Theo CEO Huawei, ông Nhậm Chính Phi, hãng này đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các trạm phát sóng, trong kế hoạch triển khai 5G mà không cần đến các nguồn linh kiện từ Mỹ.
"Chúng tôi đã tiến hành triển khai thử nghiệm 5G trong tháng 8 và tháng 9. Sang tháng 10 chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất 5.000 trạm phát sóng 5G mỗi tháng, hoàn toàn không sử dụng các thành phần của Mỹ", người đứng đầu Huawei chia sẻ.
"Trong tương lai, sản xuất hàng năm dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu chiếc, so với 600.000 chiếc ước tính trong năm nay, bao gồm những thiết bị có thành phần đến từ Mỹ và những thiết bị không có", ông Nhậm Chính Phi nói thêm.
Huawei triển khai 5G mà không cần công nghệ của Mỹ. (Ảnh: Reuters).
Hồi tháng 6, Bộ Công nghiệp Công nghệ thông tin Trung Quốc đã cấp giấy phép sử dụng thương mại mạng 5G cho 4 nhà khai thác di động lớn ở nước này, cụ thể gồm tập đoàn China Telecom, China Unicom và China Mobile, và China Media Corporation, trong đó có đài phát thanh quốc gia và truyền hình trung ương.
Việc triển khai 5G ở Trung Quốc thành công sẽ hỗ trợ việc trao đổi thông tin ở tốc độ trên 10 Gbit/giây, nhanh hơn 30 lần so với mạng 4G. Các công nghệ 5G cũng cung cấp dung lượng mạng đáng kể hơn và thời gian phản hồi tối thiểu khi tải xuống dữ liệu.
Bắc Kinh có kế hoạch triển khai 5G bằng cách xây dựng ít nhất 50.000 trạm phát sóng tại 50 thành phố lớn của Trung Quốc vào cuối năm nay.
Sang tháng 10 Huawei sẽ bắt đầu sản xuất 5.000 trạm phát sóng 5G mỗi tháng. (Ảnh: Nikkei).
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã bị Hoa Kì đưa vào danh sách đen về thương mại từ tháng 5/2019 trước những lo ngại về việc thiết bị của họ có thể được dùng để Bắc Kinh tiến hành các hoạt động do thám.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc như vậy, đồng thời cũng thực hiện các bước để giảm thiểu tác động.
Các lệnh trừng phạt đã khiến Huawei mất quyền sử dụng các công nghệ hàng đầu, điển hình chiếc flagship mới nhất của hãng, Huawie Mate 30 đã bị mất quyền truy cập vào các dịch vụ Google Mobile Services của Google.
Will Zhang, chủ tịch chiến lược của Huawei nói với Reuters rằng, hiệu suất của các trạm phát sóng 5G không chứa các thành phần của Mỹ vẫn được đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, ông này từ chối cho biết thêm chi tiết.
Huawie Mate 30 đã bị mất quyền truy cập vào các dịch vụ Google Mobile Services của Google.. (Ảnh: Cnet).
Trong khi đó, ông Nhậm Chính Phi bày tỏ mong muốn sẽ vẫn được tiếp tục sử dụng linh kiện của Mỹ, nếu có thể được, vì "Công ty có mối quan hệ thân thiết với các nhà cung cấp lâu năm ở Mỹ".
Trước đó, theo Nhật báo Nikkei đưa tin, Huawei đã âm thầm triển khai một siêu dự án trong nhiều năm liền, nhằm thay thế các nhà cung cấp của Mỹ bằng các nhà cung cấp đến từ châu Á như Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, những quốc gia và vùng lãnh thổ ít chịu sự chi phối của Hoa Kì.
Một diễn biến khác có liên quan, ông Nhậm nói rằng, Huawei sẵn sàng cấp phép di động 5G cho một công ty Mỹ và ông khẳng định, không sợ tạo ra đối thủ bằng cách cung cấp công nghệ của Huawei cho đối thủ cạnh tranh. Giấy phép có thể bao gồm cả công thức chế tạo chip, ông nói thêm.
Huawei là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Do ảnh hưởng lệnh cấm của Mỹ, doanh thu từ mảng điện thoại của hãng có thể xuống dưới 10 tỉ USD trong năm nay.