Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch, người dân từ các vùng miền trong cả nước đều dành thời gian về đây tham dự lễ hội. Tham dự lễ hội Đền Hùng, du khách có hai phương án để lựa chọn: Đi theo tour hoặc đi tự túc. Tùy vào thời gian và điều kiện cho phép, du khách có thể sắp xếp một lịch trình phù hợp.
Khu di tích đền Hùng
Là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Phú Thọ, tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Đền được xây dựng vào thế kỉ XV, tương truyền đây là nơi mà người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.
Đến đền Hùng vào chính hội (ngày 10/3 âm lịch), du khách sẽ được hòa mình vào những nghi thức, tinh thần hướng về cội nguồn của một lễ hội được nâng tầm quốc lễ.
Khu di tích lễ hội Đền Hùng. (Ảnh: Wikipedia)
Đền Quốc mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ nằm trong khu di tích đền Hùng, bên tả có giếng Loan, bên hữu lại có giếng Phượng, phía trước có núi Giác, còn sau lưng có sông Hồng uốn khúc. Đền được thiết kế dựa trên nền kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hóa của thời kì Đông Sơn.
Trên tuyến đường di chuyển từ Đền Hùng du khách có thể ghé thăm Đền Quốc mẫu Âu Cơ. (Ảnh: Dulichphutho)
Hang Lạng
Hang Lạng thuộc xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong những kì quan của thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Tổ, thu hút hàng ngàn lượt khách ghé thăm mỗi năm.
Đây là một hang động chạy dài và dọc theo dãy núi đá vôi. Từ bên ngoài nhìn vào, ấn tượng đầu tiên trong tâm trí du khách chính là một hang đá hùng vĩ, rộng và chạy dài như bất tận.
Khi vào sâu bên trong, du khách sẽ càng thêm thích thú, giống như lạc vào một thế giới huyền bí và lạ lùng, một thế giới được tạo nên bởi những thạch nhũ đẹp lạ thường, những suối nước trong hang với đàn cá măng, cá ngạnh nặng đến dăm bảy kí.
Trong lòng hang Lạng, nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống tạo nên hình dáng hết sức ấn tượng. (Ảnh: TripHunter)
Đầm Ao Châu
Đầm Ao Châu thuộc thị trấn Hạ Hòa và các xã Yên Sơn, cách thị xã Phú Thọ 50 km, cách TP Việt Trì 70 km. Nơi đây được xem như một vịnh Hạ Long thu nhỏ trên mảnh đất Phú Thọ.
Đầm Ao Châu được bao phủ một thảm thực vật đa dạng và phong phú, xung quanh được điểm xuyết rải rác bởi các hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên một khung cảnh thơ mộng trữ tình. (Ảnh: youvivu)
Đồi chè Long Cốc
Về Phú Thọ dự lễ hội Đền Hùng, du khách cũng đừng bỏ qua điểm đến được nhiều người yêu thích là đồi chè Long Cốc ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ.
Đến đây, bạn sẽ được đắm mình trong không gian yên tĩnh, không khí mát lành cùng hương gió vấn vương vị thơm thơm, chát chát đặc trưng của chè Long Cốc.
Không gian yên tĩnh cùng không khí mát lành ở đồi chè Long Cốc. (Ảnh: gody)
>>> Xem thêm: Lịch nghỉ chính chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương và nghỉ 30/4 - 1/5 năm 2019
Những món ăn nổi tiếng của Phú Thọ mà bạn nhất định phải thử có thể kể đến: Cơm nắm lá cọ, cọ ỏm chấm mắm và canh cá rau sắn cá sông Đà, dê Thanh Sơn, thịt chua Thanh Sơn...
Thịt chua Thanh Sơn
Món ăn này được làm từ loại lợn lửng do người Mường chăn thả tự nhiên nên rất chắc thịt. Thịt chua Thanh Sơn cuốn với lá sung, đinh lăng, chấm thêm tương ớt cay tạo nên hương vị rất riêng.
Thịt chua Thanh Sơn. (Ảnh: Farm Deli)
Cơm nắm lá cọ
Là đặc sản của đất Phù Ninh - vùng quê nổi tiếng với cây cọ và các sản phẩm từ cọ như nón lá, mành treo…
Nguyên liệu món ăn này khá đơn giản, lá cọ non của những cây cọ nhỏ sau đó cho cơm vào tàu cọ lăn qua cho chặt, chắc miếng cơm.
Rau sắn
Rau sắn chính là búp sắn non của cây săn lấy củ mà mọi người vẫn hay ăn. Loại búp sắn non sau khi ngâm nước cho bớt nhựa thì đem vò nát, trộn muối và ủ chua khoảng 4 5 ngày. Rau sắn muối có thể đem làm nộm, xào, nấu canh cá đồng… đều rất đưa cơm.
Bánh tai
Là một loại bánh được làm từ bột gạo tẻ, thịt lợn băm nhuyễn làm nhân trộn cùng gia vị, sau đó đem hấp lên. Bánh tai khi ăn nên chấm thêm nước mắm để tăng mùi vị thơm ngon.
Trám om
Quả trám khi nấu lên có vị chua thơm ngấm vào thịt cá mềm mềm, hòa quyện với mùi tương. Món này thường được kho cùng với cá để tạo hương vị bùi bùi, béo ngậy.
Quả trám là một trong những đặc sản nổi tiếng, rất riêng ở Phú Thọ. (Ảnh: Phụ Nữ Plus)
Xôi nếp gà gáy
Một thứ nếp đặc sản của Phú Thọ có cái tên rất lạ: nếp gà gáy. Xôi nếp gà gáy dẻo thơm, chấm muối vừng hoặc sang hơn thì ăn với gà đồi nướng, thấy xôi ngon tuyệt mà thơm cả vị núi rừng.
>>> Xem thêm: Cận cảnh đền tưởng niệm các Vua Hùng lớn nhất Nam Bộ
>>> Xem thêm: Những mẹo nhỏ giúp thăm Đền Hùng vừa nhàn vừa vui dịp lễ hội
Trên đây là những thông tin về điểm đến và những món ngon đặc sản ở Phú Thọ nếu du khách có dịp về đây dự lễ hội Đền Hùng 2019.