Mỹ vừa gia hạn lệnh cấm vận đối với Huawei thêm 90 ngày. (Ảnh: Reuters).
Tháng 5 vừa qua, mọi ánh mắt trên toàn thế giới đều hướng về Huawei, khi chính quyền tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh cấm vận đối với hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới.
Không lâu sau đó, lần lượt Google, Intel, Qualcomm và nhiều công ty khác của Mỹ đồng loạt dừng hợp tác với công ty công nghệ của Trung Quốc.
Tập đoàn có trụ sở chính ở Thâm Quyến và 68 chi nhánh trên toàn thế giới đã bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen có tên "Entity List" với cáo buộc gây nên những lo ngại an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ bởi mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei diễn ra trong thời điểm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng. (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến).
Lệnh cấm của Mỹ đồng nghĩa với việc Huawei không thể tiếp tục giao dịch thương mại với các công ty của Mỹ.
Điều này được cho sẽ gây ra một sự suy thoái nhanh chóng bởi Huawei phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ, đồng thời cũng là sự trả đũa của Nhà Trắng đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường thế giới.
Trái với những dự đoán ban đầu, có vẻ như Huawei không phải chịu nhiều quá nhiều tổn thương bởi sự trừng phạt này.
Huawei là hãng duy nhất trong top 5 các nhà sản xuất smartphone hàng đầu tăng trưởng, và tăng trưởng rất mạnh với 66% trong quý III/2019. (Ảnh: Canalys)
Doanh thu bán hàng nửa đầu năm 2019 của hãng đạt 220,8 tỉ Nhân Dân Tệ, kiểm soát tới 42% thị trường smartphone Trung Quốc.
Về thị phần, Huawei đã có bước nhảy vọt khi tăng từ 24,9 lên 42,4%, doanh số điện thoại tăng từ 25 triệu máy lên 41,5 triệu máy. Điều này có nghĩa cứ 10 sản phẩm bán ra ở Trung Quốc thì có 4 chiếc đến từ Huawei.
Không chỉ dừng lại ở thị trường smartphone, Huawei còn chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong các lô hàng máy tính bảng, PC và thiết bị đeo. (Ảnh: Engadget, Mark Hachman / IDG, Gadgets).
Vào tháng 7, công ty đã công bố hệ sinh thái Huawei Mobile Services đạt hơn 800.000 nhà phát triển đã đăng ký và 500 triệu người dùng trên toàn thế giới. Dường như việc Huawei lên tiếng rằng lệnh cấm của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến công ty là hoàn toàn có cơ sở.
Dù có ghét bỏ hay không, giới công nghệ vẫn phải khẳng định rằng, Huawei là công ty công nghệ có năng lực rất lớn.
Mặc dù chịu sự trừng phạt của Mỹ, Huawei vẫn là ông lớn của thị trường smartphone hiện nay. (Ảnh: Android Authority, Reuters, CNET).
Huawei là hãng điện thoại hiếm hoi sở hữu chip Kirin của riêng mình với độ ổn định tốt. Sản phẩm Mate 30 Pro có điểm DxOMark cao nhất trong số các sản phẩm smartphone. Huawei cũng không ngừng tích hợp lên các sản phẩm của mình những công nghệ tiên tiến nhất như 5G hay màn hình Foldable...
Về phía Mỹ, lệnh cấm của nước này đối với Huawei dường như là một con dao hai lưỡi. Mặc dù các sản phẩm của Huawei được cung cấp phần lớn dịch vụ và thiết bị từ các công ty công nghệ của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời việc chấm dứt hợp tác với Huawei cũng sẽ khiến các công ty này mất đi một khách hàng quan trọng.
Lệnh cấm vận đối với Huawei đồng thời ảnh hưởng đến các công ty công nghệ Mỹ. (Ảnh: Reuters, Bloomberg/Getty Images)
Điều này lí giải vì sao chính phủ Mỹ chưa thể ngay lập tức thực hiện triệt để lệnh cấm vận của mình, thậm chí còn phải nới lỏng phần nào đó hành động này để tránh nguy cơ các công ty nội địa của mình bị ảnh hưởng.
Các công ty công nghệ Mỹ cũng lên tiếng về lệnh cấm, buộc chính phủ nước này phải cho phép Huawei tiếp tục giao dịch một phần với các công ty của mình.
Về lí thuyết, sự trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ khiến người dùng các sản phẩm của công ty này bị ảnh hưởng không hề nhỏ.
Chính phủ Mỹ chưa thể thực hiện triệt để lệnh cấm vận đối với Huawei. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên trên thực tế, các sản phẩm của Huawei đã được kí giấy phép của các công ty Hoa Kỳ trước khi lệnh cấm vận được đưa ra.
Bằng chứng là các sản phẩm gần đây của Huawei vẫn được tích hợp đầy đủ các dịch vụ và những công nghệ mới nhất.
Việc gia hạn lệnh cấm vận lên thành 90 ngày sẽ cho phép Huawei được tiếp tục hợp tác với các công ty Hoa Kỳ. Vậy nên, đây là khoảng thời gian thích hợp để Huawei tận dụng để củng cố và nâng cao vị thế ông lớn vốn có của mình.
Huawei cần nhớ rằng án phạt vẫn còn lơ lửng trên đầu họ và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. (Ảnh: Reuters)
Mới đây, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cho biết họ sẽ bỏ phiếu trong tuần này về việc đề xuất chỉ định Huawei và ZTE (một đại gia công nghệ Trung Quốc khác) là mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời ngăn chặn mọi nỗ lực của các công ty này nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng hiện có.