Giao thông công cộng của Việt Nam đang hướng tới môi trường xanh

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TP HCM của Tập đoàn Vingroup.

Theo báo Giao thông, Bộ GTVT đã nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ về việc chuyển đề xuất của Tập đoàn Vingroup liên quan đến phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại TP Hà Nội và TP HCM để giảm ô nhiễm môi trường.

Bộ GTVT đánh giá việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chạy bằng năng lượng điện phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2015 và kế hoạch hành động quốc gia về quản lí chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025...

Do đó, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại Hà Nội và TP HCM của Tập đoàn Vingroup.

Bộ GTVT đề nghị UBND của hai thành phố trên yêu cầu Tập đoàn Vingroup cần thực hiện theo đúng qui định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Không chỉ ở Hà Nội và TP HCM, vào tháng 7 vừa qua Bộ GTVT đã có công văn thống nhất với chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang về việc mở tuyến xe buýt (sử dụng ô tô buýt chạy bằng năng lượng điện) của Tập đoàn Vingroup trên địa bàn đảo Phú Quốc kết nối với Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, theo báo Đầu tư.

Giá vé xe buýt điện của Vingroup dự kiến 

Vào cuối tháng 9 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup – Công ty CP thí điểm thực hiện 5 tuyến xe buýt điện VinBus trên địa bàn TP trong thời gian 12 tháng, theo thông tin từ Vingroup.

Cụ thể 5 tuyến buýt điện có lộ trình xuất phát từ khu dân cư Vinhome Grand Park đến các đầu mối giao thông quan trọng như: Trung tâm thương mại Emart (cự li 27 km, tuyến VB01), sân bay Tân Sơn Nhất (cự li 30 km, tuyến VB02), bến xe buýt Sài Gòn (cự li 29 km, tuyến VB03), bến xe Miền Đông (cự li 8,5 km, tuyến VB04) và Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự li 10 km; tuyến VB05).

Mẫu xe buýt điện không người lái được cho là của VinFast. (Ảnh: otofun).

Chủ đầu tư Vingroup xin được cơ chế trợ giá theo đơn giá cho xe buýt CNG (không xét đến yếu tố chênh lệch giá nhiên liệu CNG), cụ thể đơn giá cho 1 km vận doanh là 24.224 đồng/km. Tỉ lệ trợ giá/chi phí bằng 44,1% chi phí hoạt động.

Giá vé tuyến buýt điện VinBus dự kiến sau khi có trợ giá trung bình 7.000 đồng/lượt hành khách các tuyến VB01, VB02, VB03 và 5.000 đồng/lượt hành khách đối với các tuyến VB04, VB05. Riêng học sinh, sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.

Mỗi chiếc xe VinBus do VinFast sản xuất có trị giá khoảng 6,5 tỉ đồng, chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải và hạn chế tiếng ồn. Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 – 70 chỗ.

Đối với điểm đầu và điểm cuối tuyến trong khu dân cư Vinhome Grand Park Quận 9, Tập đoàn Vingoup sẽ đầu tư xây dựng bến bãi và các công trình hạ tầng kĩ thuật khác phục vụ hoạt động của các tuyến xe buýt điện. Ngoài ra, Tập đoàn cũng sẽ đầu tư xây dựng khu lưu đậu xe qua đêm, nạp điện, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện.

Tại Hà Nội, Vingroup đã đăng kí 10 tuyến xe buýt điện VinBus chạy qua các khu đô thị Vinhomes kết nối đến các điểm trung chuyển trung tâm thành phố. Các tuyến buýt điện dự kiến triển khai tại Hà Nội là: Long Biên – Trần Phú – Khu đô thị Smart City; Long Biên – Cầu Giấy – Khu đô thị Smart City; Bến xe Giáp Bát – Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City – Công viên nước Hồ Tây; Khu đô thị Smart City – Vincom Long Biên; Hào Nam – Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình – Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) – Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ quan Sở ngành Hà Nội – Khu đô thị Times City; Khu đô thị Ocean Park – Sân bay Nội Bài.

Các xe buýt được Vingroup sử dụng có tốc độ 80 km/h, sức chứa 65-70 người, pin Lithium- Ion, không phát thải. Tập đoàn Vingroup hiện cũng đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kĩ thuật và bảo vệ môi trường, phù hợp với qui chuẩn hiện hành.

Theo giới thiệu của Tập đoàn Vingroup, vào đầu tháng 5/2019, tập đoàn này công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus (Công ty VinBus), chính thức tham gia lĩnh vực vận tải hành khách. Công ty VinBus có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo mô hình phi lợi nhuận.

Dự kiến, Công ty VinBus sẽ cung cấp dịch vụ vận tải, bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. Trước mắt, công ty sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất. Hiện nhà máy sản xuất xe buýt điện VinFast đang trong quá trình xây dựng và lắp đặt hệ thống nhà xưởng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, góp phần xây dựng mạng lưới giao thông công cộng và đặc biệt là giảm thiểu khí thải và tiếng ồn, Công ty VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.