Vincent Pang, Phó chủ tịch cấp cao và giám đốc hội đồng quản trị của Huawei tiết lộ với Reuters rằng, một số công ty của Mỹ đang bày tỏ sự quan tâm đến các thỏa thuận dài hạn hoặc chuyển nhượng một lần đối với giấy phép sử dụng 5G đến từ gã khổng lồ Trung Quốc.
"Một số công ty đang đàm phán với chúng tôi, nhưng sẽ phải mất một thời gian dài để hoàn thiện mọi thứ", vị Phó chủ tịch cho biết. "Họ đã thể hiện sự quan tâm, các cuộc đàm phán mới chỉ bắt đầu cách đây vài tuần và chưa ở mức chi tiết", ông nói thêm.
Vincent Pang từ chối tiết lộ danh tính các công ty này.
Huawei tiếp tục hợp tác với các công ty Mỹ để bán 5G. (Ảnh: Reuters).
Ý tưởng về một khoản phí một lần để đổi lấy giấy phép sử dụng các công nghệ 5G của Huawei lần đầu tiên được đưa ra bởi CEO, đồng thời cũng là nhà sáng lập tập đoàn, ông Nhậm Chính Phi.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng trước, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kì đã bày tỏ sự hoài nghi về ý tưởng này. Về phần mình, vị Phó chủ tịch Huawei từ chối dự đoán liệu có bất kì thoả thuận nào được kí kết hay không.
Tuy nhiên, ông đưa ra lưu ý rằng, sau khi được chuyển nhượng nền tảng, chi phí để đầu tư nghiên cứu, phát triển và cải thiện công nghệ cũng sẽ rất tốn kém. Được biét, Huawei đã chi hàng tỉ USD để phát triển công nghệ 5G kể từ năm 2009.
Trước đó, vào tháng 5, Huawei – nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã bị đưa vào danh sách đen về thương mại của Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia. Chính quyền Donald Trump đã cấm Huawei mua các bộ phận linh kiện do các công ty Mỹ sản xuất mà không có giấy phép đặc biệt.
Washington cũng đã đưa ra các cáo buộc hình sự với công ty này như: gian lận thương mại, vi phạm lệnh trừng phạt với Iran, trộm cắp tài sản trí tuệ,....
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cho rằng, thiết bị Huawei có thể được sử dụng để theo dõi khách hàng và dựa vào đó để thuyết phục các đồng minh của mình cùng thực hiện chính sách cấm vận.
Tuy nhiên, gã khổng lồ viễn thông đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc này. Và Washington đến nay vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào cho những cáo buộc trên.
Hàn Quốc đã ra mắt dịch vụ thương mại 5G, và một trong ba nhà mạng lớn của họ đã sử dụng thiết bị do Huawei cung cấp. (Ảnh: Reuters).
Hiện tại, Mỹ chưa có một nhà cung cấp công nghệ 5G nào và các đối thủ của Huawei ở châu Âu như Ericsson và Nokia thường có giá đắt đỏ hơn.
Đến nay, chưa có quốc gia châu Âu nào chính thức chặn hoàn toàn các hoạt động viễn thông của Huawei. Phần lớn các hợp đồng công nghệ 5G toàn cầu hiện tại của công ty là với các công ty hoạt động ở châu Âu.
Bất chấp sức ép từ Hoa Kỳ, các quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan, Vương Quốc Anh, New Zealand,... cho biết họ vẫn đang xem xét chính sách viễn thông 5G của mình và có thể cho phép Huawei cung cấp thiết bị không quan trọng, ít nhạy cảm như cột ăng ten.
Không những thế, Huawei còn đang quay trở lại mạnh mẽ tại các thị trường ít chịu sự chi phối của Hoa Kỳ như châu Á.
Trong đó, Hàn Quốc đã ra mắt dịch vụ thương mại công nghệ 5G, và một trong ba nhà mạng lớn của họ đã sử dụng thiết bị do Huawei cung cấp. Các thử nghiệm công nghệ 5G dự kiến sẽ được thực hiện ở Ấn Độ vào cuối năm nay với Huawei là một trong các công ty được mời tham dự.
Ngày 3/10 vừa qua, Huawei cũng đã đạt được thỏa thuận cung cấp mạng 5G tại Malaysia. (Ảnh: Huawei).
Trước đó, Huawei cũng đã đạt được thỏa thuận cung cấp mạng 5G tại Malaysia. Theo thỏa thuận, Huawei sẽ cung cấp các dịch vụ và thiết bị vô tuyến 4G / LTE và 5G cho các nhà mạng tại nước này.
Tại Thái Lan, Huawei cũng đã triển khai dự án thử nghiệm 5G. Việt Nam – nơi đang phát triển mạng 5G mạnh mẽ cũng không có một lệnh cấm chính thức với Huawei.
Theo Huawei, đến nay họ đã kí hơn 60 hợp đồng thương mại 5G với các nhà mạng hàng đầu toàn cầu và vận chuyển hơn 400.000 bộ ăng ten MIMO cỡ lớn (Massive MIMO active antenna units - AAUs) đến các thị trường trên toàn cầu.
Việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm truyền dẫn quang, truyền dữ liệu và các sản phẩm CNTT của Huawei tăng trưởng ổn định.