Hạn chế xe cá nhân chống ùn tắc và ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Chờ xe buýt, tàu điện đến bao giờ?

Nhiều người dân cho rằng muốn hạn chế xe cá nhân chống ùn tắc và ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì vận tải công cộng phải thực sự đáp ứng được nhu cầu.
Hạn chế xe cá nhân chống ùn tắc và ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Còn chờ xe buýt, tàu điện? - Ảnh 1.

Giảm phương tiện cá nhân nhằm chống ùn tắc, ô nhiễm không khí được nhiều quốc gia áp dụng. (Ảnh: Di Linh).

Giảm phương tiện cá nhân chống ùn tắc, ô nhiễm không khí

Nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Bộ TN&MT đã đưa giải pháp xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh.

Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; trong nội đô cần tăng cường sử dụng các loại xe điện; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn.

UBND TP Hà Nội cũng ban hành chỉ thị trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia lưu thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nước trên thế giới cũng đang có các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc, ô nhiễm không khí từ khí thải của các phương tiện cá nhân.

Ví dụ, tại Bangkok (Thái Lan), chính quyền đã sử dụng các biện pháp khẩn cấp như hạn chế xe tải lớn, dùng súng phun nước ở những khu vực ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại New Delhi (Ấn Độ), chính quyền hạn chế ô nhiễm không khí bằng việc áp dụng biện pháp biển số chẵn lẻ để giảm phương tiện lưu thông mỗi ngày và nếu vi phạm sẽ bị phạt.

Tương tự, tháng 11 vừa qua, Hàn Quốc đã cấm các phương tiện không thiết yếu không lưu thông cách ngày trong khu vực thủ đô.

Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), từ năm 2017, việc hạn chế lượng phương tiện ở mức 6 triệu xe đã được thực hiện. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng ưu tiên, khuyến khích vận tải công cộng...

Từ đó có thể thấy, việc hạn chế phương tiện cá nhân là một bài toán khả thi cho vấn đề ùn tắc và ô nhiễm môi trường ở nhiều nước trên thế giới.

Hạn chế xe cá nhân chống ùn tắc và ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Còn chờ xe buýt, tàu điện? - Ảnh 2.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn được kì vọng giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội chưa rõ ngày nào khai thác thương mại. (Ảnh: Di Linh).

Hạn chế xe cá nhân nhưng vận tải công cộng có gì?

"Gắn bó" với chiếc khẩu trang chống bụi mịn từ vài tháng nay, anh Hoàng Minh Tuấn (Định Công) cho biết giờ chiếc khẩu trang giống như mũ bảo hiểm, ra khỏi nhà không quên được.

"Gần đây, tôi phải thường xuyên sử dụng khẩu trang sau khi gặp vấn đề về hô hấp. Bên cạnh đó, những thông tin về ô nhiễm cũng thường xuyên theo dõi hơn", anh Tuấn nói.

Mỗi ngày, anh Tuấn chạy xe máy chục km từ Định Công lên Cầu Giấy để làm việc. Theo anh, đường Vành đai 3 giờ thường xuyên ùn tắc ở nút giao Nguyễn Trãi, Tôn Thất Thuyết.

"Không đeo khẩu trang thì không chịu được nhất là khi đứng trong đám tắc đường hoặc chờ đèn đỏ", anh Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về việc chuyển sang đi xe buýt để tránh việc... hít bụi, anh Tuấn lắc đầu: "Sáng tôi phải đưa con đi học, đi xe buýt không thuận tiện và cũng rất xa để đến được điểm đón".

Hạn chế xe cá nhân chống ùn tắc và ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Còn chờ xe buýt, tàu điện? - Ảnh 3.

Thời gian gần đây, nhiều người dân sống ở Thủ đô gắn bó với khẩu trang như với mũ bảo hiểm. (Ảnh: Di Linh).

Trao đổi với chúng tôi về việc ùn tắc, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, không ít độc giả ủng hộ việc hạn chế phương tiện cá nhân nhưng đi kèm theo đó là vấn đề khó khăn từ phía vận tải công cộng.

"Hàng ngày, tôi cũng như hàng triệu người đi xe máy khác phải đối diện với ùn tắc, ô nhiễm không khí hay đơn giản là hít khói xe bụi đường khi sử dụng xe máy. Tất nhiên, không ai muốn tình trạng này xảy ra.

Tuy nhiên, bạn có gì ở xe buýt tại Hà Nội? Muốn đi xe buýt, tôi phải đi bộ rất xa, phải đứng chờ lâu và muốn tới điểm đến cũng phải tiếp tục đi bộ", anh Đào Danh Huy (31 tuổi, Cầu Giấy), nói.

Theo anh Vũ Trần Tùng Anh (29 tuổi, Hà Đông) cũng khá "thất vọng" về vấn đề vận tải công cộng.

"Tôi cho rằng, nếu vận tải công cộng tốt thì tự người dân sẽ bỏ xe máy vì chẳng ai muốn đi xe máy chịu mưa nắng bụi bẩn hay ô nhiễm không khí. Nhưng vấn đề chúng ta đang có gì?

Xe buýt không phủ sóng rộng, đường sắt đô thị chưa biết khi nào khai thác. Vậy chúng ta lấy gì thay thế xe máy?", anh Tùng Anh đặt câu hỏi.

Hạn chế xe cá nhân chống ùn tắc và ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Còn chờ xe buýt, tàu điện? - Ảnh 4.

Vận tải công cộng yếu kém dẫn đến khó hạn chế phương tiện cá nhân. (Ảnh: Di Linh).

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng khi vận tải công cộng yếu kém mà hạn chế phương tiện cá nhân sẽ khiến người dân khó khăn trong việc đi lại.

"Phương tiện cá nhân tăng nhanh gây ùn tắc, ô nhiễm không khí nhưng hạn chế ngay lại không được vì vận tải công cộng yếu kém. Đây là vòng luẩn quẩn và cần giải quyết đồng bộ từ việc phát triển vận tải công cộng, hạ tầng giao thông, hạn chế xe cá nhân, di dời nhà máy ô nhiễm...", TS Thủy cho biết thêm.

Video đường sắt đô thị ở Hà Nội chưa rõ ngày khai thác.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.