Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, các đường bay nối giữa Việt Nam và Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác. Trong đó Trung Quốc có 11 hãng cùng 3 hãng nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc. Tổng tần suất bay đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ.
Năm 2019, lượng khách trên các đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt khoảng hơn 7,5 triệu khách, chiếm hơn một nửa là do 3 hãng hàng không trong nước vận chuyển.
Kể từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) xảy ra, số lượng hành khách trên chặng bay này giảm rõ rệt. Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngày 1/2, Cục Hàng không đã huỷ toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không khai thác đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Sơ bộ cho thấy thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỉ đồng", Cục Hàng không nhận định.
Cụ thể, sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kì 2019.
Chỉ riêng từ ngày 7-10/2, tức ngay giữa cao điểm Tết Nguyên đán, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kì 2019, riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%.
Chia sẻ với báo chí, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng số khai thác của hãng. Việc đóng các đường bay đến Trung Quốc làm giảm khoảng 70.000 khách di chuyển mỗi tháng giữa 2 quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc.
Báo cáo mới đây của SSI cũng nhận định triển vọng của nhóm hàng không trong năm 2020 giữa cơn bão Covid-19 là khá tiêu cực.
Theo SSI, hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019, nhưng sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn, do việc hạn chế di chuyển cũng như du lịch trong mùa bệnh dịch. Đó là chưa kể tình hình dịch bệnh làm suy giảm nhu cầu du lịch và đi lại trên toàn cầu, phần nào tác động đến các đường bay khác.
Giữa lúc các đường bay đến Trung Quốc bị đóng để ngăn chặn dịch viêm phổi Covid-19, ngay đầu tháng 2 này, Vietjet Air đã ngay mở thêm 3 đường bay thẳng đến Ấn Độ.
Cụ thể, một đường bay nối Đà Nẵng và New Delhi, 2 đường bay còn lại nối Hà Nội, TP HCM với Mumbai. Bắt đầu từ giữa tháng này, các đường bay thẳng của Vietjet đến Ấn Độ chính thức lần lượt được khai thác với tần suất 3-5 chuyến/tuần.
Nếu tính luôn 2 đường bay TP HCM và Hà Nội đến thủ đô New Delhi đang được phục vụ tần suất lần lượt là 4 chuyến/tuần và 3 chuyến/tuần, cùng với 3 đường bay mới, Vietjet sẽ trở thành nhà khai thác nhiều đường bay thẳng nhất giữa 2 quốc gia với 5 đường bay thẳng đến Ấn Độ.
Đáng chú ý, ngoài việc đẩy mạnh đến thị trường tiềm năng Ấn Độ cũng với dân số tỉ người, hồi cuối tháng 1/2020 này, hãng bay của tỉ phú Phương Thảo đã mở đường bay thẳng Hà Nội đến Bali (Indonesia), khi nhu cầu du lịch đến nước này đang ngày một tăng.
Việc Vietjet nhanh chóng đẩy mạnh các đường bay ngoài Trung Quốc giữa tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, được xem là một hướng đi hợp lí, bởi khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt Trung Quốc, vốn là thị trường rất tiềm năng của hãng bay này trước đây.
Nhận định về thị trường hàng không, MSB cho biết Vietjet nắm bắt rất tốt thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc (ngoài ra còn có Hàn Quốc và Nhật Bản), khi đây là 3 nước chiếm tỉ trọng chính trong cơ cấu du khách quốc tế đến Việt Nam. Hãng bay này đã liên tục mở mới đường bay nhắm tới Trung Quốc, thông qua các đường bay thẳng và chặng bay thuê chuyến tới các sân bay địa phương của Trung Quốc.
Trong cơ cấu mạng lưới đường bay quốc tế đối với thị trường Đông Bắc Á, tỉ lệ của Vietjet lên tới 78%. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19, thị trường này có thể không còn là chủ lực trong ngắn hạn. Vì vậy, việc tìm những đường bay mới giúp hãng bay có được khách hàng trong khi dịch bệnh do virus corona vẫn chưa chấm dứt.
Bamboo Airways cũng đang tích cực mở rộng các đường bay mới đến các quốc gia châu Âu. Hãng tham vọng phủ kín toàn bộ các trung tâm chính trị và du lịch nổi tiếng của châu Âu đến hết năm 2025, trong lúc khu vực Đông Bắc Á đang gặp khó vì virus corona.
Bamboo Airways mới đây đã công bố sắp có thêm đường bay mới nối Hà Nội - Praha (Cộng hòa Séc) từ cuối tháng 3/2020. Hãng sẽ khai thác với tần suất 2 chuyến mỗi tuần, và sẽ tiếp tục tăng tuỳ thuộc vào nhu cầu thực tế của hành khách.
Thời gian bay dự kiến là 11 tiếng 20 phút đối với chiều Hà Nội - Praha và 10 tiếng 20 phút đối với chiều Praha - Hà Nội, rút ngắn vài giờ đồng hồ so với mức 14-19 tiếng của các chuyến bay nối chuyến quá cảnh tại một thành phố châu Âu hoặc Trung Đông hiện nay.
Là hãng hàng không mới, Bamboo Airways đang khai thác khoảng 40 đường bay nội địa và quốc tế, với đội bay 28 máy bay.
Đường bay mới Hà Nội - Cộng hòa Séc được xem là chặng bay mở màn của "tân binh" này đến khu vực châu Âu.
Ông Trương Phương Thành, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết trong năm nay, hãng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến hợp tác du lịch, thương mại tại châu Âu, nghiên cứu, đánh giá thị trường và tìm kiếm các đối tác tiềm năng như Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp và Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020