Liên quan đến vụ việc nghi can Nghiêm Thị Nhi (SN 1971) sát hại bà Hoàng Thị Vượng (SN 1948) cùng 2 cháu nội là Đàm Đức Tiến (SN 2015) và Đàm Thị Nguyên Thảo (SN 2016, cùng trú thôn 9, xã Tân Thanh), chiều 26/5, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nhi để điều tra hành vi giết người.
Cơ quan Công an khám nghiệm hiện trường nơi nghi can chôn 3 bà cháu. (Ảnh: Khánh Hương - VNE).
Nói về vụ việc trên, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của Nhi đã đủ yếu tố cấu thành tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.
"Ban đầu có thể thấy, ít nhất nghi can Nhi phạm vào hai tình tiết định khung theo khoản 1 Điều 123 là tình tiết "Giết 2 người trở lên" và "Giết người dưới 16 tuổi". Ngoài ra, nữ nghi phạm còn có thể phạm thêm tình tiết "Có tính chất côn đồ", luật sư Thanh nhận định.
Luật sư Giang Hồng Thanh, văn phòng luật sư Giang Thanh. (Ảnh: FB luật sư).
Hơ quan điều tra đang trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi can Nhi, do vậy sẽ có ba trường hợp có thể xảy ra: Một là bà Nhi mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Hai là nghi can hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Cuối cùng, nghi can hoàn toàn bình thường tại thời điểm gây án.
Nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, bà Nhi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Khi đó Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa nghi can này vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Nghi can Nghiêm Thị Nhi tại cơ quan Công an. (Ảnh: Khánh Hương- VNE).
Trong trường hợp thứ hai, nữ nghi can vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng được xem xét giảm nhẹ hình phạt vì theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015: "Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình" là một tình tiết giảm nhẹ.
Còn trường hợp cuối cùng, bà Nhi phải chịu tội như những người bình thường dù trước đó có tiền sử về bệnh tâm thần. Khi đó, hình phạt dành cho hung thủ có thể sẽ là tử hình.
Ngoài ra, nếu bà Nhi được xác định phạm tội trong khi hoàn toàn bình thường nhưng trước khi bị kết án, căn bệnh tâm thần tái phát dẫn tới mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Tòa án có thể quyết định đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Sau khi khỏi bệnh, bị can có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Trần Xuân Tiền. (Ảnh: FB luật sư).
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của bà Nhi đã cấu thành tội Giết người theo Điểm a, b Khoản 1, Điều 123, Bộ luật hình sự năm 2015. Nhiều tình tiết tăng nặng khác được quy định tại điểm i, p Khoản 1 Điều 52 BLHS như phạm tội với người từ 70 tuổi trở lên.
"Sau khi phạm, nghi can đã dùng thủ đoạn xảo quyệt kéo xác ba bà cháu đến chôn trong một hố tại rẫy cà phê. Mức án cao nhất mà bà Nhi có thể phải gánh chịu là tử hình", luật sư Tiền phân tích.
Đô thị 18:00 | 07/10/2019
Tiêu dùng 06:28 | 14/08/2019
Đô thị 21:31 | 08/08/2019
Đô thị 18:49 | 25/07/2019
Tiêu dùng 10:40 | 25/06/2019
Lối sống 14:38 | 23/06/2019
Thời sự 15:20 | 18/06/2019
Thời sự 18:54 | 06/06/2019