Giấc mơ Mỹ của Bamboo Airways

Hiệu quả kinh tế cho những chuyến bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ là bài toán khó chưa có hãng hàng không nào có lời giải.

Trong khi Vietnam Airlines thận trọng, Vietjet im ắng thì Bamboo Airways lại hào hứng với kế hoạch bay thẳng tới Mỹ. Phó Tổng giám đốc Trương Phương Thành không giấu kì vọng Bamboo Airways sẽ là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Mỹ.

Tấm vé thông hành

Cánh cửa đầu tiên đã mở ra cho Bamboo Airways bay đến Mỹ khi giữa tháng 2 vừa qua, Cục Hàng không liên bang Mỹ xác nhận Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và được xếp ở Mức 1.

Có được “tấm vé thông hành” này không phải dễ, bởi ngành hàng không Việt Nam đã phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ. Ngay như Thái Lan cũng đã mất quyền bay tới Mỹ, vì bị tước mất tiêu chuẩn Mức 1 vào năm 2015, sau khi xuất hiện những lo ngại cơ quan hàng không nước này không giám sát hiệu quả lĩnh vực hàng không đang bùng nổ.

Nhưng không phải sau khi Việt Nam được xếp hạng Mức 1 thì Bamboo Airways mới muốn bay tới Mỹ. Ngày từ khi những chuyến bay thương mại đầu tiên của Bamboo Airways cất cánh đầu năm nay, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Group và Chủ tịch Bamboo Airways, đã bày tỏ tham vọng sẽ bay quốc tế đến Nhật, Hàn Quốc và xa hơn là Mỹ.

Trao đổi với báo giới, ông Quyết kì vọng Bamboo Airways có thể bắt đầu bay tới Mỹ vào cuối năm tới - một “giấc mơ bay” mà chưa có hãng hàng không nào ở Việt Nam có khả năng hiện thực hoá, kể từ khi hai nước kí hiệp định hàng không vào năm 2003. Ngay như ở Đông Nam Á, hiện chỉ có Singapore Airlines bay thẳng tới Mỹ, còn những hãng sừng sỏ như Malaysia Airlines cũng chưa thể làm được sau khi ngập chìm trong thua lỗ.

Giấc mơ Mỹ của Bamboo Airways - Ảnh 1.

Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết khẳng định quyết tâm bay thẳng Việt - Mỹ cuối năm sau.

Sau khi Việt Nam đạt tiêu chuẩn Mức 1, các hãng hàng không Việt Nam sẽ còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kĩ thuật và pháp lí khắt khe khác của Mỹ, nếu muốn bay đến bên kia bờ Thái Bình Dương.

Để mở đường bay thẳng Việt - Mỹ, vấn đề kĩ thuật rất quan trọng và phức tạp nhưng Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng “bài toán về kinh tế mới là bài toán đau đầu nhất bởi cạnh tranh với các hãng hàng không lớn và nhiều kinh nghiệm trên thế giới không phải đơn giản”.

Bài toán kinh tế mà ông Khoát nói đến chính là làm sao vận hành hiệu quả về mặt kinh doanh đường bay này. Bài toán này không dễ giải ngay cả với những hãng hàng không lớn của Mỹ như United Airlines hay cũng hóc búa đối với Vietnam Airlines.

Chỉ một năm sau khi hai nước kí hiệp định hàng không, United Airlines mở đường bay đầu tiên từ San Francisco tới TP HCM vào năm 2004 và có quá cảnh ở Hong Kong. Tuy nhiên, hãng đã phải đóng cửa đường bay này ba năm trước đây do không hiệu quả.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg cuối tháng 2 vừa qua, sau khi hàng không Việt Nam được đánh giá Mức 1, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cũng nhận định cơ hội đang mở ra cho đường bay giữa hai nước, khi có tới hơn 2 triệu người Việt sống ở Mỹ; đồng thời nhu cầu bay công tác và du lịch từ Mỹ sang Việt Nam đang gia tăng.

Dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2019, có 465.711 khách du lịch Mỹ đến Việt Nam, tăng 7,4% so với cùng kì năm trước. Tổng số khách du lịch Mỹ đến Việt Nam năm ngoái là 687.226 lượt, tăng 11,9% so với năm trước.

Ông Thành cho biết Vietnam Airlines đã mong muốn khai thác đường bay thẳng tới Mỹ từ lâu, và lên kế hoạch chuẩn bị từ năm 2008, nhưng sau hơn một thập kỉ vẫn chưa thể thành hiện thực, bởi nhiều trở ngại.

Một trong những trở ngại lớn nhất là hiệu quả kinh doanh. Theo tính toán trước đây, nếu mở đường bay thẳng tới Mỹ, Vietnam Airlines có thể lỗ 30 triệu USD mỗi năm và mức lỗ ước tính có thể lên tới 3.300 tỉ đồng sau năm năm, tương đương với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng hàng không này năm ngoái.

Ông Thành cho biết Vietnam Airlines dự định sẽ khai thác tuyến bay từ TP HCM tới hai địa điểm có nhiều người Việt, là Los Angeles hoặc San Francisco vào năm 2020; nhưng ban đầu sẽ quá cảnh tại Nhật Bản, Đài Loan hoặc Hàn Quốc trước khi bay thẳng vào năm 2020.

Nhưng ông Quyết, người đã trực tiếp chỉ đạo biến những vùng đất hoang sơ ven biển Thanh Hoá và Bình Định thành những khu du lịch cao cấp, có lẽ là người lạc quan nhất khi khẳng định “yên tâm rằng bay sẽ không lỗ”.

Tại toạ đàm “Bay thẳng Việt - Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh” do Bamboo Airways tổ chức tuần trước, ngay tại trụ sở mới của hãng ở Hà Nội, ông Quyết đã đưa ra những con số tính toán cụ thể để chứng minh tính khả thi của đường bay này.

Theo ước tính của ông Quyết, nếu sử dụng máy bay Boeing 787-9 với khả năng chở 240 hành khách mỗi chuyến, thì nếu bán với giá vé khứ hồi 1.100USD thì có thể lỗ khoảng 14 tỉ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu nâng giá vé lên 1.300USD thì có thể lãi 8,4 tỉ đồng. Và nếu quá cảnh ở nước thứ ba như Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì còn lãi hơn, vì thu hút thêm nhiều khách hàng.

Sau giai đoạn đầu khuyến mãi, giá vé có thể nhích lên nhưng người đứng đầu Bamboo Airways khẳng định sẽ vẫn thấp hơn nếu so với giá vé bay đi Mỹ của Japan Airlines (1.600USD) hay Cathay Pacific (khoảng 1.300USD).

Trong khi hãng hàng không trẻ tuổi Bamboo Airways “háo hức” với đường bay tới Mỹ thì Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lại khá im ắng. Kế hoạch bay Mỹ của hãng hàng không thế hệ mới được biết đến sau cuộc phỏng vấn của bà Thảo với hãng tin Bloomberg vào cuối năm 2017 và đến nay hầu như không có thêm thông tin mới.

Trả lời hãng tin Mỹ lúc đó, lãnh đạo Vietjet dự kiến những chuyến bay đầu tiên sẽ nối Việt Nam với sân bay sân bay Norman Y. Mineta San Jose International Airport, đủ gần để phục vụ thị trường San Francisco và cộng đồng người Việt.

Tăng cường đội bay

Với đặc điểm khoảng cách địa lí dài với thời gian bay khoảng 14-16 giờ liên tục đối với chuyến bay thẳng, chặng bay Việt - Mỹ đòi hỏi các hãng hàng không phải trang bị những dòng máy bay thân rộng hiện đại như Boeing 787-9 hay Airbus A350.

Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không sở hữu đội bay “khủng” nhất trong ba hãng có mong muốn mở đường bay Mỹ. Từ năm 2015 đến nay, Vietnam Airlines đã mở rộng đội máy bay thân rộng, với trọn bộ 14 chiếc Airbus A350-900 và 11 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner.

Dự kiến trong năm nay, hãng sẽ nhận những chiếc Boeing dòng 787-10 đầu tiên. Vietnam Airlines cũng là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam đang khai thác dòng máy bay thân rộng thế hệ mới này, và bay đường dài đến London, Paris hay Frankfurt.

Trong khi đó, Vietjet chưa có nhiều động thái với các loại máy bay phục vụ chặng dài khi hiện duy trì khai khác Airbus dòng A320 và A321 được hãng hàng không này ký thỏa thuận mua và thuê hồi năm 2014.

Khác với Vietjet, “tân binh” Bamboo Airways đang cho thấy những bước chuẩn bị rất nhanh. Bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội, Bamboo Airways đã kí thỏa thuận mua thêm 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner với trị giá gần 3 tỉ USD. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc Bamboo Airways đã đặt mua tổng cộng 30 chiếc 787 thân rộng của Boeing với tổng giá trị khoảng 8,6 tỉ USD.

Giấc mơ Mỹ của Bamboo Airways - Ảnh 2.

Đại diện Bamboo Airways và Boeing kí thoả thuận đặt mua 10 chiếc Boeing 787-9 dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2 năm nay

Boeing 787-9 là dòng máy bay cho phép các hãng hàng không bay chặng dài, với chi phí nhiên liệu giảm hơn 20% so với các máy bay thân rộng trước đây. Được mệnh danh là "khách sạn 5 sao trên không", Boeing 787-9 có khả năng bay thẳng từ TP HCM hoặc Hà Nội tới bờ Tây nước Mỹ mà không cần dừng kĩ thuật.

Dự kiến Bamboo Airways sẽ nhận được chiếc Boeing 787 đầu tiên vào quý III năm sau.

Bên cạnh việc đặt mua máy bay thân rộng từ Boeing, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết đã bắt tay chuẩn bị xây dựng bộ máy nhân sự, huấn luyện phi công, tìm hiểu kĩ càng các yêu cầu về an toàn, an ninh, những điều kiện pháp lí, luật liên bang, tiểu bang của Mỹ ngay sau khi chuyến bay thương mai đầu tiên của hãng cất cánh vào tháng 1 năm nay.

Ông Quyết thừa nhận có ý kiến hoài nghi về tính khả thi của đường bay này, thậm chí nói rằng ông “chém gió”. Nhưng ông khẳng định quyết tâm đưa Bamboo Airways trở thành “con chim đầu đàn” của Việt Nam bay sang phía Tây bán cầu vào quý cuối năm sau.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.