Lãnh đạo Sở Công Thương: Dân tích trữ đồ chỉ vì tâm lí hoang mang

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói việc người dân mua đồ tích trữ chỉ là hiện tượng cục bộ và đã có kịch bản cung ứng hàng trong nhiều tình huống dịch bệnh.

Thông tin này được bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết tại cuộc họp khẩn về đảm bảo cung ứng hàng hoá chiều 7/3 của Bộ Công Thương.

Về việc sáng 7/3, khi nhiều người dân đổ tới các siêu thị tại Hà Nội mua đồ tích trữ, Phó Giám đốc Sở Công Thương nói, đây chỉ là hiện tượng cục bộ khi tâm lí người dân hoang mang trước thông tin Hà Nội có ca nhiễm đầu tiên.

Lãnh đạo Sở Công Thương: Dân tích trữ đồ chỉ vì tâm lí hoang mang - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói về nguồn cung nhu yếu phẩm của Hà Nội chiều 7/3. (Ảnh: Anh Minh).

Tuy nhiên, ngay trong buổi sáng, các hệ thống siêu thị đã bổ sung ngay nguồn hàng từ các kho dự trữ lân cận. Đơn cử, Vinmart đã vận chuyển hàng 3 lần từ kho về các hệ thống trên toàn thành phố. Coopmart Hà Nội cũng lập tức chuyển hàng trong đêm tại các kho ở Bắc Ninh phân phối cho các siêu thị trực thuộc.

Còn Big C cũng tăng lượng hàng tới 300-400% tuỳ theo siêu thị, để đủ hàng, đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân. Đại diện BigC cho biết hôm nay đã tăng 4 lần nguồn hàng thực phẩm tươi sống.

"Trường hợp lượng mua hàng của người dân tăng gấp 1,5-2 lần thì nguồn hàng của các hệ thống phân phối vẫn đáp ứng đủ. Hà Nội cam kết đủ hàng, không ngày nào thiếu để người dân phải dự trữ", bà Lan khuyến cáo.

Theo bà Lan, ngay từ tháng 2 khi Chính phủ công bố Covid-19, TP Hà Nội đã có phương án cung ứng hàng hoá trên thị trường. Các đơn vị phân phối đã tăng lượng hàng 30-40% so với trước đây.

Sở Công Thương cũng xây dựng các kịch bản dự trữ hàng hoá theo 4 cấp độ dịch bệnh, đảm bảo đủ hàng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân ngay cả khi Hà Nội có 1.000 ca nhiễm bệnh. 4 cấp độ dịch bệnh hiện nay gồm: Có trường hợp bệnh xâm nhập; Có lây nhiễm thứ phát; Lây lan trên 20 trường hợp; Lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc.

"Trong bất kì tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đầy đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng", bà Phương Lan nhấn mạnh.

Tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc BRG Retail, cho biết doanh nghiệp đã tăng gấp 5 lần nguồn cung so với ngày thường. Siêu thị này cũng hạn chế mỗi khách hàng được mua 2 lít dầu, 5 kg gạo, 2 thùng mì tôm... để tránh hiện tượng mua gom hàng hoá. Đơn vị này đã phát hiện một số tư thương mua gom 120 chai nước rửa tay (khoảng hơn 6 triệu đồng), và từ chối phục vụ khách hàng này.

Đại diện hệ thống siêu thị của BRG hay BigC cam kết không tăng giá bán các mặt hàng, và nhắc lại, đảm bảo đủ hàng cho nhu cầu mua sắm của người dân. "Chúng tôi khuyến cáo người dân nên mua đủ số lượng cần dùng, không nên vì tâm lí tích trữ, mua gom hàng hoá", ông Dũng đề nghị.

Nhấn mạnh "không để thiếu hàng, không để tăng giá đột biến", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói các hệ thống phân phối phải chủ động cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu, bất cứ có dịch hay không.

Ngoài ra, ông cho biết sẽ tính cả những tình huống bất ngờ, như trường hợp phải cách li sẽ kéo dài, cách li cả khu phố... thì hệ thống phân phối cũng phải lên kịch bản để đảm bảo nguồn cung ứng.


chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.