Nói đến Sài Gòn, người ta lập tức nghĩ đến một thành phố sầm uất, phồn hoa, là nơi có nền kinh tế phát triển bậc nhất Việt Nam. Đây cũng là nơi ươm mầm, chấp cánh cho nhiều ước mơ, niềm đam mê cháy bỏng bay cao, bay xa.
Bên ngoài vẻ hào nhoáng, Sài Gòn còn là điểm dừng chân, là nơi "tha phương cầu thực" của những người con xa xứ. Sài Gòn chất chứa không ít những nỗi niềm, Sài Gòn còn là "chiếc phao cứu sinh" cho những phận đời khác biệt.
Một Sài Gòn sầm uất, phồn hoa. (Ảnh minh hoạ).
Bảo N. vốn là một bác sĩ nha khoa. Anh tốt nghiệp Đại học Y dược Cần Thơ theo hệ cử tuyển, sau đó về quê hương làm việc tại một bệnh viện huyện. Cuộc sống của Bảo N. là ước mơ của biết bao bạn trẻ khi vừa có công ăn việc làm ổn định, vừa được sống sung túc cùng gia đình. Chỉ sau 2 năm làm việc, Bảo N. đã tích góp cho mình được số tiền gần 200 triệu đồng.
Thực tế, thu nhập của Bảo N. cũng không hẳn là nhiều. Bảo N. chia sẻ, mỗi tháng anh nhận được tiền lương không quá 10 triệu đồng. Thế nhưng do sống cùng gia đình, anh không phải tốn quá nhiều chi tiêu. Từ việc ăn uống, chi phí sinh hoạt hằng ngày, nơi làm việc lại gần nhà không tốn quá nhiều cho việc xăng xe, thêm nữa là không phải bỏ ra vài triệu đồng cho tiền thuê nhà, tiền lương của Bảo N. mỗi tháng hầu như đều nằm yên trong tài khoản tiết kiệm.
Thế nhưng, Bảo N. chấp nhận từ bỏ "cuộc sống trong mơ" ấy để tìm đến Sài Gòn phồn hoa lập nghiệp. Bởi Bảo N. nhận ra rằng, với một người có xu hướng tính dục đặc biệt như anh thì nơi quê cha đất tổ không phải là "miền đất hứa".
Bảo N. chấp nhận từ bỏ công việc ổn định tại một bệnh viên ở quê nhà để khăn gối lên thành phố phồn hoa bậc nhất Việt Nam lập nghiệp. (Ảnh mang tính chất minh hoạ).
Ở đây, anh được sống cùng mẹ cha nhưng phải gồng mình để biến thành một con người khác. Ở đây, áp lực về chuyện có bạn gái, sau đó thì cưới vợ, sinh con mà gia đình gieo vào đầu anh mỗi ngày càng khiến anh trở nên chán nản.
Sau thời gian thuyết phục gia đình, Bảo N. chấp nhận bỏ ra số tiền 200 triệu đồng mà anh cực khổ kiếm được sau 2 năm để "chuộc" mình ra khỏi bệnh viện huyện, nơi anh làm việc. Bởi trước đây, Bảo N. đi học theo hệ cử tuyển của huyện, vì vậy, việc muốn chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định, anh sẽ phải bồi thường một số tiền tương thích với những gì mà tỉnh nhà đã bỏ ra cho ra cho anh trong những năm tháng học đại học.
Đến Sài Gòn lập nghiệp, với tấm bằng Đại học cùng chuyên môn tốt của mình, Bảo N. dễ dàng kiếm được một công việc ưng ý, thu nhập gấp đôi, gấp ba khi làm việc tại huyện nhà. Thế nhưng, anh cũng phải chi ra rất nhiều khoản hàng tháng, từ tiền thuê nhà, đi lại, phí sinh hoạt hằng ngày, và dĩ nhiên cũng không còn được thưởng thức những bữa cơm sum vầy cùng cha, cùng mẹ.
Đổi lại, Bảo N. cảm thấy tự do hơn, áp lực về chuyện lập gia đình, sự nhòm ngó của bà con lối xóm cũng đã không còn là gánh nặng. Bảo N. tự chủ được cuộc sống của mình, có thêm nhiều mối quan hệ từ những người "khác biệt" như anh – những đứa con xa quê vì những lí do không phải ai cũng thấu.
Bên ngoài vẻ hào nhoáng, Sài Gòn còn là điểm dừng chân của những phận đời khác biệt. (Ảnh mang tính chất minh hoạ).
Không giống như Bảo N. phải trải qua sự đấu tranh tư tưởng để quyết định "xa quê", Minh T. ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nhận ra rằng, với một người có xu hướng tính dục như anh thì quê hương không phải là nơi cho anh ăn đời, ở kiếp. Anh rất sợ phải đối mặt với sự dò xét từ gia đình, người thân, bà con lối xóm.
Hoàn toàn có thể trở thành một công nhân viên chức theo truyền thống gia đình, nhưng Minh T. đã phải đấu tranh để theo đuổi một nghề nghiệp mà chỉ những nơi phố thị phồn hoa như Sài Gòn kia mới "có đất" cho anh "dụng võ". Thực tế, theo đuổi niềm đam mê chỉ là cái cớ để Minh T. được ở lại Sài Gòn.
Minh T chia sẻ, anh không hẳn là thích sự xô bồ của Sài Gòn, thế nhưng có lẽ đây là nơi thích hợp nhất với anh. Anh sẽ không phải đối mặt hàng ngày với áp lực từ nhiều phía, mà chung quy vẫn là những vấn đề về việc thành gia lập thất. Minh T. không muốn điều này.
Yến P. không may mắn khi được học hành đến nơi đến chốn như Minh T. hay Bảo N., nhận ra bản thân vốn là một người phụ nữ trong hình hài của một cậu con trai, Yến P. – ngày đó tên là Hoàng P. đã chịu phải không ít nỗi đau về tinh thần tại chính cái nơi mà mình được sinh ra. Yến P. nghỉ học từ năm lớp 9, sau đó không từ mà biệt rồi trôi dạt đến Sài Gòn. Yến P. gia nhập đoàn lô tô.
Yến P. bỏ quê rồi trôi dạt đến thành phố đông dân nhất Việt Nam, tham gia vào các đoàn lô tô. (Ảnh mang tính chất minh hoạ).
Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả nhưng Yến P. được là chính mình, được đồng cam cộng khổ với những số phận "trôi sông lạc chợ" như mình, Yến P. cảm thấy phần nào bớt buồn tủi.
5 năm xa quê, Yến P. chưa một lần dám trở lại quê nhà. Cô tâm sự, một khi đã quyết định ra đi thì cô đã không còn cơ hội quay đầu lại. Cô không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, không muốn cha mẹ phải nhận lấy những cái nhìn kì thị từ bà con lối xóm. Yến P. nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ em gái, nhớ quê hương, nhớ từng tất đất, thửa ruộng, nhớ cây trứng cá, góc rơm sau nhà. Nhưng vì hoàn cảnh trớ trêu, Yến P. đành phải đem cất chúng vào trong tim một góc.
Sài Gòn là vậy, đằng sau vẻ ngoài phồn hoa, nhộn nhịp với nhịp sống hối hả, đang phát triển theo từng phút, từng giờ thì đằng sau đó là những nỗi niềm không phải ai cũng thấu. Sài Gòn không cho họ một mái ấm vẹn nguyên, không cho họ làm người con hiếu nghĩa nhưng ít ra nơi đây không phán xét họ. "Miền đất hứa" này chấp nhận và cho họ một nơi trú ngụ giữa dòng đời nhiều bão giông.