Hãi hùng cảnh tượng xô đẩy giành giật để mua khẩu trang y tế ngay thủ đô Hà Nội

Ngày 31/1, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh hàng trăm người tiêu dùng chen lấn, xô đẩy để mua khẩu trang y tế tại chợ thuốc Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến dư luận dậy sóng. Trong ngày, tại các nhà thuốc và siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra tình trạng "cháy" khẩu trang y tế và nước rửa tay khử khuẩn khi tâm lí lo ngại dịch cúm do virus corona gia tăng.

Bộ Y tế đang yêu cầu doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới, đảm bảo chất lượng và đưa vào sản xuất ngay. (Video: Tổng cục QLTT).

Khẩu trang y tế cháy hàng, người Hà Nội đứng ngồi không yên

Mạng xã hội đang lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh hàng trăm người tiêu dùng xô đẩy giành giật để mua khẩu trang y tế tại chợ thuốc Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến dư luận dậy sóng. 

Nhiều người bình luận cho rằng, cảnh tượng không khác gì tại vùng tâm chấn Vũ Hán (Trung Quốc), nơi bùng phát đại dịch virus corona lần này. 

Một số người bày tỏ thái độ không đồng tình với hành động của những nhân vật trong đoạn video, và tình hình dịch bệnh tại Việt Nam không đến mức phải làm quá như thế:

"Tôi cảm giác như video này được quay tại Vũ Hán chứ không phải tại Việt Nam", người dùng có nickname An Khải bình luận. 

"Thật khủng khiếp. Trông giống ngày tận thế thì đúng hơn", người dùng Trọng Nghĩa nhận xét. "Tại sao không xếp hàng, quy định mỗi người mua một hộp. Hình ảnh phản cảm ngay giữa Thủ đô", bạn Thu Huệ chia sẻ. 

Hãi hùng cảnh tượng xô đẩy giành giật để mua khẩu trang y tế phòng dịch ngay tại Thủ đô - Ảnh 2.

Người dân chen lấn xô đẩy để mua bằng được khẩu trang y tế. (Ảnh: Định Nguyễn).

Tuy nhiên cũng có những ý kiến tỏ ra thông cảm, khi cho rằng đây là tâm lí lo sợ dịch bệnh chung của nhiều người. Bởi hầu hết tại các cơ sở vật tư y tế từ vài ngày nay, mặt hàng khẩu trang y tế và nước rửa tay khử khuẩn luôn trong tình trạng khan hiếm, giá tăng cao chóng mặt. 

Trong cùng ngày, theo ghi nhận tại các nhà thuốc, siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP HCM cũng xảy ra tình trạng cháy hàng đối với các thiết bị phòng dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn,... 

Giá của những mặt hàng này cũng sốt giá, tăng cao từng phút một. "Vừa lúc mua xong 800.000 đồng/hộp ra đến cửa giá đã tăng lên 900.000 đồng/hộp, vẫn có người sẵn sàng bỏ tiền ra mua", anh Nguyễn Sơn nhà ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết. 

Trong khi đó, theo lời kể của chủ một cửa hàng bán vật tư y tế trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội): "Ngủ qua một đêm dậy giá khẩu trang y tế đã tăng gấp 5 lần". 

Theo khảo sát, giá cho một hộp khẩu trang y tế loại thường đã được đẩy lên từ 25.000 đồng/hộp trước dịch lên 300.000 đồng/hộp, vào cuối giờ chiều ngày 31/1. Thậm chí tại chợ thuốc Hapulico, giá một hộp khẩu trang ghi nhận được đã bị hét lên tới 500.000 đồng/hộp, tức tăng 20 lần. 

Bà Bích Thảo, ngụ tại Kim Mã (Hà Nội) tỏ ra lo lắng: "Giá khẩu trang, nước rửa tay đều tăng cao, mà nguy hiểm hơn nữa là dù tăng giá cao nhưng vẫn không có để mua. Đứng trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, chúng tôi không biết phải làm sao. Đã chạy khắp 5-6 cửa hàng rồi nhưng vẫn chưa mua được". 

Tổng Cục quản lí thị trường: Nhiều cửa hàng, cơ sở có dấu hiệu găm giữ hàng 

Hãi hùng cảnh tượng xô đẩy giành giật để mua khẩu trang y tế phòng dịch ngay tại Thủ đô - Ảnh 3.

Cục QLTT kiểm tra chợ thuốc Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng. (Ảnh: Tổng cục QLTT).

Sau khi đoạn video trên được phát tán trên mạng xã hội và nhận được chỉ đạo từ Tổng cục QLTT, Cục QLTT Hà Nội, ngay trong sáng 31/1, Đội QLTT số 1 (Đội cơ động) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế HAPU- số 01 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá. Bước đầu có dấu hiệu găm giữ hàng hóa.

Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế không niêm yết giá, và yêu cầu các cơ sở kinh doanh lập tức niêm yết giá và bán ngay ra thị trường số khẩu trang hiện có. Đồng thời yêu cầu cửa hàng cam kết bán đúng giá đã niêm yết, và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng.

"Chúng tôi đã phải vào tận kho để kiểm tra hàng hoá, niêm yết giá bán khẩu trang tại đây và yêu cầu cửa hàng bán đúng giá niêm yết, nếu không sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. Đồng thời vận động và cùng các nhà thuốc bán cho khách hàng để tránh tình trạng hỗn loạn xảy ra" ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết.

Trong cùng ngày, Tổng Cục QLTT đã gửi công văn hoả tốc, về tăng cường phòng chống dịch corona. Trong đó, yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lí nhằm phát hiện, xử lí kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lí. 

Đối với các trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lí theo quy định pháp luật.

Khan hiếm khẩu trang y tế phòng dịch, Bộ Y tế nói gì?

Hãi hùng cảnh tượng xô đẩy giành giật để mua khẩu trang y tế phòng dịch ngay tại Thủ đô - Ảnh 4.

Giá mặt hàng y tế như khẩu trang, nước rửa tay đã tăng gấp 5 thậm chí gấp 20 lần ngày thường. (Ảnh: Thiên Trường).

Trước tình hình khan hiếm khẩu trang y tế ngay khi Chính phủ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang phòng dịch viêm phổi cấp do virus corona, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: Từ 28/1, Bộ đã có văn bản gửi hơn 30 nhà sản xuất khẩu trang, yêu cầu họ báo cáo về số hàng tồn kho, năng lực sản xuất..., đồng thời yêu cầu các công ty sản xuất ngay để cung cấp cho thị trường. 

Trong hôm nay hoặc mai, các doanh nghiệp sẽ có báo cáo về khả năng cung ứng.

Bộ Y tế cũng đang yêu cầu doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới, đảm bảo chất lượng và đưa vào sản xuất ngay.

Trước tình trạng giá bán các loại mặt hàng này bị đẩy giá, theo ông Tuấn, Vụ đã trao đổi với Vụ Kế hoạch - tài chính và các sở y tế để có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không găm hàng, đẩy giá.