Hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu đổ về nhóm BĐS - Xây dựng trong nửa đầu tháng ba sau nghị định 08

Ngay sau Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực ngày 5/3, dòng vốn trái phiếu đổ mạnh hơn về nhóm BĐS, xây dựng với 4 đợt phát hành, tổng giá trị huy động 7.085 tỷ đồng.

Theo báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu trong 2 tháng đầu năm của của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đơn vị này cho biết, riêng trong tháng 1 không có đợt phát hành trái phiếu nào.

Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022. Mặt khác, trong tháng 1, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.

Sang tới tháng 2, theo thống kê của VBMA, tính tới ngày 28/2, trên thị trường trái phiếu chỉ có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 2 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.

Đợt phát hành riêng lẻ duy nhất đến từ CTCP Đầu tư Bất Động Sản Sơn Kim với 500 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 2,5 năm và lãi suất cho kỳ đầu là 13.5%/năm và thả nổi vào những kỳ sau. 

Bên cạnh đó, CTCP Tập Đoàn Masan đã thực hiện 2 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng. Các trái phiếu phát hành của Masan trong 2 đợt này đều có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9.5%/năm cho kỳ đầu và thả nổi vào những kỳ sau. 

Song ngày 5/3, thị trường đón nhận thông tin tích cực khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, nghị định này cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và yêu cầu kết quả xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023.

Những quy định trên được kỳ vọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại, doanh nghiệp BĐS giảm áp lực trả nợ đến hạn.

Hơn 7.000 tỷ đồng trái phiếu đổ về nhóm BĐS - Xây dựng trong nửa đầu tháng 3

 Các dự án BĐS tại TP HCM. (Ảnh: Trương Nhi).

Trước bối cảnh trên, việc huy động vốn trái phiếu có dấu hiệu sôi động trở lại với nhiều đợt phát hành quy mô lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp BĐS, xây dựng.

Đơn cử, tại ngày 10/3, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas (tên cũ là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Tân Liên Phát Sài Gòn) đã huy động thành công  2.300 tỷ đồng từ thị trường trái phiếu trong nước.

Cụ thể, công ty phát hành 23.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5 năm. Ngày phát hành và hoàn tất là 10/3/2023 và đáo hạn vào ngày 10/3/2028. Lô trái phiếu này có lãi suất phát hành 6%/năm. Mục đích phát hành không được doanh nghiệp đề cập.

Cũng trong ngày 10/3, một doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 4.700 tỷ đồng, với kỳ hạn 18 tháng đáo hạn vào ngày 10/9/2024. Lãi suất huy động là 13%/năm.

Đây là lô có giá trị lớn nhất được huy động thành công trong 9 tháng qua, trong bối cảnh việc huy động vốn qua kênh trái phiếu trầm lắng.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An được thành lập tháng 8/2016, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Hiện ông Hoàng Quốc Thủy (sinh năm 1967) đang làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Ngoài 2 doanh nghiệp trên, còn có 2 doanh nghiệp xây dựng khác cũng huy động trái phiếu thành công trong tháng 3 là CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô, huy động thành công 40 tỷ đồngCTCP Thương mại sản xuất và Đầu tư Hà Thành huy động thành công 45 tỷ đồng. Cả 2 lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn vào ngày 9/3/2025.

Dự báo về thị trường trái phiếu trong năm nay, FiinRatings cho biết, kênh huy động TPDN sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023 do môi trường lãi suất sẽ cần thời gian giảm để kênh trái phiếu hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, đặc biệt so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi.

Bên cạnh đó là các biện pháp chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý BĐS và trực tiếp cho trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế. Trong trường hợp được triển khai từ quý quý III thì hoạt động huy động TPDN có thể có cơ hội bắt đầu hồi phục từ đầu quý III.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.