TAND huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp vừa xử sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản giữa anh H., chị T. và cha mẹ của chị T. (là ông K., bà D.). HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh H. buộc chị T. trả lại cho anh 21 chỉ vàng 9999 và 11,5 triệu đồng. Chị T. được sở hữu hơn 21 chỉ vàng 9999 và đôi bông hột xoàn trị giá 23 triệu đồng.
Chỉ cho cô dâu làm ruộng, đẻ con
Anh H. trình bày anh và chị T. quen biết và tự tìm hiểu nhau trong hơn bốn năm. Được chấp nhận nên ngày 26-8-2016 (âm lịch) gia đình hai bên đã tổ chức lễ đính hôn cho anh chị tại nhà ông K. và dự kiến tổ chức lễ cưới vào ngày 9-2-2017 (âm lịch). Thời điểm này hai người chưa đăng ký kết hôn.
Tại lễ đính hôn, phía nhà anh H. đến nhà chị T. khoảng 30 người. Gia đình chị T. có tổ chức ăn uống, làm sân khấu, mời khách, chị T. trang điểm và thuê áo cưới mặc khá trang trọng. Tại lễ đính hôn, anh H. đã tặng chị T. sính lễ gồm: 40 triệu đồng; 42 chỉ vàng 9999, một đôi bông tai hột xoàn trị giá 23 triệu đồng.
Nhưng sau đó hai bên mâu thuẫn, chị T. cho rằng anh H. đã hủy hôn trước, còn anh H. nói không đúng. Theo anh, gia đình mình đã đưa ra phương án là sau khi cưới chị T. sẽ ở nhà chồng, không đi làm nhưng chị không chịu. Chị T. đòi được đi làm nên khi nghe vậy phía gia đình không chịu gả chị cho anh H.
Từ đó cả chị T. cũng như cha mẹ chị là ông K., bà D. tuyên bố hủy hôn vì cho rằng gia đình anh H. không cho chị T. đi làm sau khi cưới. Khoảng tháng 10-2016 gia đình anh H. có đến nhà chị T. lần thứ hai để thương lượng việc tổ chức lễ cưới nhưng phía chị T. kiên quyết hủy hôn. Anh H. khởi kiện yêu cầu ông K., bà D. và chị T. liên đới trả lại cho anh hơn 42 chỉ vàng, đôi bông hột xoàn. Còn 40 triệu đồng tiền phụ đám đính hôn thì không yêu cầu.
Trong khi chị T. trình bày hai người yêu nhau từ năm 2013, khi còn là sinh viên. Suốt thời gian này hai người cùng định hướng ra trường sẽ cùng đi làm, đám cưới và sinh con đẻ cái bình thường. Nhưng sau khi đính hôn, chị xuống nhà chơi thì nghe mẹ anh H. nói sau khi cưới chị chỉ ở nhà làm dâu, sinh con, không được đi làm, thiếu tiền thì bà sẽ cho thêm.
Chị T. nói: “Ba mẹ lo cho chị ăn học mười mấy năm, nay xin được việc làm lương gần 10 triệu đồng/tháng mà bắt chị ở nhà làm ruộng, ngửa tay xin tiền mẹ chồng thì không cam lòng”. Chị có nhờ anh H. năn nỉ nhưng anh H. trả lời là mẹ anh dứt khoát: “Không cưới gì nữa hết, kêu ba mẹ nó trả vàng lại đi. Mới đám nói mà nó cãi lại không nghe, mai mốt cưới về nó leo lên đầu lên cổ mình”.
Với yêu cầu của anh H., chị T. chỉ chấp nhận một phần là trả lại 10 chỉ vàng, số còn lại là gia đình anh H. tặng riêng nên chị không trả. Lý do là phía anh H. hủy hôn chứ không phải do chị. Đồng thời chị T. và ông K. có đơn phản tố yêu cầu anh H. phải bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm cho mình số tiền 150.000 đồng.
Chia đôi số vàng đính hôn
Tại phiên xử, TAND huyện Hồng Ngự nhận định có một phần căn cứ để chấp nhận yêu cầu của anh H. Vì lễ đính hôn là sự thể hiện hai người sẽ trở thành vợ chồng trong tương lai, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ. Việc anh H. cho chị T. vàng cưới đã phát sinh quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Ngoài lễ vật như trầu, cau, rượu, bánh, trà thì anh H. còn tặng cho chị T. vàng gồm lắc tay, dây chuyền, đôi bông tai hột xoàn với điều kiện anh chị thành vợ chồng.
Nhưng lễ cưới không thành không phải do chị T. không đồng ý kết hôn mà là do chị nghe tin không được đi làm sau khi kết hôn. Hai bên không có thỏa thuận điều kiện về việc sau đám cưới chị T. được đi làm hay phải ở nhà làm nội trợ, đẻ con. Sau lễ đính hôn hai bên mới phát sinh mâu thuẫn này, được thể hiện tại đoạn ghi âm khi hai gia đình gặp nhau. Lời nói của anh H. về việc cho chị T. đi làm chỉ là lời hứa hẹn, là dự định trong tương lai.
Hôn lễ không thể diễn ra là do hai bên không thông cảm cho nhau, để cùng nhau lắng nghe, chia sẻ nguyện vọng, mong ước của mỗi bên. Trong khi anh chị tự nguyện yêu thương nhau, ban đầu được cha mẹ hai bên ủng hộ, vun đắp. Do đó việc anh H. cho rằng do chị T. không đồng ý tổ chức lễ cưới nên đòi lại vàng cưới là chưa phù hợp.
HĐXX cho rằng vàng trong ngày lễ đính hôn mang ý nghĩa như một lời chào mừng, đón nhận chị T. về làm vợ anh H., là để hai người làm vốn xây dựng cuộc sống mới. Đây như là lời động viên, an ủi chúc phúc của gia đình, người thân khi hai người thành vợ chồng trong tương lai. Mặt khác, chị T. không có chứng cứ chứng minh phía anh H. cho vàng là cho riêng chị. Do đó hơn 42 chỉ vàng, đôi bông hột xoàn là tài sản được tặng cho chung của anh H. và chị T. HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của anh H. chia đôi số tài sản trên.
Do đôi bông tai hột xoàn chị T. đang quản lý nên tòa tiếp tục giao cho chị sở hữu và trả lại 1/2 giá trị là 11,5 triệu đồng cho anh H. Như vậy chị T. có nghĩa vụ trả lại cho anh H. 21 chỉ vàng 9999 và 11,5 triệu đồng. Đồng thời, HĐXX không chấp nhận yêu cầu ông K. và bà D. phải liên đới trả tài sản nêu trên vì chỉ là quan hệ tặng cho giữa chị T. và anh H.
Bác yêu cầu bồi thường danh dự HĐXX cũng tuyên bác yêu cầu phản tố của chị T. và ông K. buộc anh H. phải bồi thường danh dự, nhân phẩm. Bởi hôn nhân không diễn ra là do gia đình hai bên chưa thật sự hiểu và thông cảm cho nhau. Lễ cưới không diễn ra được cả anh H. và chị T. đều thiệt hại như nhau, một bên không cưới được vợ, được dâu, còn một bên không lấy được chồng, có được rể. Đồng thời, chị T. và ông K. không có chứng cứ chứng minh đã thiệt hại về danh dự, nhân phẩm do lễ cưới không diễn ra. Mặt khác, hai người đều thừa nhận do anh H. khởi kiện đòi lại vàng nên mới yêu cầu phản tố. |
Đòi sính lễ bất thành, con rể chém chết mẹ vợ
Đến nhà để gặp vợ rồi xảy ra mâu thuẫn, chàng rể 26 tuổi đòi lại sính lễ những không được nên đã dùng dao ... |