bộ Công Thương yêu cầu không nhập heo lậu, doanh nghiệp không găm hàng, tăng giá - Ảnh 1.

Bộ Công Thương cho biết giá heo hơi đang giảm. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Cơ quan quản lí cho rằng dù giá heo tại nhiều tỉnh vẫn còn cao, nhưng nhìn chung đà tăng đã chững lại và bắt đầu điều chỉnh giảm. Bộ Công Thương cho biết giá heo hơi tại các tỉnh phía Bắc đã hạ dần xuống vùng giá 90.000 đồng/kg.

Thực tế, giá heo hơi hôm nay (4/1) không còn nhiều tỉnh, thành giữ được mốc 90.000 đồng/kg như thông báo này của Bộ Công Thương. Tính chung, so với thời điểm "sốt" nhất, mỗi kg heo hơi tại nhiều tỉnh đã mất hơn 20.000 đồng.

Cụ thể, tại miền Bắc, Ninh Bình và Hưng Yên là 2 tỉnh đang có giá cao nhất. Ninh Bình vẫn giữ nguyên mốc 95.000 đồng/kg và Hưng Yên 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, nhiều tỉnh khác như Hải Dương, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định giá heo báo ở 82.000-85.000 đồng/kg, giảm vài giá so với hôm qua.

Khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thời điểm heo sốt giá nhưng vẫn thấp hơn so với các tỉnh phía Bắc và phía Nam, nên trong cơn lao dốc những ngày gần đây mức giảm của khu vực này cũng không quá nhiều.

Hiện Bình Thuận, Ninh Thuận 2 tỉnh có mức giá tốt nhất, với khoảng 85.000-86.000 đồng/kg. Trong khi đó, 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thường có giá cao nhất khu vực nay giảm sâu xuống 81.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá heo hơi tiếp tục giảm thêm vài giá so với hôm qua. Heo tại Đồng Nai, Bình Dương dao động từ 80.000-81.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng so với mức giá được các thương lái báo về hôm qua.

Khu vực Tây Nam Bộ, Trà Vinh đang có giá cao nhất khoảng 93.000 đồng/kg. Các tỉnh khác quanh vùng 81.000-84.000 đồng/kg. 2 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu có giá thấp nhất 77.000 đồng/kg.

Vì sao heo hơi giảm nhanh

Trước tình hình giá heo hơi trong nước đang liên tục lao dốc không phanh những ngày gần đây, trên các diễn đàn chăn nuôi, nhiều thương lái cho biết heo từ Thái Lan nhập lậu qua biên giới là một trong những nguyên nhân khiến heo hơi trong nước mất giá.

Giá heo hơi liên tục lao dốc, mất hơn 20.000 đồng/kg, Bộ Công Thương yêu cầu không nhập heo lậu, doanh nghiệp không găm hàng, tăng giá - Ảnh 2.

Thịt heo nhập khẩu được bán cùng với thịt mát tại một hệ thống bán lẻ. (Ảnh: Phúc Minh).

Tại thông báo mới nhất của Bộ Công Thương, Bộ cho biết đã đề nghị các Sở Công Thương và lực lượng quản lí thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép heo sống và các sản phẩm từ heo qua biên giới trên địa bàn.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi hàng hoá của cư dân khu vực biên giới, nhất là đối với heo sống và các sản phẩm từ thịt heo.

Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương, nhất là khu vực biên giới phát hiện, xử lí hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước.

Về việc nhập khẩu thịt heo theo đường chính ngạch, Bộ Công Thương cho biết hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ mới kí thỏa thuận song phương về kĩ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước với tổng số 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam.

Trong nước, có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam được Bộ Nông nghiệp cho phép nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài về. Theo đó, chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam. 

Các doanh nghiệp không găm hàng, tăng giá

Theo Bộ Công Thương, hiện Bộ đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt heo và sử dụng sản phẩm thịt heo đông lạnh thay cho thịt "nóng" nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin và gây bất ổn thị trường.

Đồng thời, đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhiều đoàn làm việc với một số địa phương trọng điểm, nhằm bàn các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến mặt hàng thịt heo.

Giá heo hơi liên tục lao dốc, mất hơn 20.000 đồng/kg, Bộ Công Thương yêu cầu không nhập heo lậu, doanh nghiệp không găm hàng, tăng giá - Ảnh 3.

Bộ Công Thương cho biết các doanh nghiệp đang chung tay không găm hàng, tăng giá. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp bán lẻ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đều khẳng định tiếp tục đồng hành trong việc bình ổn mặt hàng thịt heo.

Mới đây, hệ thống siêu thị Big C cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tí 2020. 

Theo đó, giá thịt đùi heo còn 131.000 đồng một kg, giảm 14.000 đồng so với trước. Sườn non heo, thịt ba rọi, nạc dăm cũng lần lượt giảm 10.000-15.000 đồng một kg xuống 180.000 đồng, 170.000 đồng, 165.000 đồng.

Theo cơ quan quản lí, tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, mặt hàng thịt ba chỉ bán với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%. 

Bộ khẳng định việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lí nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt heo hiện nay, sẽ góp phần khơi thông chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt heo nói riêng để tránh tình trạng "găm hàng, tăng giá", ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.