Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5 ghi nhận đà tăng của giá thép và quặng sắt trên nhiều sàn giao dịch lớn.
Cụ thể, giá thép thanh kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Thượng Hải tăng 0,79%, tương đương 24 nhân dân tệ, lên mức 3.066 nhân dân tệ/tấn.
Trên Sàn Đại Liên, giá quặng sắt giao tháng 5 cũng điều chỉnh tăng 0,25% (tăng 2 nhân dân tệ), lên mức 800 nhân dân tệ/tấn.
Còn tại Sàn Singapore, giá quặng sắt ghi nhận mức tăng 0,4 USD, lên 101 USD/tấn.
Diễn biến giá thép thanh kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Thượng Hải. Nguồn: Barchart
Theo VNSteel, ngành công nghiệp thép Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu sức ép từ hàng loạt yếu tố bất lợi, bao gồm những tranh chấp thương mại toàn cầu và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt từ Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến thương mại thép và phế liệu.
Những điều này đang đặt ra nguy cơ đối với sự ổn định lâu dài và tính bền vững của toàn bộ ngành – theo chia sẻ của ông Fuat Tosyali, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ (TCUD), trong Đại hội thường niên của Hiệp hội diễn ra ngày 7/5.
Ông Tosyali nhấn mạnh, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng, việc giữ vững năng lực cạnh tranh trong sản xuất thép ít phát thải trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để đạt được điều này, ngành cần tích cực chuyển đổi sang sử dụng các nguyên liệu thay thế có lợi cho môi trường, tiêu biểu như sắt hoàn nguyên trực tiếp (DRI) và sắt hoàn nguyên nóng (HBI) – những giải pháp tiềm năng thay thế phế liệu trong sản xuất.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã có những điều chỉnh chính sách thương mại trong năm 2024, lượng thép nhập khẩu vẫn tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 17,4 triệu tấn, theo số liệu từ TCUD. Tuy nhiên, xét về tổng giá trị, kim ngạch nhập khẩu thép lại giảm 9,9%, chỉ còn 13,2 tỷ USD.
Ông Tosyali lưu ý rằng, trong khi nhập khẩu thép dài và thép dẹt có xu hướng sụt giảm, thì nhập khẩu thép bán thành phẩm lại tăng mạnh đến 35%. Nguyên nhân chính là do chi phí phế liệu ngày càng leo thang, khiến các doanh nghiệp chuyển hướng sang bán thành phẩm để tối ưu chi phí sản xuất.
Theo báo cáo từ Platts, giá nhập khẩu phế liệu thép HMS 1/2 80:20 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 342 USD/tấn CFR, cao hơn 3 USD so với tuần trước đó – một minh chứng rõ ràng cho sự biến động của thị trường nguyên liệu.
Về phía chính sách của Mỹ, ông Tosyali cho rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ mọi quốc gia không chỉ tạo nên những tác động tiêu cực đối với thương mại toàn cầu mà còn mang đến một số cơ hội nhất định cho ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là trong việc khai thác lại thị phần tại các thị trường đang có sự điều chỉnh về nguồn cung.
Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả trước xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng rõ nét, ông Tosyali cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần chủ động thực thi các chính sách phù hợp với chiến lược phát triển của ngành thép, bao gồm:
Đẩy mạnh các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường;
Duy trì sự hiện diện và tăng trưởng tại các thị trường tiềm năng như Châu Phi;
Đa dạng hóa danh mục thị trường xuất khẩu nhằm tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Trong nước, giá thép xây dựng tại một số doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, tập đoàn Hòa Phát niêm yết giá thép CB240 ở mức 13.640 đồng/kg, trong khi thép CB300 có giá 13.690 đồng/kg.
Tương tự, tại công ty thép Việt Ý, giá thép CB240 được giữ nguyên ở mức 13.740 đồng/kg, còn loại D10 CB300 cũng được chào bán với mức giá 13.740 đồng/kg.
Giá thép ghi nhận tới ngày 16/5/2025. Nguồn: SteelOnline