Huawei mạnh cỡ nào trước khi bị Mỹ ‘cấm cửa’?

Huawei Technologies Co Ltd là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất thiết bị mạng điện thoại lớn nhất Trung Quốc.

Huawei trỗi dậy thành người khổng lồ

Huawei mạnh cỡ nào trước khi bị Mỹ ‘cấm cửa’? - Ảnh 1.

Sự trỗi dậy của người khổng lồ. (Ảnh: The Sun Nigeria).

Huawei, tên đầy đủ là Huawei Technologies Co Ltd, là một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở chính tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc.

Huawei được thành lập năm 1987 bởi Nhậm Chính Phi, một cựu kĩ sư của quân đội Trung Quốc, với số vốn ban đầu chỉ 20.000 Nhân dân tệ, khoảng 3.000 đôla Mỹ.

"Khi mới bắt đầu vào 30 năm trước, chúng tôi không thực sự sản xuất điện thoại. Những chiếc điện thoại duy nhất mà chúng tôi làm ra là những mẫu điện thoại cầm tay bạn có thể thấy trong các bộ phim thế chiến thứ II", vị CEO của Huawei tâm sự với tờ BBC.

"Tôi thành lập Huawei khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách cải cách và mở cửa. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường. Không chỉ tôi mà ngay cả những quan chức cấp cao nhất của chính phủ cũng không có một ý tưởng mơ hồ gì về nền kinh tế thị trường. Mọi thứ đều rất khó khăn", Nhậm Chính Phi chia sẻ.

Vào thời điểm mới thành lập, công ty chỉ đơn thuần là nhập các thiết bị viễn thông đơn giản từ các công ty khác để bán cho thị trường nông thôn Trung Quốc. Nhưng chỉ trong vài năm, Huawei đã tự mình phát triển và sản xuất thiết bị.

Vào đầu những năm 90, Huawei đã giành được hợp đồng của Chính phủ Trung Quốc để cung cấp thiết bị viễn thông cho Quân đội Giải phóng Nhân dân. Đến năm 1995, Huawei đã tạo ra doanh số khoảng 220 triệu đôla, chủ yếu từ bán cho thị trường nông thôn.

Thừa thắng, tập đoàn này đã mạnh dạn mở rộng kinh doanh qua các lĩnh vực khác, bao gồm xây dựng mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ, thiết bị tư vấn, vận hành cho các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc, cũng như sản xuất thiết bị truyền thông cho thị trường tiêu dùng.

Huawei mạnh cỡ nào trước khi bị Mỹ ‘cấm cửa’? - Ảnh 2.

Nhậm Chính Phi, CEO, sáng lập Huawei. (Ảnh: WorldKings).

Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm, đây được cho là lợi thế không nhỏ với những công ty như Huawei. Tuy nhiên, chỉ đến khi tập đoàn này bắt đầu mở rộng ra nước ngoài vào năm 2000, người ta mới nhìn thấy doanh số của Huawei tăng vọt.

Năm 2002, Huawei kiếm được 552 triệu đôla từ doanh số bán hàng trên thị trường quốc tế. Vào năm 2005, lần đầu tiên giá trị các hợp đồng thị trường quốc tế của nó đã vượt qua giá trị hoạt động kinh doanh trong nước.

Theo số liệu thống kê chính thức được đưa ra vào tháng 9/2015, Huawei có hơn 170.000 nhân viên trên toàn cầu, có khoảng 76.000 người tham gia vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các viện nghiên cứu.

Có tổng 21 viện nghiên cứu được đặt tại các quốc gia như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Phần Lan, Pháp, Bỉ, Đức, Ấn Độ, Nga, Israel….

Hiện tại Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Năm 2018, Huawei trở thành một trong 72 tập đoàn Fortune Global 500 trên tạp chí Fortune. Từ năm 2018, Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Samsung, thương hiệu con cưng đến từ nhà sản xuất Hàn Quốc.

Các sản phẩm và dịch vụ của Huawei đã được triển khai tại hơn 170 quốc gia và đang phục vụ 45 trong 50 nhà khai thác viễn thông lớn nhất thế giới. Các thiết bị của hãng được bán ở khắp mọi nơi từ châu Âu và châu Á đến Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La tinh.

Tổng doanh thu của Huawei trong năm 2018 đạt 108.5 tỉ đôla tăng 21% so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên mà doanh thu thường niên của nhà sản xuất này cán mốc 100 tỉ đôla sau hơn 30 năm thành lập.

Huawei và tham vọng của Trung Quốc

Huawei mạnh cỡ nào trước khi bị Mỹ ‘cấm cửa’? - Ảnh 3.

Huawei và tham vọng của Trung Quốc. (Ảnh: PA).

Chính quyền phương Tây luôn cáo buộc Chính phủ Trung Quốc chống lưng cho những công ty công nghệ như Huawei, biến nó thành các công công cụ chi phối thế giới.

Theo thông tin từ Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, Huawei cũng đã nhận được một khoản vay 8,5 triệu đô la từ một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, mặc dù Tập đoàn này đã bác bỏ sự tồn tại của khoản vay.

Thời gian qua, thế giới cũng chứng kiến sự tăng tốc chóng mặt của các công ty trong lĩnh vực viễn thông và IT của Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc có 7 công ty nằm trong nhóm 20 công ty Internet có giá trị lớn nhất thế giới. Trước đó 5 năm, con số này chỉ vẻn vẹn là hai.

Trong một bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ông "muốn các công ty Internet của mình định hình toàn bộ nền kinh tế số của quốc gia, với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tạo ra ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn hơn".

Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng được một Con đường tơ lụa kĩ thuật số (DSR). Trong khi đó, thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã tuyên bố về chiến lược Chế tạo tại Trung Quốc 2025 (MIC 2025).

Riêng trong lĩnh vực di động và viễn thông, có hai ngành mà Trung Quốc muốn làm chủ công nghệ và đi đầu thế giới, đó là sản xuất chíp điện thoại và mạng 5G. Để phục vụ cho tham vọng đó, những "con bạch tuộc" khổng lồ như Huawei, Alibaba, Tencent hay ZTE đã vươn những xúc tu của mình ra khắp nơi và mở rộng hoạt động.

Về sản xuất chip điện thoại, do chưa làm chủ được công nghệ, Trung Quốc sử dụng chiêu bài mua đứt bán đoạn. Tháng 11/2017, Broadcom, một công ty có trụ sở ở Hong Kong, đã ra giá khoảng 105 tỉ đôla để mua lại Qualcomm, công ty sản xuất chip điện thoại hàng đầu thế giới.

Qualcomm từ chối. Broadcom đáp lại bằng cách tăng giá lên 121 tỉ đôla và cuối cùng giá trị thương vụ được đẩy lên đến 160 tỉ đôla nhưng vẫn thất bại, do sự ngăn cản của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về mạng 5G, Trung Quốc còn tiến xa hơn. Quốc gia này đã xây dựng 300.000 cột thu phát 5G trong khi Mỹ chỉ xây được vỏn vẹn 1/10 số đó. Huawei là con át chủ bài trong đại kế hoạch 5G. Điều đáng sợ là ít có hãng viễn thông nào trên thế giới có thể lại làm được khối lượng công việc khổng lồ như Huawei.

Mỹ quyết định "cấm cửa" Huawei

Huawei mạnh cỡ nào trước khi bị Mỹ ‘cấm cửa’? - Ảnh 4.

Mỹ quyết định "cấm cửa" Huawei.

Hôm 15/5 vừa qua, Tổng thống Hoa Kì Donal Trump đã kí một sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị điện tử đến từ Huawei, một công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc.

Cũng theo sắc lệnh này, chính quyền Nhà Trắng đã gây áp lực, buộc các đồng minh của Mỹ cũng phải đi theo quyết định này, cấm các thiết bị mạng 5G của Huawei. Mỹ tuyên bố, Huawei là một trong những công ty quan trọng nhất của Trung Quốc, có nguy cơ gián điệp đối với cơ sở hạ tầng công nghệ phương Tây.

Đây được xem là động thái mới nhất chống lại tập đoàn này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại diễn ra ngày một tồi tệ giữa Washington và Bắc Kinh, sau khi các cuộc đàm phán giữa hai nước bị đổ vỡ vào đầu tuần này.

Các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt là Australia và New Zealand đã tuân theo sắc lệnh này, cấm các thiết bị của Huawei, nhưng các quốc gia khác lại tỏ ra thận trọng hơn.

Châu Âu dường như bị chia rẽ về việc nên hay không nên ngả theo Hoa Kỳ để cấm Huawei, công ty đang dẫn đầu thị trường về công nghệ 5G, huyết mạch của nền kinh tế mới.

Nhiều quốc gia có cùng chia sẻ những nghi ngờ của Mỹ về các thiết bị Huawei làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, nhưng có vẻ như họ chưa sẵn sàng công khai giáng đòn chí mạng vào nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này.

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.