Hãy 'cứu' lấy những đứa con lành lặn!

Nhiều bậc cha mẹ đang sống “hộ” cuộc đời của con, biến chúng thành những con rô bốt chỉ biết phục tùng nên mới có chuyện cha mẹ “mua” điểm cho con vào Đại học...

Cách đây 10 năm, tôi có gần 1 tháng trời đi tìm hiểu, viết bài về các cháu bé bị tự kỷ và gia đình các cháu. Từ đó, tôi đã trở thành thành viên của nhóm có hàng ngàn cha mẹ có con tự kỷ và nhà chuyên môn về tự kỷ.

Hàng ngày vào nhóm xem tin tức trong nhóm đã trở thành thói quen của tôi. Vào đây, mới thấy được tận cùng nỗi khổ của các cha mẹ không may có những đứa con bị khuyết thiếu. Có những gia đình, chỉ vì có những đứa con không may mắn, cộng với gánh nặng cơm áo gạo tiền, gánh nặng chữa bệnh cho con nên đã tan đàn xẻ nghé. Và đứa con không lành lặn của họ lại càng thêm thiệt thòi…

Hãy cứu lấy những đứa con lành lặn! - Ảnh 1.

Trong danh sách 44 thí sinh trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La, có tới 12 trường hợp là con em cán bộ công tác trong ngành giáo dục của tỉnh

Và điều họ mơ ước và hy sinh cả cuộc đời chỉ để là khi con lớn lên, không còn cha mẹ ở bên thì con của họ có thể trở làm được các việc đơn giản như bán hàng, chạy xe ôm, lao động chân tay hay làm bất cứ việc gì để có thể tự lo liệu cho cuộc sống của bản thân.

 Thậm chí, có những cha mẹ chỉ mong mỏi sau này con tự chủ được các hành động cá nhân, để khi cha mẹ không còn, có sống cùng người thân thì cũng không quá làm phiền họ…Với những cha mẹ của những đứa trẻ VIP (cách gọi trẻ bị tự kỷ), niềm vui của họ rất đơn giản nhưng là vô bờ khi con biết cất tiếng gọi “mẹ ơi” sau nhiều năm, thậm chí hàng chục năm trời cha mẹ kiên trì nhẫn nại dạy dỗ, mang con đi chữa trị khắp nơi. 

Hạnh phúc là khi đứa trẻ hơn 10 tuổi biết ê a con chữ đầu tiên, hay đơn giản chỉ là con đã giảm bớt các triệu chứng tăng động, biết ngoái lại nhìn khi người thân gọi tên mình, giảm các hành động vô thức…

Những mong ước tưởng chừng quá đơn giản, nhỏ nhặt ấy nhưng với nhiều bậc cha mẹ VIP, họ đã phải hy sinh rất nhiều thứ, từ bỏ các công việc tốt có thu nhập cao để nghỉ ở nhà dạy dỗ, đưa con đi chữa trị, chấp nhận chia tay để con không phải sống trong một gia đình cha mẹ suốt ngày cãi vã, nhẫn nại với sự soi mói của nhiều người còn thiếu thiện cảm…

Chúng ta may mắn hơn họ hơn rất nhiều lần vì là cha mẹ của những đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển hoàn toàn bình thường. Nhưng thực tế nhiều người trong chúng ta đang phung phí sự may mắn đó.

Đáng lẽ, với một đứa trẻ khỏe mạnh, nhận thức hoàn toàn bình thường, chưa nói nhiều trẻ rất thông minh, chúng ta phải tận dụng cơ hội dạy con biết yêu thương, chia sẻ với người thân và những người kém may mắn.

Nhưng nhiều khi, với sự vô tâm của người lớn, nhiều cha mẹ đã để những đứa trẻ đó sống trong một môi trường thờ ơ, vô cảm của gia đình, hấp thụ thói hư tật xấu ngoài xã hội, để các em trở dần trở thành những con người vô cảm, tàn nhẫn. Vô cảm với chính bản thân mình, với gia đình, cha mẹ và với những người kém may mắn trong xã hội.

Và thực tế, trong xã hội đã xảy ra không ít những sự việc đau lòng từ sự thiếu chia sẻ và vô cảm như vậy. Mới đây là vụ bạo lực học đường ở Hưng Yên khi cả nhóm 9-10 em xông vào đấm đá, giẫm đạp, lột đồ rồi quay clip một bạn cùng học là trẻ chậm phát triển…

Đáng lẽ, chúng ta tích lũy cho con cả tri thức và rèn luyện cho con thành một đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng nhiều cha mẹ lại đang dồn dập nhồi nhét kiến thức cho con ngay từ khi chưa vào lớp một, chạy đua hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác chỉ vì lo con không được bằng chúng bạn. Thời gian chạy đua “học thêm” quá nhiều đã tiêu tốn hết cả thời gian của trẻ, không còn thời gian để chúng có thể tham gia các hoạt động nâng cao thể chất và làm phong phú thêm tâm hồn.

Đáng lẽ, chúng ta phải dạy con trẻ tính trung thực, bởi đây là đức tính cần thiết để các em sau này trở thành một người tử tế. Nhưng thật đáng buồn, ngay từ bé, các em đã được sống trong môi trường thiếu trung thực, thậm chí dối trá ngay trong gia đình, trường học và ngoài xã hội.

Từ khi trẻ bắt đầu học mẫu giáo, cha mẹ đã không ngại dùng tiền, dùng quyền để chạy trường, chạy lớp cho con. Khi con lớn hơn tí nữa, là việc mua điểm, chạy điểm, mua thành tích để con được vào các trường chuyên, lớp chọn, các trường Đại học danh giá.

Còn ở trường học, con trẻ phải “kiếm” được những điểm 9, điểm 10 bằng mọi giá. Điểm số không phản ánh đúng thực lực của các em mà là vì thành tích của nhà trường, vì sỹ diện của cha mẹ. Điều này đã làm cho các em ngay từ nhỏ đã ảo tưởng về năng lực bản thân. Cha mẹ, nhà trường biến các em thành những “con vẹt”, “mọt sách” chỉ cốt đạt được điểm số thật cao, từ đó làm các em mất đi khả năng phấn đấu và sáng tạo.

Đáng lẽ chúng ta phải để cho trẻ tự quyết định một số vấn đề của bản thân trong những điều kiện có thể, để nếu trẻ có mắc sai lầm thì cũng là kinh nghiệm để các con trưởng thành. Nhưng vì sợ con vất vả, sợ thành tích không cao nên nhiều phụ huynh đã nhận làm thay, làm hộ con. Vì thế mới có chuyện cha mẹ “mua” điểm cho con học vào Đại học, rồi ra trường lại dùng tiền, dùng quyền “mua” cả việc làm cho con.

Đáng lẽ, chúng ta phải để con cái phát triển đúng nghĩa một con người bình thường. Trẻ có quyền làm sai, làm hỏng, có quyền tự quyết định cuộc đời mình, nhưng nhiều cha mẹ lại đang sống “hộ” cuộc đời của con, biến chúng thành những con rô-bốt chỉ biết phục tùng và không dám đối mặt với bất cứ điều gì trong cuộc sống.

Những đứa con bình thường và khỏe mạnh. Mơ ước tột cùng nhưng không bao giờ thành hiện thực của nhiều gia đình có những đứa con VIP. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại đang phung phí may mắn vô cùng quý báu ấy, vô tình biến những đứa con bình thường, khỏe mạnh của mình thành những đứa trẻ “khiếm khuyết” về cả thể chất và tinh thần.

Xin hãy “cứu” lấy những đứa trẻ lành lặn, trả lại cho chúng sự phát triển bình thường đúng nghĩa./.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.