Tình hình "sinh sôi nảy nở" tin giả đang diễn biến phức tạp hơn bao giờ hết, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng đang đau đầu vấn nạn này.
Khởi nguồn là những "thuyết âm mưu" về xuất xứ virus Covid-19 là do chính phủ Trung Quốc bí mật tạo ra, rồi đến các bài thuốc "thần kì" như các loại gel, chất lỏng và phấn, có khả năng… kháng chủng virus corona mới.
Sau đó là các thông tin sai phạm được tung ra, chuyền tay cư dân mạng làm xấu đi hình ảnh các chính phủ, người nổi tiếng, như "thêm dầu vào lửa", và cổ súy cho tình trạng phân biệt chủng tộc.
Những tin tức như "Đài Loan đang che đậy các ca tử vong do dịch Covid-19, và căn bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ nước này", hay "một tổ chức từ thiện được điều hành bởi tỉ phú Bill Gates, là tổ chức đứng đằng sau sự lây lan của virus".
Thậm chí nhiều nơi còn truyền tay thông tin người dân Ý biểu tình, cáo buộc người Trung Quốc là nguồn gốc mang bệnh tật đến đất nước họ, trên khắp các đường phố, gây nên căng thẳng chủng tộc tại nước này.
Tốc độ lan rộng khắp thế giới của dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc tin giả về chủ đề này cũng lan rộng không kiểm soát, lợi dụng tâm lí dễ bị tổn thương của người dân.
Nhiều công ty truyền thông xã hội lớn cho biết họ đang nỗ lực hết sức để kiềm chế việc phát tán tin giả.
Facebook, Google và Twitter tiết lộ họ đang cố gắng xóa các thông tin sai lệch về dịch corona nhanh nhất có thể, và đang làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức chính phủ khác, để đảm bảo mọi người dân có được thông tin chính xác.
Các chuyên gia an ninh mạng đã phát hiện các trang web được tin tặc thiết lập, quảng cáo có các thông tin mới nhất về dịch bệnh. Thực chất, các trang web này là các cạm bẫy kĩ thuật số, nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc xâm nhập vào thiết bị của những người truy cập.
Sự lan truyền nhanh chóng của nội dung sai lệch và độc hại về dịch Covid-19 là một lời nhắc nhở nghiêm túc với các nhà nghiên cứu và các công ty internet, trong cuộc chiến chống tin giả.
Ngay cả khi các công ty quyết tâm bảo vệ tin thật, họ vẫn có thể bị qua mặt, và bị lừa bởi những thủ tục tinh vi của các tin tặc.
"Có quá nhiều thông tin không chính xác về virus Covid-19", WHO nhận định. "Chúng ta đang đối đầu với một trận dịch thông tin".
Tiến sĩ Austin Chiang, bác sĩ Bệnh viện Đại học Jefferson ở Philadelphia, Mỹ, chia sẻ: "Tôi thấy rằng thông tin sai lệch về virus corona đang lan tràn khắp mọi nơi ở đây. Khiến cho nhiều người dân trở nên hoảng loạn, và tìm đến các phương pháp chữa thần kì, và nhiều người khác truyền bá các âm mưu chính trị".
"Người dân đang tìm kiếm những nguồn thông tin xác thực, bởi vì rất nhiều thứ họ nhìn thấy khi truy cập vào các nền tảng mạng xã hội, chỉ khiến họ thêm sợ hãi", Tiến sĩ Chiang nhận định.
Tại Đài Loan, các thông tin sai lệch liên quan đến virus Covid-19 trên các phương tiện truyền thông xã hội đã làm dấy lên mối lo ngại giữa người dân, rằng chính quyền Trung Quốc có thể đang sử dụng cuộc khủng hoảng để làm suy yếu chính phủ khu vực tự trị này.
Cách thức tạo tin giả tinh vi đến mức, trong những tuần vừa qua, đã có nhiều bài đăng trên Facebook, tung tin Đài Loan che giấu số lượng lớn các trường hợp nhiễm bệnh với các hình ảnh tài liệu có vẻ "chính thức".
Đặc biệt, một bức ảnh chụp chương trình tin tức của truyền hình Đài Loan, với nội dung Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen đã mắc phải virus corona, và đang được cách li.
Bà Summer Chen – Tổng biên tập của Trung tâm FactCheck Đài Loan, cho biết khối công việc hiện tại của trung tâm đã tăng lên đáng kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan vào tháng 1.
"Trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh này, mọi người thực sự rất thích các thuyết âm mưu. Tại sao trong thời gian này, người ta lại không chọn cách tin vào các thông tin khoa học chính xác?", bà thốt lên.
Việt Nam cũng đã đưa ra mức phạt 20 triệu đồng cho các cá nhân chia sẻ tin tức sai sự thật, kéo theo một làn sống ủng hộ trên các trang mạng xã hội. Nhiều người còn cho rằng mức phạt này là quá ít so với hậu quả mà nó có thể mang lại.
Trong lúc này, các công ty mạng xã hội lớn như Facebook, youtube và Twitter, đều cho biết họ đang nỗ lực để hướng mọi người trở lại các nguồn thông tin y tế đáng tin cậy, và tới các đường dây liên lạc trực tiếp với WHO và các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.
Facebook cho biết sẽ cấm các nội dung có thể gây hại cho mọi người. Chẳng hạn như các bài đăng không khuyến khích tham gia điều trị, cách li hay thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp, để ngăn chặn virus lây lan.
Các bài đăng và video chia sẻ các thuyết âm mưu đều được xem xét kiểm duyệt với thực tế, và được đánh dấu là sai sự thật nếu bị phát hiện.
Khi người dùng Facebook cố gắng chia sẻ các thông tin này, một thông báo cảnh báo bài đăng, bao gồm thông tin được cho là sai sự thật, sẽ nhảy lên.
Tuy nhiên, những biện pháp này không thể ngăn được thành viên các nhóm kín liên kết và chia sẻ các đường link có thông tin sai lệch xung quanh virus Covid-19.
Facebook cho biết ngoài việc hợp tác chặt chẽ với các tổ chức y tế, họ đã hỗ trợ WHO quảng cáo miễn phí, để cố gắng hướng cư dân mạng tới các nguồn tin chính xác của dịch bệnh.
Đối với mạng xã hội Twitter, trong khi thừa nhận sự hiện diện của một số nội dung tin giả trên nền tảng của mình, Del Harvey - Phó Chủ tịch Ủy thác và An toàn của Twitter, cho biết công ty vẫn chưa ghi nhận được nỗ lực nào "với qui mô lớn, có phối hợp" của những người truyền tin giả về virus corona.
Tờ New York Times cho biết sau khi liên lạc với phía Twitter về một số tweet có chứa thông tin sai lệch về virus Covid-19, một số chủ sở hữu của các tài khoản này đã bị đình chỉ vì "do tung tin rác".
Youtube, mạng xã hội thuộc sở hữu của Google, cũng cho biết đang hợp tác chặt chẽ với WHO, để giúp chống lại sự truyền bá các thông tin sai lệch.
Người phát ngôn của youtube - Farshad Shadloo, cho biết công ty đã có "chính sách cấm các video quảng bá về các phương pháp y tế ngăn ngừa virus corona không có căn cứ".
Tuy nhiên, vẫn có hàng chục video trên youtube với các tiêu đề gợi ý cách chữa và phòng virus corona không được kiểm soát. Phần bình luận bên dưới các video này dẫn các đường link đến các trang quảng cáo một loạt phương pháp điều trị thay thế không có cơ sở khoa học nào.
Thậm chí, những liên kết này đã dẫn những người cả tin truy cập vào các trang web với những lời hứa chữa bệnh, nhưng thực chất được tạo ra để ăn cắp thông tin thẻ tín dụng và các thông tin riêng tư khác.
Công ty an ninh mạng Check Point cho biết đã có hơn 4.000 trang web được đăng kí từ đầu năm có chứa các từ "corona" hay"covid".
Trong số các trang web này, 3% được cho là độc hại và 5 % khác được cho là đáng ngờ.
Một nghiên cứu của công ty an ninh mạng Sophos, đã cho thấy sự gia tăng các tin nhắn lừa đảo nhắm vào người dân Ý, nơi có số ca nhiễm virus Covid-19 tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Các tin nhắn này thường bao gồm một đường link đến một tệp Microsoft Word, với nội dung là danh sách liệt kê các phương pháp chữa bệnh virus corona.
Khi người dân tải xuống, một phần mềm độc hại sẽ được cài đặt trên máy tính của họ.
Tháng trước, WHO cũng đưa ra các cảnh báo về các email giả mạo các đại diện của tổ chức này. Các email này được cho là mang mã độc xâm nhập vào các thiết bị điện tử của người nhận, nếu nhấp vào đường link đính kèm.
John Gregory, Phó Tổng biên tập mảng Y tế của NewsGuard, cho biết yếu tố y học khiến việc đối phó với các thông tin sai lệch về virus corona mới và khác biệt với những thuyết âm mưu khác mà công dân mạng đã từng gặp phải.
Do các thông tin về dịch bệnh covid-19 "đang diễn ra trong thời gian thực, nên việc ai đó đưa ra thông tin sai sự thật sẽ dễ dàng hơn nhiều", ông nói thêm. "Thường sẽ mất vài ngày trước khi ngững người có chuyên môn, có nền tảng khoa học, hoặc các nhà báo chính thống, có thể đính chính lại các thông tin này."
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020