Ứng dụng Tik Tok là mục tiêu tiếp theo của chính phủ Mỹ. (Ảnh: Engadget).
Được ra mắt vào năm 2017, ứng dụng Tik Tok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc dành cho các thị trường bên ngoài quốc gia này.
Sau khi được mua lại bởi ByteDance, ứng dụng này chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng khi đạt 663 triệu lượt tải xuống kể từ năm 2018, mạnh mẽ hơn cả Facebook và Instagram.
Theo thống kê, Ứng dụng Tik Tok có 26 triệu người dùng ở Mỹ và trung bình mỗi ngày những người dùng này bỏ ra 46 phút để sử dụng mạng xã hội này. (Ảnh: Reuters).
Mới đây, chính phủ Mỹ vừa mở cuộc điều tra và đưa ra những quan ngại về nguy cơ xâm phạm an ninh quốc gia. Theo một số nguồn tin, có bằng chứng cho thấy ứng dụng Tik Tok đã gửi những dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
Trong thời điểm mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu ổn định, việc một lượng lớn dữ liệu người dùng của Mỹ được cung cấp cho ứng dụng của Trung Quốc khiến chính phủ Hoa Kỳ không thể không lo sợ.
Alex Zhu - ông chủ của Tik Tok khẳng định rằng nếu Bắc Kinh yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng ứng dụng của mình, ông sẽ nói không. (Ảnh: Business Insider Malaysia).
Người sáng lập Huawei Ren Zhengfei cũng từng nói rằng mặc dù bản thân là một cựu quân nhân Trung Quốc, ông cũng không chấp nhận làm gián điệp cho quốc gia của mình. Tuy nhiên, những phát ngôn trên khó có thể xoa dịu mối lo ngại của Nhà Trắng.
Các thành viên của quốc hội đã kêu gọi các phụ huynh gỡ bỏ ứng dụng Tik Tok trên thiết bị của con cái. Cũng giống như việc chính phủ nước này vận động các quốc gia khác ngừng sử dụng các sản phẩm của Huawei.
Chưa có một quyết định chính thức nào được đưa ra, nhưng với lượng thông tin người dùng khổng lồ, chính phủ Mỹ chắc chắn sẽ không thể ngồi yên. Ngay từ lúc này, ứng dụng Tik Tok cần chuẩn bị sẵn những giải pháp cho riêng mình.
Đồng cảnh ngộ với ứng dụng Tik Tok, đó là công ty công nghệ Huawei. Năng lực của Huawei lớn hơn rất nhiều, và thị trường của họ ở Mỹ cũng không hề nhỏ. Qualcomm và Intel là những cái tên điển hình. (Ảnh: Reuters).
Về phía Huawei, mặc dù bị trừng phạt, nhưng ít nhất đến thời điểm này họ vẫn đang sống sót, thậm chí là phát triển. Mới đây chính phủ Mỹ đã cho phép một số công ty của mình tiếp tục kinh doanh với Huawei.
Huawei có một tầm quan trọng cực kì đặc biệt với các công ty hàng đầu của Hoa Kỳ. Điều này có thể giúp họ trở thành một phần của những thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trong thời gian tới.
Ứng dụng Tik Tok có vẻ khá hơn người đàn anh của mình. Trong trường hợp xấu nhất, việc tìm một người sở hữu mới cho ứng dụng này là hoàn toàn khả thi.
Ứng dụng Tik Tok hiện có 1,5 tỉ người dùng hoạt động mỗi tháng và nó đang được định giá khoảng 13,5 tỉ USD. So với con số phải trả cho Musical.ly vào năm 2017 là 9 triệu USD, việc bán đi ứng dụng ở thời điểm này là điều mà ByteDance nên cân nhắc. (Ảnh: Indian Express)
Ứng dụng Tik Tok không có quá nhiều người dùng ở Trung Quốc, mà chủ yếu tập trung ở các quốc gia khác nhau. Do đó, việc tìm ông chủ mới cho ứng dụng này không phải là vấn đề đối với ByteDance.