Sốt sodoku: Căn bệnh nguy hiểm do bị chuột cắn | |
Sốt mò: Căn bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong |
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 11/2017, toàn thành phố có 3 trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà, nâng tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay thành 122 trường hợp, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong. Theo nhận định của các chuyên gia, bệnh đang có xu hướng tăng nhanh, dễ bùng phát và có thể gây nguy hiểm nếu không được chú ý. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm phòng vắc xin đầy đủ là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh ho gà, có thể bảo vệ được 90 - 95% trẻ |
Các chuyên gia cho biết, bệnh ho gà có thể nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của trẻ, nhưng thực tế có khá nhiều ông bố, bà mẹ vẫn chủ quan và hay nhầm lẫn bệnh.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ho gà là một bệnh truyền nhiễm và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh được lây truyền qua đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Với tỉ lệ từ 70 - 100% vi khuẩn gây bệnh có trong các hạt nước bọt li ti của người mắc bệnh, cho nên khả năng lây lan của bệnh ho gà là rất nhanh, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh vì có sức đề kháng yếu.
(Ảnh: ACES - Stockholm University) |
Dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác
Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Đa số các bệnh nhi mắc bệnh ho gà nhập viện khi bệnh đã bắt đầu chuyển nặng. Vì thời gian đầu thường được chẩn đoán là bị viêm đường hô hấp hoặc viêm phế quản, viêm phổi thông thường. Chỉ đến khi uống thuốc mãi không khỏi, trẻ bị suy hô hấp thì phụ huynh mới đưa đến bệnh viện. Tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau mà bệnh nhi sẽ có thời gian điều trị 1 – 2 tuần hay phải theo dõi liên tục cả tháng”.
Chia sẻ về cách nhận biết bệnh ho gà, bác sĩ Hải cho hay, ở giai đoạn đầu, dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh là ho nhẹ.
Sau 7 - 10 ngày, tần suất và cường độ ho sẽ nặng dần theo từng cơn, thậm chí kéo dài cả tháng nếu không được điều trị.
Đi kèm với tình trạng ho là bệnh nhân sẽ có biểu hiện chảy nước mắt, nước mũi. Sau cơn ho, trẻ có thể đỏ bừng mặt hay tím tái cả người do bị suy hô hấp. Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong do nghẹt thở. Cuối mỗi cơn ho của trẻ sẽ có tiếng rít, xuất hiện nhiều đờm dãi.
(Ảnh: Viêm phế quản) |
Đặc biệt, nếu trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị mắc bệnh ho gà thì triệu chứng sẽ rất nặng nề. Có những trẻ ho đến mức chảy cả máu mắt. Ngoài ra, trẻ còn có thêm các biểu hiện khác như sốt nhẹ, sưng nề các mí mắt, sung huyết đỏ ở các cánh mũi, hơi thở khò khè…
Nếu không xảy ra biến chứng gì thì khoảng 3 - 4 tuần sau đó, các cơn ho sẽ thưa dần, trẻ bắt đầu hồi phục. Các chuyên gia cho biết, giai đoạn này rất quan trọng vì trẻ dễ bị bội nhiễm bởi các loại nhiễm trùng khác. Do vậy, phụ huynh cần phải chăm sóc trẻ kĩ càng và tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ lấy lại sức lực nhanh chóng.
(Ảnh: Mẹ đơn thân) |
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà
Bệnh ho gà có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Theo thống kê, biến chứng chiếm khoảng 5 - 6% trong tổng số ca mắc bệnh, tập trung nhiều nhất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trong đó, nhiễm trùng là biến chứng chính với các biểu hiện như viêm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, viêm tai...
Ngoài ra có thể xảy ra biến chứng thần kinh, xuất hiện nhiều nhất ở trẻ dưới 12 tháng tuổi với triệu chứng co giật, hay các bệnh lý về não (tỷ lệ 0,9/100.000 ca). Trẻ sẽ có các biểu hiện như sốt rất cao, li bì, hôn mê hay co giật. Dù được cấp cứu thì cũng có thể để lại di chứng như liệt nửa người, liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn tâm thần.
(Ảnh: Bacsihay.com) |
Ngoài ra, do tăng áp lực ở lồng ngực hay bụng nên trẻ có thể bị xuất huyết (mắt, mặt, mũi, nội sọ), tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi... Một số trẻ khác thì bị mất nước, sụt cân. Với những trường hợp trẻ bị ho gà mà dẫn đến tử vong thì nguyên nhân chính thường là do viêm phổi, hít sặc (tập trung chủ yếu ở trẻ dưới một tuổi, chiếm 3/4).
Phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ thế nào?
Để phòng bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Luôn giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
(Ảnh: Cẩm nang cuộc sống - Thienduongcuabe.com) |
Nếu như trẻ có dấu hiệu ho dài ngày, sốt, hoặc nghi ngờ mắc ho gà thì cần phải đi thăm khám ngay. Nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời. Những phụ huynh có con nhỏ từ 1 - 3 tháng tuổi cần đặc biệt chú ý, vì ho gà ở các bé mới sinh rất khó phát hiện và dễ gây biến chứng nặng.