Lỗ 3.000 tỷ, Đạm Ninh Bình xin Eximbank Trung Quốc chậm trả nợ

China Eximbank cho biết, người chịu trách nhiệm trả nợ không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ Việt Nam...

Bộ Tài chính trong công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ ngày 28/6 vừa qua về khoản vay 250 triệu USD của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) để thực hiện dự án Đạm Ninh Bình, đã nêu nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình kinh doanh công trình này và tập đoàn mẹ.

Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư, có công suất 560.000 tấn một năm, vốn đầu tư khoảng 667 triệu USD, tương đương 12.000 tỷ đồng, nằm tại tỉnh Ninh Bình.

lo 3000 ty dam ninh binh xin eximbank trung quoc cham tra no
Dự án Đạm Ninh Bình đã lỗ luỹ kế 3.058 tỷ đồng.

Đây là dự án lớn nhất của Vinachem, do tập đoàn này sở hữu 100% nhưng vốn tự có khi đó chỉ là 100 triệu USD, còn lại Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu HQC của Trung Quốc.

Nhà máy được vận hành chính thức vào năm 2012, tuy nhiên vẫn thua lỗ từ đó đến nay.

“Mẹ - con” cùng báo lỗ

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2016, tổng tài sản Công ty Đạm Ninh Bình đạt 10.075 tỷ đồng, giảm 8,65% so với năm 2015, nhà máy đã vận hành ổn định, tình hình sản xuất, tiêu thụ đã khả quan hơn.

Trong năm 2016, Vinachem đã hỗ trợ Đạm Ninh Bình thanh toán nợ đến hạn trả, trong đó có 25 triệu USD để trả China Eximbank.

“Lợi nhuận trong năm 2016 sụt giảm do doanh thu bán hàng giảm mạnh, giá phân bón trên thị trường quốc tế giảm sâu dẫn đến doanh thu không bù đắp được chi phí. Kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ thêm 1.132 tỷ đồng. Công ty chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay”, Bộ Tài chính nhận xét.

Hiện Đạm Ninh Bình vẫn lỗ luỹ kế nặng, khi năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 592 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 3.058 tỷ đồng.

Về tài chính của Vinachem, báo cáo của Bộ Tài chính ghi nhận tổng tài sản năm 2016 của tập đoàn giảm 1,68%, tài sản dài hạn chiếm 63% tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng 771 tỷ đồng do tăng đầu tư. Năm 2016, Vinachem lỗ 895 tỷ đồng do giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp tăng cao, chi phí lãi vay tăng 346 tỷ đồng, trong khi các doanh thu và thu nhập khác đều giảm.

“Chỉ tiêu sinh lời năm 2016 đã bị âm, điều này chứng tỏ tập đoàn kinh doanh chưa hiệu quả, cần điều chỉnh, lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế thị trường. Sức ép về tài chính trong thời gian tới là rất cao, do vẫn tham gia góp vốn vào 40 đơn vị, doanh nghiệp”, báo cáo nêu.

Lỗ lớn, nợ nhiều, Vinachem kiến nghị được khoanh nợ gốc, chỉ trả nợ lãi phát sinh và phí cho vay lại trong 5 năm từ 2017 đến 2022 đối với khoản vay China Eximbank được Bộ Tài chính uỷ quyền cho Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) là cơ quan cho vay lại. Báo cáo của Vinachem dự kiến số chi trả nợ gốc sẽ kéo dài đến hết năm 2028.

Bộ Tài chính nhận định, những giải pháp của Vinachem không cụ thể, chủ yếu tập trung vào việc đề nghị được Chính phủ hỗ trợ, không có giải pháp về sản xuất kinh doanh và tài chính để đảm bảo trả nợ cho dự án trong tương lai.

Về phía Bộ Công Thương, bộ này cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính cân đối nguồn trả nợ khoản vay China Eximbank của dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư.

Bộ Công Thương cho biết, Vinachem không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại các dự án (dự án Đạm Ninh Bình và dự án muối mỏ kali tại Lào). Do đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ.

"Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là BIDV nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank. Để thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính”, văn bản nêu.

Xin Nhà nước trả thay?

Văn bản gửi lên Thủ tướng của Bộ Tài chính cho biết, khoản vay 250 triệu USD với China Eximbank có thời hạn 15 năm, tính đến 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, trong đó Vinachem đã trả nợ gốc 7 kỳ, với tổng số tiền 87,5 triệu USD.

“Qua trao đổi sơ bộ với phía China Eximbank, phía Trung Quốc cho biết, không có chính sách hỗ trợ dự án sử dụng vốn vay khó khăn và đối với phía Trung Quốc, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp, mà là Chính phủ Việt Nam”, văn bản nêu.

Do đó, nếu theo phương án này, từ năm 2017-2022, ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay Vinachem, với tổng số tiền là 125 triệu USD.

Tuy nhiên, hiện nguồn thu của quỹ tích luỹ trả nợ rất hạn chế, trong khi phải đang phải định kỳ trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp khó khăn như Giấy Phương Nam, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (tức Vinashin trước đây, nay là SBIC)...

Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, bội chi cao, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, việc Vinachem đề xuất được giãn nợ khi vẫn có khả năng tập trung nguồn lực để trả nợ nước ngoài là “chưa phù hợp”.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn hoãn nợ với phía ngân hàng Trung Quốc, vì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ, cũng như ảnh hưởng tới đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia và phạm lỗi chéo giữa tất cả các khoản vay của Chính phủ.

Bộ Tài chính yêu cầu: “Vinachem tập trung mọi nguồn lực của tập đoàn để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài của dự án Đạm Ninh Bình, trả nợ đầy đủ ngay từ kỳ ngày 21/7/2017, để không làm ảnh hưởng tới uy tín của Chính phủ”.

Ngoài ra, tiếp tục chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn giãn nợ vay trong nước, tiếp tục thoái vốn ngoài ngành và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án.

Trước đó, trong văn ngày 27/2/2015, đối với khoản vay này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến: “Yêu cầu Vinachem thực hiện trả nợ vốn vay, lãi, phí của khoản vay theo đúng hợp đồng vay đã ký. Trường hợp không tự cân đối để trả nợ, tập đoàn báo cáo Bộ Tài chính, Công Thương xử lý theo quy định”.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.