Giải ngân vốn đầu tư công đạt 51% trong 8 tháng đầu năm

Các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát, khống chế sự lây lan của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc thực hiện các dự án đầu tư công. Tính chung 8 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 224.900 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8/2021 ước tính đạt 34.900 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với tháng trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 244.900 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%).

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 41.600 tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 203.300 tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6%.

Cụ thể, Bộ giao thông vận tải đạt 20.876 tỷ đồng, bằng 52,8% và tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2020; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 2.174 tỷ đồng, bằng 47,6% và giảm 10,8%; Bộ Y tế 1.298 tỷ đồng, bằng 33,8% và giảm 54,9% và Bộ Giáo dục và Đào tạo là 779 tỷ đồng, bằng 39,2% và giảm 38,1%...

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 51% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Tính hết tháng 8/2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 224.900 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Đối với các địa phương, Hà Nội đạt 27.462 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; TP HCM đạt 13.267 tỷ đồng, bằng 37,1% và giảm 27,4%; Quảng Ninh 11.695 tỷ đồng, bằng 66,1% và tăng 22,2%, tỉnh Thanh Hóa đạt 6.504 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 2,3%,...

Giữa tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn.

Người đứng đầu Chính Phủ giao các đơn vị liên quan hẩn trương hoàn thiện thủ tục để hoàn thành việc giao vốn chi tiết, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, gỡ khó về đất đai, tài nguyên, chủ động điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng của 34 bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25% (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, không để tiếp tục tình trạng giải ngân chậm trong thời gian tới.

Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được giao tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo quy định để bảo đảm triển khai ngay sau khi hết giãn cách xã hội.

Tiến độ nhiều dự án bị ảnh hưởng do Covid-19

Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, do liên tục tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn thành phố có ít dự án đủ điều kiện "3 tại chỗ" được tiếp tục thi công, hầu hết tạm ngưng hoặc thi công cầm chừng như dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)…

Đối với dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, hiện do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên chỉ thi công gói thầu nhà ga Bến Thành, do chủ thầu đáp ứng đủ điều kiện áp dụng Chỉ thị 16. Tính chung khối lượng toàn tuyến đến nay đạt trên 88%. Theo dự kiến ban đầu, công trình sẽ đưa được vào vận hành kỹ thuật vào cuối năm nay, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đã chuyển sang giữa năm 2022.

Đối với dự án tuyến đường sắt Metro số 2, công tác giải tỏa cơ bản đã xong, các quận bị giải tỏa đang tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2022.

Theo TTXVN, hôm nay (ngày 2/9), CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư) cho biết các kỹ sư và công nhân đã thực hiện lắp đặt đốt dầm AS16, hoàn thành hợp long cầu chính dự án cầu Thủ Thiêm 2 (TP HCM) theo đúng tiến độ vào dịp Quốc khánh.

Công trình cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với TP Thủ Đức) đã hoàn thành lắp đặt 17/17 đốt dầm thép băng ngang sông Sài Gòn, giúp kết nối với cầu dẫn tuyến chính phía quận 1 (đã hoàn thành trước đó).

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 51% trong 8 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành hợp long cầu chính đúng dịp Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Thanh Niên).

Dự án có vốn đầu tư 3.082 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT. Tổng chiều dài công trình khoảng 1.465 m, với phần cầu dài khoảng 885,7 m gồm nhịp chính có kết cấu dây văng và các nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép, mặt cắt ngang 6 làn xe; phía quận 1 gồm 3 nhánh cầu. Đường dẫn phía quận 1 dài khoảng 351,6 m; đường dẫn phía TP Thủ Đức dài khoảng 227,7 m.

Đây là một trong những công trình xây dựng, giao thông trọng điểm, cấp bách được UBND TP HCM cho phép thi công trong giai đoạn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, với mục tiêu hoàn thành dự án vào quý II/2022.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.