Năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II) với tổng diện tích hơn 281 ha, chủ đầu tư lập quy hoạch là CTCP Đầu tư Amane.
Cũng trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - Giai đoạn 1) tại thị trấn Hoa Sơn, xã Liễn Sơn, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch đối với Công ty Amane. Tháng 4 vừa qua, dự án đã được điều chỉnh chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ở diễn biến mới nhất, chủ đầu tư Amane vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án này. Doanh nghiệp cho biết đang có nhu cầu thay đổi công nghệ xử lý nước thải, tăng quy mô, công suất của hệ thống xử lý, đồng thời bổ sung làm mới ngành nghề thu hút đầu tư.
KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1) có diện tích khoảng 145,3 ha. Phía bắc giáp khu dân cư thị trấn Hoa Sơn và ĐT.307; phía nam và phía đông giáp khu dân cư xã Liên Hòa và đất đồi gò, đất nông nghiệp; phía tây giáp khu dân cư xã Liễn Sơn và đất đồi gò, đất nông nghiệp.
Về hiện trạng, khu đất dự án có khoảng 97,5 ha đất rừng sản xuất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng vào tháng 10/2023; đất trồng lúa chiếm hơn 26 ha, cũng đã thực hiện chuyển đổi; đất hoa màu hơn 8,5 ha; đất dân cư khoảng 2,7 ha; còn lại là đất giao thông và mặt nước.
Theo báo cáo, tính đến thời điểm hiện tại dự án đã tiến hành rà phá bom mìn khu vực thực hiện; thực hiện kiểm đếm, tách hộ và đền bù cho 60 hộ dân; đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất công nghiệp.
Hệ thống giao thông đối ngoại khu vực dự án có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong đó nằm ngay cạnh có nút giao nằm tại xã Văn Quán, huyện Lập Thạch; có quốc lộ 2C từ ngã tư thị trấn Hợp Hòa đi Tuyên Quang; ngàoài ra còn có các trục ĐT.307 (đi Tuyên Quang), ĐT.307B (nối đến Cảng Như Thụy), ĐT.307C và ĐT.309 đi Tuyên Quang.
Theo quy hoạch, khu vực dự án sẽ có thêm tuyến đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh kéo dài rộng 36 m. Hệ thống đường dân sinh bên trong dự án có tổng chiều dài khoảng 2,5 km. Giáp ranh với dự án là sông Phó Đáy.
Về tính chất, đây là dự án đầu tư xây dựng tạo quỹ đất mới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vị trí của khu đất dọc tuyến đường cao tốc Vĩnh Phúc - Lào Cai. Quy mô lao động dự kiến khoảng 42.000 người.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 122,5 ha cho các công trình nhà máy, kho tàng; 6,9 ha xây công trình hành chính, dịch vụ; khoảng 30 ha đất cây xanh, mặt nước; còn lại là đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Các xí nghiệp, nhà máy bố trí các lô đất từ diện tích từ 1,5 - 4,5 ha, mật độ xây dựng 70%, cao tối đa 4 tầng. Toàn bộ các nhà máy đều hướng ra những trục đường chính, được tổ chức theo nhiều hình thức từ thấp tầng (1 tầng) đến cao tầng (2 - 4 tầng). Các nhà máy sản xuất công nghiệp nhẹ nên xây cao tầng, có thể được bố trí gần trung tâm.
Hồi tháng 9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp.
Tại hội nghị, bà Đàm Thị Bích Ngọc, Giám đốc Amane cho biết, dự án KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (giai đoạn 1) đã có khách đăng ký thuê đất, đã được ngân hàng cấp vốn từ lâu nhưng không giải ngân được do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Sau khi giải phóng mặt bằng xong thì chưa thể nộp tiền vào ngân sách vì chưa có đơn giá.
Khu hành chính, dịch vụ sẽ nằm ở vị trí các lối vào chính của khu công nghiệp, mặt tiền hướng ra trục giao thông chính. Các công trình này có mật độ xây dựng 40%, cao tối đa 9 tầng. Trong đó, khu lưu trú bố trí công trình nhà cao tầng có hướng nhìn ra trục trung tâm.
Báo Vĩnh Phúc dẫn thông tin từ chủ đầu tư, tính đến ngày 29/7/2024, dự án đã kiểm kê, kiểm đếm là 114 ha và hoàn thành GPMB khoảng 102 ha và triển khai các hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải, san nền các lô CN4 (giai đoạn 1), lô KT1, xây dựng các tuyến đường 2 và 5, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, đạt 85% giá trị công trình.
Theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh hồi tháng 4, KCN này có tổng mức đầu tư gần 914 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 158 tỷ đồng.
Còn trong ĐTM vừa công bố, Amane cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 6.361 tỷ đồng (khoảng 275 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 41,2 triệu USD, vốn vay khoảng 64,8 triệu USD và vốn huy động khác là 168,7 triệu USD.
Về chủ đầu tư, theo dữ liệu của người viết, Công ty Amane được thành lập vào tháng 8/2018, trụ sở tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 120 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Tổng Công ty Hòa Bình Minh (60%), ba cá nhân Lương Văn Mỹ, Đinh Quốc Tuấn và Trần Tuấn Đại mỗi người 13,33%. Tại ngày 13/3/2023, Giám đốc doanh nghiệp là ông Nguyễn Ngọc Sơn.
Đến ngày 30/10/2024, Amane đã đổi tên thành CTCP Khu công nghiệp Stavian Vĩnh Phúc, đồng thời tăng vốn điều lệ lên thành 196 tỷ đồng, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Đàm Thị Bích Ngọc. Còn tại lần đăng ký thay đổi mới nhất ngày 18/12/2024, tên doanh nghiệp đã được đổi về tên cũ là Amane.
Amane là công ty con của Hòa Bình Minh. Tập đoàn này tiền thân là Công ty TNHH Hòa Bình được thành lập năm 1993 bởi vợ chồng ông Bùi Minh Lực và bà Nguyễn Thị Hiền, với xuất phát điểm kinh doanh mảng vật liệu xây dựng, sắt thép và nội thất tại Yên Bái.
Hòa Bình Minh sau đó đã mở rộng sang lĩnh vực phân phối ô tô xe máy và trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành với mạng lưới hoạt động trên khắp cả nước. Đến nay tập đoàn này sở hữu chuỗi 18 showroom ô tô tại Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang với nhiều thương hiệu như Toyota, Honda, Hyundai, KIA, Mitsubishi, VinFast...
Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Hòa Bình Minh có 34 chi nhánh trên cả nước, phân phối sản phẩm của các đơn vị như Viglacera, Price, CMC, Hòa Phát và nhãn hàng riêng của tập đoàn như MTC, VGC, Sonata... Công ty tự giới thiệu là nhà phân phối số 1 của Thép Hòa Phát, đứng thứ 5 cả nước về sản lượng và hệ thống phân phối gạch ốp lát.
Tại ngày 31/12/2020, Hòa Bình Minh có 4.200 lao động, doanh thu của hệ sinh thái đạt trên 17.500 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2015. Năm 2022, sản lượng ô tô, xe máy, sắt thép, gạch ốp lát của công ty đều tăng trưởng ba con số. Năm 2023, Hòa Bình Minh từng đặt mục tiêu doanh thu tỷ USD.
Trong mảng bất động sản, bên cạnh KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - Giai đoạn 1), Hòa Bình Minh đang sở hữu một dự án khác tại TP Yên Bái là khách sạn HBM Hotel Yên Bái với diện tích khoảng 4.000 m2, quy mô 95 phòng lưu trú.
Dự án 12:09 | 27/12/2024
Quy hoạch 09:43 | 25/12/2024
Dự án 16:02 | 24/12/2024
Chủ đầu tư 14:45 | 23/12/2024
Dự án 09:53 | 23/12/2024
Dự án 10:48 | 19/12/2024
Dự án 14:51 | 18/12/2024
Dự án 11:28 | 17/12/2024