An cư thời đất nóng, người trẻ nên thuê hay mua nhà trả góp?

Dưới góc nhìn của TS. Đinh Thế Hiển, nếu chỉ có trong tay khoảng 30% giá trị căn hộ thì không nên tính đến chuyện mua nhà trả góp hiện nay. Thay vào đó, người trẻ có thể thuê nhà và tích lũy tiền để đầu tư.

Một dự án nhà ở giá rẻ ở TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Vy).

Giá chung cư leo thang, nhà giá rẻ mất dấu 

Những năm qua, xu hướng người trẻ đổ về các đô thị lớn để an cư lạc nghiệp ngày một tăng. Mặc dù vậy, nhu cầu an cư là không hề dễ dàng khi giá nhà hiện đã quá cao.

Theo thống kê từ CBRE Việt Nam, tính đến 31/3, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội đạt 1.655 USD/m, tăng 4% so với đầu năm. Trong khi đó, ở TP HCM, giá chung cư cũng tăng 1 - 2% so với cuối năm 2021, theo dữ liệu của Bộ Xây dựng.

Trong khi đó: "Giá bán một căn hộ trung cấp hai phòng ngủ hiện cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng",  Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết

Bộ Xây dựng cũng từng thừa nhận rằng các căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu/m2 trên thị trường vài năm qua rất ít, hầu như chỉ xuất hiện ở một dự án xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. 

Về phía các doanh nghiệp, họ cũng không mấy mặn mà phát triển nhà giá rẻ. Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, những năm trước khi thị trường BĐS đóng băng, nhiều doanh nghiệp tập trung làm phân khúc bình dân, nhà giá rẻ để tồn tại.

Tuy nhiên, khi thị trường đang bùng nổ như hiện nay, trong khi các chi phí đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp không thể làm nhà thương mại giá rẻ, vì làm thì chỉ có "từ chết đến bị thương". Quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đời sống người dân tăng cao, nên cũng không thể mãi chạy theo làm nhà giá rẻ.

Thêm vào đó, ở những đô thị lớn như TP HCM, nhiều người không chỉ muốn ăn no, mặc ấm mà dần tiến tới ăn ngon, mặc đẹp, nhà cửa sang trọng. Nhu cầu phân khúc căn hộ cao cấp tăng, doanh nghiệp càng có xu hướng dần rời bỏ phân khúc nhà giá rẻ.

Người trẻ sẵn sàng gánh khoản nợ dài hạn

Giá nhà liên tục tăng trong khi nguồn cung nhà giá rẻ ngày càng cạn kiệt, không ít người trẻ cảm thấy bối rối với kế hoạch mua nhà về lâu dài của bản thân.

Chia sẻ với người viết, chị Kim Chi (22 tuổi, quận 10) cho biết, mua nhà là mục tiêu mà chị đặt ra kể từ khi lên TP HCM học đại học. Với kế hoạch sinh sống và làm việc lâu dài ở đây, chị đang cố gắng mua nhà trước 30 tuổi.

Với thu nhập hiện tại khoảng 12 triệu đồng/tháng, chị Chi dự định tiết kiệm 500 triệu đồng sau 5 năm, sau đó kết hợp với sự hỗ trợ từ gia đình và vay mượn bên ngoài để mua nhà.

“Ngoài công việc chính, hiện tôi đang tìm thêm một số công việc phụ và học cách tự kinh doanh. Tôi thấy thu nhập bao nhiêu cũng có thể mua nhà, quan trọng là bản thân phải đảm bảo khả năng trả nợ trong dài hạn”, chị Chi nói.

Cũng mong muốn có nhà tại TP HCM, song Đức Nam (23 tuổi, quận Bình Thạnh) từ lâu sớm vỡ mộng bởi giá nhà hiện đã quá cao, áp lực trả góp hàng tháng không khỏi khiến anh e ngại.

“Chung cư tại TP HCM giờ ít cũng 2 - 3 tỷ đồng/căn. Nếu không vay ngân hàng và mỗi tháng chỉ tiết kiệm được 10 triệu đồng, tôi tính sẽ mất khoảng 25 năm để mua được nhà, đó là chưa tính đến trường hợp tăng giá sau này. Do đó, khả năng mua được nhà tôi thấy tương đối khó”, theo nhân vật.

Chị Nguyễn Nga (27 tuổi) lại có góc nhìn lạc quan hơn: “Một người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng nếu biết đầu tư có thể sẽ có khoản dư nhiều hơn một người thu nhập 30 triệu đồng mà chỉ biết tích góp thuần túy”.

Theo chị Nga, khi mua nhà không chỉ cần tập trung tích lũy số tiền cần trả ban đầu, mà còn phải đánh giá được khả năng tài chính dài hạn để vay ngân hàng.

Nên thuê nhà và dành tiền đầu tư trong 2 năm tới

Người trẻ chỉ nên mua nhà khi có trong tay trên 50% giá trị căn hộ. (Ảnh: Quỳnh Vy).

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, đối với người trẻ, khi nào có trong tay trên 50% giá trị căn hộ và khoản thu nhập ổn định, dư giả thì hẵng nghĩ đến chuyện mua nhà.

Trong trường hợp túi tiền chỉ ở mức dưới 30% giá trị căn hộ, mức lương chưa ổn định hay chưa có khoản dư để an toàn để trả góp, ông Hiển cho rằng vẫn nên thuê nhà, ít nhất là trong giai đoạn 2022 - 2023. 

“Thuê nhà bây giờ rất dễ. Chúng ta có thể thuê căn hộ giá tốt với hợp đồng 2 năm. Trong 2 năm đó, có thể đầu tư, tích cóp tiền, sau đó mua nhà cũng không muộn. Không muộn ở đây chính là giúp bảo vệ an toàn cho tài chính của người trẻ, cũng như không lo chung cư sẽ tăng giá cao hơn số tiền họ đang dành dụm”, ông Hiển nói.

Vị chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, rằng với mức thu nhập hàng tháng, người trẻ có thể chia ra một phần để gửi tiết kiệm (khoảng 7%), một phần khác dùng để tham gia đầu tư.

“Thị trường chứng khoán đang đi xuống, nhiều người vẫn có thể mua được các cổ phiếu tốt, sinh lời 20 - 30% trong 1 - 2 năm tới”.

Theo ông Hiển, việc đầu tư sẽ giúp cho người trẻ chủ động hơn về tài chính, thay vì mua căn hộ với khoảng 30% giá trị trả trước, sau đó phải gánh khoản trả nợ trả góp khá lớn trong bối cảnh lãi suất cho vay đang tăng cao.

“Nếu đáp ứng những điều kiện trên, người trẻ muốn mua căn hộ chung cư thì lúc nào mua cũng được, vì chung cư sắp tới có khả năng giá sẽ đi ngang.

Giới đầu tư thường nói đầu tư vào chung cư không có lãi, mà nên đầu tư vào đất nền vùng xa. Tuy nhiên, căn hộ chung cư vẫn có rất nhiều người mua, không chỉ mua để ở mà còn mua để cho thuê. Vậy nên không thiếu trường hợp mua nhà chung cư để sinh lời mặc dù triển vọng thấp hơn nhiều so với đất nền”, vị chuyên gia chia sẻ.

chọn
Savills: Giá thuê văn phòng tại Hà Nội từ nay đến 2026 sẽ tương đối ổn định
Giám đốc Savills Hà Nội nhận định trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế và hiệu quả hoạt động của các nhóm ngành trong ba năm tới, giá thuê văn phòng tại Hà Nội sẽ tương đối ổn định.