Già làng 'đặt cược' gia tài để bỏ hủ tục

Dù bị dân làng phản đối và sợ bị "thần linh trách tội" nhưng già làng A Ma Thiệu lấy uy tín, cầm cố tài sản để mở đường giúp dân phá bỏ hủ tục lạc hậu.

“Đặt cược” gia tài để bỏ hủ tục

gia lai gia lang dat cuoc gia tai de bo hu tuc
Già Thiệu (bên trái) và thầy Linh vui bên trường học mới.

Làng Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai là ngôi làng nằm heo hút nơi rừng sâu với những dải đất cằn sỏi đá. Khu vực này chủ yếu là nơi cư trú của đồng bào dân tộc nên vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, kiềm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Để thay đổi suy nghĩ và giúp bà con nhận thức, phá bỏ tập tục lạc hậu, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ nhưng “đâu lại vào đấy”.

Những tưởng mọi chuyện không thể đổi thay, thì già A Ma Thiệu (tên khai sinh là Rah Lah Dyel) đã đứng lên, thế chấp toàn bộ tài sản và uy tín, danh dự của mình để mở đường cho bà con thoát khỏi hủ tục lạc hậu.

Đầu tiên, già Thiệu đã hiến tặng 2.000m2 đất mặt tiền ở quốc lộ 25 để sửa sang và xây thêm phòng học cho trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Ia Piar). Vì già biết, ngôi trường thuộc diện khó khăn, với 500 em học sinh phải sinh hoạt và học tập dưới những phòng học xập xệ, xuống cấp trầm trọng.

Do trong khuôn viên trường học có nhiều mồ mả nằm xen kẻ các phòng nên gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Chính vì thế, già Thiệu đã vận động, khuyên bảo bà con di dời hơn 1.000 hài cốt của tổ tiên ra khỏi khu vực trường học.

gia lai gia lang dat cuoc gia tai de bo hu tuc
Hình ảnh những phòng học xuống cấp vẫn được nhà trường giữ lại để ghi nhớ công ơn già Thiệu.

Nhưng đây là thử thách vô cùng khó khăn đối với già, vì người J’Rai xem khu nhà mồ là vùng đất “thiêng”, là người cai trị giúp đỡ bà con, nếu di dời sẽ phạm phải tội tày đình. Các khu nhà mồ ở đây đều được chôn cất theo phong tục “sống cùng làng, chôn cùng mồ” của người J’Rai. Nghĩa là, nếu trong làng có người chết, người thân và làng xóm sẽ lấy một chiếc quan tài bằng gỗ đã đục sẵn, bỏ người đã khuất vào trong rồi mang đi chôn cất.

Nếu trong làng tiếp tục có người chết thì dân làng lại mở nắp chiếc quan tài trên, sau đó, gom cốt người chết trước về một phía, đặt người mới chết vào. Người dân không quan tâm đến việc xác người chết trước đã bị phân hủy hay chưa.

Tục lệ này cứ thế được lặp đi, lặp lại, cho đến khi chiếc quan tài không thể đựng thêm một người chết nào nữa, lúc đó, người dân sẽ làm lễ bỏ mả, ngưng thờ cúng và chôn cất quan tài trong ngôi nhà mồ này.

Chính vì những tục lệ đã có từ lâu đời của đồng bào J’Rai nên không ai dám xâm phạm chốn thần linh. Sau nhiều hôm mất ăn, mất ngủ, già Thiệu đã “táo bạo” đưa ra ý kiến di dời nhà mồ đi nơi khác, để giáo viên và học sinh trong trường an tâm công tác và học tập.

Nhớ lại ngày đó, già Thiệu vẫn không hiểu sao mình đủ bản lĩnh và can đảm đến như vậy. “Ngày tôi đề xuất ý kiến với bà con để di dời mồ mả đi nơi khác, thì dân làng kịch liệt phản đối. Nhiều người xem gia đình tôi như kẻ thù, chửi bới, ném đá vào nhà. Nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ việc làm của mình sẽ giúp ích được rất nhiều cho thế hệ sau này”, già Thiệu nhớ lại.

Buôn làng bước sang một trang mới

gia lai gia lang dat cuoc gia tai de bo hu tuc
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi sau khi hoàn thành nhờ công lao to lớn của già Thiệu.

Để giúp mọi người nhìn nhận được mặt tích cực của vấn đề, già Thiệu đã quyết định di dời phần mồ mả của gia đình mình trước. Ngày làm lễ, già đã đưa ra yêu cầu với dân làng, nếu sau 1 năm bốc mộ mà gia đình già không bị thần linh quở trách, thì bà con phải đồng ý di dời toàn bộ mồ mả trong khuôn viên trường đến nơi mới. Còn nếu có chuyện gì xảy ra, thì toàn bộ đất đai, tài sản của gia đình già, sẽ tùy bà con xử lí.

Một năm thoáng chốc trôi qua, nhưng gia đình già Thiệu không những không gặp tai ương nào, mà ai nấy đều khỏe mạnh, mùa màng lại tốt tươi. Từ đó, người dân bắt đầu thay đổi suy nghĩ và trở nên tin tưởng già Thiệu. Ít lâu sau, bà con đã đồng ý dời khu mồ mả của tổ tiên ra khỏi khu vực trường học.

Từ ngày khu nhà mồ được chuyển đi, các thầy cô và học sinh trong Trường Tiểu học Nguyễn Trãi ai nấy đều vui mừng và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến già Thiệu.

Vô cùng cảm động trước tấm lòng của già Thiệu dành cho trường, thầy Nguyễn Văn Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: “Già Thiệu không chỉ đóng góp đất để xây trường, mà còn là người dẫn đường cho người dân phá bỏ những tục lệ lạc hậu. Chính vì tấm lòng nhân ái, không tính toán thiệt hơn, già Thiệu là tấm gương sáng để nhiều người noi theo. Nhờ có già, làng Trang mới có nhiều bước phát triển mới.”

Tấm lòng cao cả của già Thiệu không chỉ được người dân làng Trang biết đến mà đã được lan truyền đi khắp nơi, từ đó, nhiều nhà hảo tâm cũng đã tìm đến và chia sẽ bớt những khó khăn cho trường. Qua thời gian, trường Nguyễn Trãi trở nên khang trang, mà làng Trang như bước qua trang mới, đời sống tinh thần của người dân ngày được nâng cao hơn. Người người, nhà nhà đều ghi nhớ công sức và tấm lòng của già Thiệu.

Mặc dù, đã trải qua hơn nửa đời người, nhưng nhìn già Thiệu vẫn cường tráng, mang đậm vẻ rắn rỏi của người con núi rừng và vẫn còn nhiều thao thức về hành trình “thức tỉnh” bà con rời xa hủ tục xưa.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.