Xuân Canh Tí 2020 này là năm thứ ba gia đình anh Nguyễn Văn Vinh (32 tuổi, quê Gia Lai) ăn Tết ở TP HCM. Căn hộ nơi gia đình anh Vinh đang cư ngụ nằm thuộc một dự án nhà ở xã hội ở quận Bình Tân.
Nhớ lại thời điểm mua nhà, anh Vinh kể, để có suất mua căn hộ 56 m2 tại dự án nhà ở xã hội này, vợ chồng anh phải chạy ngược chạy xuôi làm hồ sơ trong nhiều tháng. Nào là phải xin xác nhận chưa có nhà, đăng ký tạm trú, kê khai mức thu nhập hàng tháng… thế nhưng không phải ai làm thủ tục cũng được xét duyệt bởi số lượng căn hộ có hạn.
Theo anh Vinh, cũng tại dự án này nhưng giá bán căn hộ nhà ở xã hội thấp hơn khoảng 7 triệu đồng/m2 so với nhà ở thương mại. Giá bán khá ưu đãi là một trong những yếu tố khiến nhiều người thu nhập thấp “săn” mua nhà ở xã hội.
Cũng là một trong những hộ dân đầu tiên được duyệt mua căn hộ nhà ở xã hội tại khu dân cư Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, gia đình ông Trương Văn Sáu cho biết, khi Chính phủ ban hành gói vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng với lãi suất 5%/năm, gia đình ông đã vay mượn của người thân, bạn bè kết hợp vay vốn mua nhà.
Mỗi tháng gia đình ông Sáu phải trả cả tiền gốc và lãi vay ngân hàng khoảng 7 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông Sáu đã trả được hơn nửa số tiền vay, còn khoảng 5 năm nữa thì vợ chồng ông Sáu sẽ trả hết nợ mua nhà.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 470.000 hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ công chức, viên chức chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân.
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 18.000 hộ gia đình bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị, không đủ điều kiện bồi thường hoặc không đủ để mua nhà ở thương mại trên thị trường. Do đó, nhu cầu thuê mua nhà ở xã hội của người dân rất bức thiết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết, cùng với sự ảm đạm của thị trường BĐS thành phố nói chung, chương trình phát triển nhà ở xã hội trong năm 2019 cũng đang gặp phải những khó khăn. Cụ thể, trong năm qua thành phố chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với 2.281 căn hộ đã hoàn thành xây dựng. Đáng nói, không có dự án nhà ở xã hội nào mới được triển khai.
Theo Chủ tịch HoREA, từ năm 2014 khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng cùng với các giải pháp hỗ trợ khác của Chính phủ đã giúp thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại. Việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này gây khó khăn không chỉ cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội mà ngay cả người vay mua nhà ở xã hội.
Ông Châu lí giải, khi dừng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng, các chủ đầu tư đã ký hợp đồng vay ưu đãi nhưng chưa giải ngân hết thì không được tiếp tục giải ngân phần còn lại. Trong khi đó, người vay mua nhà ở xã hội chưa nhận nhà trong năm 2016 cũng không được giải ngân, buộc phải chuyển sang vay với lãi suất thương mại cao gấp đôi.
“Cơ chế chính sách ưu đãi phát triển nhà ở xã hội được qui định rất cụ thể trong nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ. Tuy chủ trương đã có nhưng không bố trí nguồn tái cấp vốn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, do đó các dự án rơi vào tình trạng đói vốn.
Do nhiều khả năng Nhà nước không bố trí thêm được nguồn vốn ngân sách để thực hiện hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội trong năm 2020, nên hiệp hội đề nghị UBND thành phố phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện “kết nối ngân hàng với doanh nghiệp” là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua trả góp nhà ở xã hội có thể được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lí nhất”, ông Châu nói.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh BĐS tại TP HCM cho hay, qui trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhiều so với nhà ở thương mại, trong khi giá bán và lợi nhuận nhà ở xã hội thấp hơn nhiều nên doanh nghiệp không mặn mà tham gia.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia, theo đại diện doanh nghiệp này, Nhà nước cần rút gọn thủ tục đầu tư, có cơ chế ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đủ khả năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
“Tương tự nhà ở thương mại, hiện các dự án nhà ở xã hội có quĩ đất hỗn hợp cùng bị vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng. Trong khi đó dự án nhà ở xã hội có đặc thù là được miễn tiền sử dụng đất nên qui trình giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng riêng nên theo hướng rút ngắn còn 4 bước, thay vì 5 bước như dự án nhà ở thương mại”, đại diện doanh nghiệp kiến nghị.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TP HCM, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn thành phố có 42 dự án nhà ở xã hội với qui định hơn 41.000 căn hộ. Trong đó có 14 dự án đã hoàn tất xây dựng, 9 dự án đang thi công và 18 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2025, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 1,96 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Trong đó có 980.000 m2 sàn nhà ở cho người thu nhập thấp; 980.000 m2 sàn cho đối tượng tái định cư và 385.000 m2 sàn nhà ở công nhân. Sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả để xây dựng nhà ở xã hội giải quyết cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn về nhà ở, không thể thuê nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, với tỷ lệ hợp lí so với nguồn vốn phát triển nhà ở trên địa bàn toàn thành phố và giảm dần theo từng giai đoạn (giai đoạn 2016 – 2020 tối đa 10% và giai đoạn 2021 – 2025 tối đa 5%). |