Khi kịch bản cũng nhập ngoại

Giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh trao cho những bộ phim xuất sắc năm 2017 đã khép lại với những bàn tán về chất lượng phim Việt. Cùng đó, người ta cũng nói nhiều đến kịch bản phim, khi mà đã gần như trở thành trào lưu là nhập khẩu kịch bản từ nước ngoài, rồi Việt hóa trở thành phim nội.Vì sao lại có hiện tượng ấy? Đúng sai hay dở thế nào? Có người đã thốt lên rằng, đó cũng chính là nỗi buồn của phim Việt.
khi kich ban cung nhap ngoai Phim Việt có thể 'hái ra tiền' trên kịch bản Hàn?
khi kich ban cung nhap ngoai Đạo diễn Việt Tú bị kiện do tranh chấp quyền sở hữu kịch bản
khi kich ban cung nhap ngoai
Hình ảnh trong phim “Tháng năm rực rỡ”- kịch bản nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Không khó để nhận thấy rằng những phim truyền hình ăn khách thời gian qua, thì kịch bản đều được nhập khẩu, rồi Việt hóa.

Trong đó có thể kể đến “Người phán xử”- kịch bản đến từ Israel. Bộ phim hút khách không kém là “Sống chung với mẹ chồng” cũng khai thác kịch bản từ tiểu thuyết “Phù thủy dưới đáy biển” của Trung Quốc. Phim “Cả một đời ân oán” cũng na ná như “Cô dâu triệu phú” và phần 2 có tên “Cô dâu bạc triệu”- cũng đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Cũng còn phải kể đến bộ phim ra rạp có tên “Bạn gái tôi là sếp” gốc gác từ phim hài Thái Lan “ATM: Er Rak Error”. Hay như phim “Sắc đẹp ngàn cân”, “Yêu đi, đừng sợ!” là bản làm lại từ phim “200 Pounds Beauty” và “Spellbound” của Hàn Quốc. Rồi là phim “49 ngày”, “Em là bà nội của anh”, “Bạn gái tôi là sếp”… được mua bản quyền của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Những bộ phim này đều có doanh thu lên đến nhiều chục tỷ đồng.

Khách quan cho thấy phim trong nước đang rất thiếu kịch bản hay, nhất là khi phải đối mặt với sức ép thị trường. Phim ra rạp không hay sẽ không bán được vé, nhà sản xuất lỗ. Phim truyền hình nhiều tập nếu không có được lượng người xem lớn thì không lấy được quảng cáo, cũng có nghĩa là thất bại. Ở đây, yếu tố thương mại nổi lên, được gắn với sự thu hút khán giả. Nhưng việc nhập khẩu kịch bản cũng chưa hẳn đã chắc ăn, có thể dẫn chứng trường hợp bộ phim truyền hình “Những người độc thân vui vẻ” được Việt hóa từ nguyên tác của Trung Quốc, cũng đã buộc phải ngừng sản xuất ở tập 171 (dự kiến ban đầu 500 tập) do không đạt được thành công như mong đợi… Nhưng dẫu thế thì cũng chỉ là sự “xẩy chân” hiếm hoi, còn thì xu hướng nhập khẩu kịch bản phim ngoại vẫn tiếp diễn vì lợi nhuận có thể “đếm” được trước.

Không ít nhà biên kịch đã bày tỏ nỗi buồn về việc này. Lý giải nguyên nhân vì sao không có kịch bản hay mà phải nhập ngoại, nhiều người cho rằng trước hết phải tự trách mình, có nghĩa là chính mình thiếu tài để viết hay. Nhưng bên cạnh đó thì việc trả thù lao cho người viết kịch bản quá thấp đã làm mất đi yếu tố kích thích sáng tạo quan trọng là vật chất. “Trả tiền cho tác giả kịch bản trong nước thấp thì cũng vẫn đắt hơn nếu mua kịch bản từ nước ngoài rồi về thuê người Việt hóa. Hơn nữa, mức độ rủi ro ít khi mua kịch bản ngoại, cũng có nghĩa là khả năng thu lợi nhuận là rõ ràng, nên họ đã chọn việc nhập khẩu, bỏ mặc người viết trong nước cúng như không có trách nhiệm gì với nền điện ảnh nước nhà”- một nhà biên kịch lý giải vì sao người ta sính mua kịch bản ngoại.

Với Việt Nam, người xem vẫn rất thích một bộ phim có cốt truyện hay, có nghĩa là kịch bản phải lôi cuốn, sâu sắc hoặc dí dỏm, duyên dáng. Kịch bản hay coi như đã quyết định sự thành công của bộ phim, nhất là phim truyền hình dài tập. Không rõ thực hư ra sao nhưng nhiều người viết kịch bản than phiền rằng, khi họ đã giao kịch bản vào tay nhà sản xuất, nhận một món tiền thù lao rồi thì con như “đứa con tinh thần bị bán đứt”, “con mình” giờ đã là “con của người ta”. Người bỏ tiền ra mua kịch bản mặc sức nhào nặn, cắt gọt đến độ không còn nhận ra hình hài. Sự nhào nặn, làm khác kịch bản gốc diễn ra phổ biến, như một sự tất nhiên- nhưng đáng buồn lại hoàn toàn theo cách nghĩ chủ quan của người bỏ tiền ra mua kịch bản, làm phim. Điều đó khiến người viết ngao ngán, mất hứng thú lẫn nhuệ khí sáng tạo.

Còn nhớ, tại hội thảo liên quan đến phim Việt ở giải Cánh Diều (tháng 4/2017) và tại Triển lãm quốc tế Telefilm 2017 (tháng 6/2017), kịch bản phim được đưa ra như một vấn đề nóng. Nói như đạo diễn Việt Linh thì phim Việt rất thiếu kịch bản hay. Nhà làm phim như người đi đường không có bản đồ hoặc có mà không rõ ràng. Vì thế, họ thường xuyên đi lạc; đường dây cốt truyện không ăn nhập giữa phần mở đầu và phần kết thúc, khiến người xem chán ngán, bực mình. Phải chăng vì thế mà nhiều nhà sản xuất đã bỏ tiền mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa?

Theo người trong giới thì một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thiếu kịch bản phim hay (loại trừ việc trả thù lao quá thấp cho người viết) thì ở ta hiện tại chỉ có vài nhà biên kịch có thể “độc lập tác chiến” một kịch bản, còn phần lớn là viết theo nhóm. Điều đó khiến bộ phim không có sự nhất quán trong tình tiết câu chuyện, kể cả diễn biến tâm lý nhân vật cũng bị “giật cục”. Tay nghề của người viết cũng chênh nhau, do đó từng phần của bộ phim cũng không đạt chất lượng như nhau, khiến tổng thể rơi vào tình trạng “xôi đỗ”.

Nhưng quan trọng hơn chính là việc chạy theo doanh thu, lợi nhuận có được từ việc nhập khẩu kịch bản đã tạo ra nỗi buồn của phim Việt. Nhiều người lo ngại điều đó sẽ dần dần “giết chết” giới viết kịch bản phim thuần Việt. Nhà biên kịch Đỗ Thanh Hương từng nhận xét, phim từ kịch bản nước ngoài làm thui chột khả năng sáng tạo của biên kịch trong nước, làm suy giảm nét đẹp văn hóa Việt trên màn ảnh. Nếu văn hóa thuần Việt mất chỗ đứng ngay trên quê hương mình, không được lan tỏa mà chỉ toàn văn hóa ngoại lai thì việc tác động lâu dài đến sự phát triển của phim Việt là rất rõ ràng.

Để khép lại vấn đề, xin được dẫn một “công thức” của công nghệ truyền hình Hàn Quốc: Thành công của một bộ phim truyền hình dài tập sẽ bao gồm: câu chuyện 50% + diễn viên 30% + các thành phần khác 20% còn lại. Trong hệ thống phim Hàn Quốc đã gần như “nhà máy sản xuất” này lưu truyền khẩu ngữ “Writer is the King!” - Biên kịch là Vua!

Nhưng là “vua nội” hay “vua ngoại”? Chẳng lẽ cứ để những “ông vua ngoại” tung tăng trên màn ảnh, len lỏi vào từng phòng ngủ mỗi gia đình người Việt, còn thì những “ông vua nội” thất thế, chỉ biết nở một nụ cười buồn?

XEM THÊM

khi kich ban cung nhap ngoai Giải thưởng Cánh Diều Vàng 2018: Phim bị nghi vay mượn ý tưởng vẫn được giải?

Một số tác phẩm điện ảnh tranh giải Cánh Diều Vàng được đánh giá “nhỉnh” hơn “Cô Ba Sài Gòn” về mặt nghệ thuật, thậm ...

khi kich ban cung nhap ngoai Cánh diều vàng 2017: Gió đã đổi chiều?

Là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, Cánh diều vàng 2017 (trao giải vào tối 15.4 tại Hà Nội) đã có ...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.