Lấy tiền đâu để 'giải cứu' dự án Nhiệt điện Thái Bình 2?

Khó khăn của Nhiệt điện Thái Bình 2 không phải tới cuộc họp diễn ra đầu tuần này với sự tham dự của lãnh đạo cao nhất 4 cơ quan: Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, tỉnh Thái Bình, PVN... mới được nêu lên, mà đã được nhận diện 2 năm trước, khi loạt sai phạm của tổng thầu PVC, lãnh đạo PVN bị đưa ra xét xử.

Đã có nhiều cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó cho dự án này được tổ chức gần 2 năm qua, nhưng quyết sách cụ thể vẫn chưa được "chốt".

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khởi công năm 2011 do PVN làm chủ đầu tư và Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu EPC. Chính sai phạm của lãnh đạo PVC thời kì trước tại dự án này, cùng năng lực tài chính, kĩ thuật yếu... khiến dự án rơi vào tình cảnh ngổn ngang sau gần 9 năm triển khai.

"PVC đến nay tan nát, không còn người để làm nữa, nhưng không thể thay PVC vì sẽ nguy hiểm hơn", ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN nói và thông tin. PVC danh nghĩa là pháp nhân triển khai dự án nhưng bản chất vận hành, điều hành là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đang thực hiện.

Với 32.000 tỉ đồng đã rót, ông Thanh cho rằng giờ dự án phải dừng thì "đau xót vô cùng". Trong khi đó Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng đưa ra tính toán cụ thể hơn nếu dự án chậm đưa vào vận hành. 

Ông phân tích, trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn, dự kiến ngay năm 2021 thiếu 6,6 tỷ kWh, và 15 tỉ kWh vào năm 2023... thì mỗi năm có thêm 7 tỉ kWh điện từ dự án này rất quan trọng. Nếu không có số này, sẽ phải huy động chạy dầu giá cao, hơn 5.000 đồng một kWh, tức là tốn 35.000 tỉ đồng nếu dự án chậm đi vào vận hành một năm.

"Việc dự án Thái Bình 2 đưa vào vận hành sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng", ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Lấy tiền đâu để 'giải cứu' dự án Nhiệt điện Thái Bình 2? - Ảnh 1.

Các nhà thầu đang thi công một số hạng mục trên công trường dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. (nh: Hoài Thu).

Nhưng để dự án tiếp tục triển khai và về đích vào năm 2020 thì khó khăn cần giải quyết lúc này là tiền và cơ chế tài chính mới cho dự án. 

Nhiều câu hỏi đặt ra, PVN sẽ lấy tiền đâu để tiếp tục làm dự án này khi các cửa vay trong nước và nước ngoài đã đóng chặt sau loạt sai phạm của tổng thầu PVC? Trong các kiến nghị của mình, PVN đề nghị được sử dụng 2.500 tỉ đồng từ vốn chủ sở hữu của tập đoàn để giải ngân cho dự án, với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Muốn vậy thì phải thay đổi cơ chế cơ cấu tài chính của dự án này.

Cụ thể, cơ cấu vốn dự án được phê duyệt trước đây 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay), nhưng sau những lùm xùm vi phạm của lãnh đạo PVC, các "cửa" vay vốn thương mại trong, ngoài nước đã đóng lại hoàn toàn. Và để có tiền tiếp tục làm, từ đầu năm 2019, Hội đồng thành viên PVN đã họp và kí văn bản phân tích các phương án, đưa ra nghị quyết tiếp tục thanh toán, cấp vốn để hoàn thành các công việc của năm 2018.

Để đảm bảo dự án hoàn thành vào năm 2020, PVN đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cho phép tập đoàn này sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án, với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Và để làm được việc này thì cần thay đổi cơ cấu huy động vốn dự án từ 30/70 trước đây sang chủ yếu dùng vốn chủ sở hữu, tỉ lệ khoảng 66/34.

Thay đổi tỉ lệ cơ cấu vốn của dự án này, theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) là "chấp nhận được". 

Trong các báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, PVN cũng khẳng định, tập đoàn hoàn toàn đảm bảo được việc đầu tư, sản xuất kinh doanh chung và thay đổi cơ cấu vốn Nhiệt điện Thái Bình 2 không ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính trung - dài hạn của PVN.

Nguồn tiền đã có nhưng vẫn thiếu cơ chế để tập đoàn này có cơ sở giải ngân, thanh toán cho các hạng mục của dự án. 

"Đây là dự án quan trọng, nếu ngập ngừng sẽ khiến dự án tiếp tục bế tắc, gây lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng đã bỏ ra", ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN nói. Ông đồng thời cam kết "chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị và trung ương, chấp nhận kỉ luật" và tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền đồng ý đề xuất của tập đoàn trong tăng vốn đầu tư cho dự án. 

"Hãy cho chúng tôi cơ chế để anh em có niềm tin để làm. Hãy cho chúng tôi con đường để đi", ông nói.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong số 47 dự án năng lượng trọng điểm thuộc Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, nhưng đang chậm tiến độ vì loạt khó khăn liên quan tới vốn, cơ chế. "Ba năm qua không một dự án năng lượng trọng điểm nào được đưa vào vận hành. 47/62 dự án chậm tiến độ và nguy cơ thiếu điện từ sau năm 2020 là nhãn tiền", ông Hoàng Quốc Vượng nói.

Tính toán của cơ quan này, trong bối cảnh nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn, dự kiến năm 2021 thiếu 6,6 tỉ kWh điện, 2022 thiếu 11,8 tỉ kWh và 2023 thiếu 15 tỉ kWh... Ông Vượng cho rằng, cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt cho các dự án năng lượng và hạ tầng, bởi đây là những dự án có quy mô lớn và phức tạp, có vai trò cần thiết và quan trọng với nền kinh tế.

 "Đặc thù ở đây không phải đặc lợi, nhưng nếu bớt đi một thủ tục giấy tờ rườm rà, như bỏ khâu đánh giá tiền khả thi dự án là cũng bớt đi được một năm rồi", ông nói.

Với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, cơ chế đặc biệt là cho phép PVN được sử dụng 2.500 tỉ đồng từ vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

Cho biết tỉnh Thái Bình sẽ có văn bản đề nghị Đảng, Nhà nước cho PVN cơ chế đặc biệt huy động vốn chủ sở hữu hoặc vốn vay, cơ chế giải ngân vốn để tháo gỡ cho dự án, song ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, đề nghị tập đoàn này rà soát, xác định rõ nhu cầu vốn, nhiệm vụ và nội dung giải ngân, xác định rõ lộ trình đưa dự án đi vào hoạt động, cam kết rõ ràng cần bao nhiêu vốn, chi vào nội dung gì, lộ trình thực hiện như thế nào để Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có đủ niềm tin ra quyết định.

Đồng tình việc tăng thêm vốn chủ đầu tư cho Nhiệt điện Thái Bình 2, song ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban quản lí vốn nhà nước, lưu ý PVN cần đánh giá lại thấu đáo hiệu quả đầu tư dự án. Bởi nếu rót thêm tiền hoàn thành nhưng cuối cùng hiệu quả thấp thì có thể sẽ mất nhiều hơn số 32.000 tỉ đồng đã giải ngân của dự án này. 

Cùng đó, tập đoàn đánh giá lại năng lực nhà thầu, cần phải bổ sung thêm đơn vị có năng lực, đủ máy móc và con người để hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, lãnh đạo PVN cho rằng nếu triển khai đánh giá lại hiệu quả thì dự án này sẽ rơi vào tình cảnh "khó hẹn ngày về", bởi tiến hành đánh giá lại hiệu quả dự án sẽ mất rất nhiều thời gian. Và việc kéo dài dự án khiến các chi phí quản lí, khấu hao, trả lãi ngân hàng... tăng cao.

"Nếu bắt tập đoàn đánh giá hiệu quả dự án thì ai tin? Đánh giá thì đánh giá rồi, tổ công tác của bộ và liên ngành có làm rồi. Trong khi nếu chậm một ngày phải trả 6 tỉ đồng lãi ngân hàng phần đi vay. Chúng tôi khẳng định đảm bảo được việc đầu tư sản xuất kinh doanh chung khi thay đổi cơ cấu vốn dự án. Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng đồng tiền, nhưng phải bật đèn xanh cho chúng tôi đi", ông Thanh khẳng định.

Lãnh đạo PVN cho rằng, sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu bỏ thêm 2.500 tỉ đồng để hoàn thành khoảng 17% khối lượng công việc còn lại, đưa nhà máy vào vận hành thì lợi ích mang lại rất rõ ràng, khi mỗi năm sẽ có 7 tỉ kWh bổ sung vào nguồn cung điện đang dự báo thiếu hụt trầm trọng sau năm 2020.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC làm tổng thầu EPC. Dự án đặt tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, với công suất (2x600 MW), khởi công tháng 3/2011, tổng vốn đầu tư ban đầu 1,6 tỉ USD.

Năm 2016 dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 2 tỉ USD (41.800 tỉ đồng), sản lượng điện khoảng 7 tỉ kWh điện một năm.

Hiện dự án đã giải ngân trên 32.000 tỉ, hoàn thành hơn 84% khối lượng tổng thể, trong đó thiết kế đạt trên 90%, mua sắm hơn 95%...

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.