[Kì 1]: Từ ‘vòng kim cô’ dưới chân bà Mạnh Vãn Chu tới lệnh cấm của Mỹ: Huawei đáng sợ thế nào?

Trước các lệnh cấm của Mỹ, gã khổng lồ Trung Quốc vẫn không hề run sợ.

Hồi tháng Năm, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Nikkei Asia Review, ông Nhậm Chính Phi – CEO Huawei, thừa nhận doanh thu hàng năm của hãng có thể giảm 20% vì các lệnh cấm của Mỹ. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này không thể làm gục ngã gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

ki-1-tu-vong-kim-co-duoi-chan-ba-manh-van-chu-toi-lenh-cam-cua-my-huawei-dang-so-the-nao-1

Hình ảnh chiếc vòng theo dõi lệch tông với trang phục của bà Mạnh Vãn Chu không khỏi khiến nhiều người liên tưởng tới những gì mà Huawei – gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt trước sức ép của Mỹ và các nước đồng minh trong thời gian qua. (Ảnh: Reuters).

Ngày 23/9 vừa qua, trong một bộ váy tím cùng đôi giày cao gót thời trang, bà Mạnh Vãn Chu, con gái ông Nhậm Chính Phi, người được mệnh danh là công chúa Huawei đã đến dự phiên tòa thủ tục tại Vancouver, Canada – nơi công bố những tài liệu, chứng cứ truy tố bà.

Tuy nhiên, có một chi tiết ít ai để ý đó chính là chiếc vòng theo dõi trên chân vị cựu Giám đốc tài chính Huawei, một thiết bị dùng để theo dõi định vị, được gắn trên chân của phạm nhân 24/24.

"Vòng kim cô" này đã siết chân bà Mạnh Vãn Chu trong gần một năm qua, kể từ ngày 7/12/2018 bà bị giới chức Canada bắt giữ ngay tại sân bay, trước yêu cầu dẫn độ của Mỹ bởi những cáo buộc liên quan đến các hoạt động gián điệp, "đi đêm" của tập đoàn Huawei với Chính phủ Trung Quốc.

Sang đến tháng 5/2019, Tổng thống Trump kí sắc lệnh theo đó gần như "cấm cửa" Huawei bán hàng sang Mỹ. Nhưng đáng lo hơn, động thái còn cấm Huawei mua hàng từ Mỹ.

Và điều này gợi nhớ đến sự khốn đốn mà ZTE – cũng một gã khổng lồ Trung Quốc khác, đã trải qua hồi tháng 4/2018 – khi mà lệnh cấm của Mỹ đã khiến ZTE lao đao, buộc công ty này phải "thay máu" toàn bộ HĐQT và nộp phạt cho chính phủ Mỹ 1,2 tỉ USD.

Hình ảnh chiếc vòng theo dõi lệch tông với trang phục của bà Mạnh Vãn Chu không khỏi khiến nhiều người liên tưởng tới những gì mà gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang phải đối mặt trước sức ép lệnh cấm Huawei của Mỹ và các đồng minh trong thời gian qua.

Các nước này vẫn luôn tỏ ra lo sợ đối với công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - Huawei. Nỗi lo sợ cùng với lệnh cấm của Mỹ đã khiến nhiều nước khác đã phải xem lại việc sử dụng các thiết bị của Huawei. Thậm chí, smartphone Huawei còn không được đặt chân vào thị trường Mỹ.

Vậy vì sao Huawei lại khiến cho các cường quốc lo sợ đến như vậy?

Sự trỗi dậy đầy bất ngờ của đế chế Huawei

Một thập kỷ trước, vào năm 2009, gã khổng lồ điện thoại Thụy Điển - Teliasonera đã bắt đầu xây dựng một trong những mạng không dây thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới tại một số thành phố ở Scandinavia.

Cùng thời điểm đó, tại Oslo, Na Uy, Teliasonera đã đưa ra một lựa chọn nhà thầu cực kì táo bạo và bất ngờ đó chính là: Huawei, một công ty mới nổi lên ở thị trường nội địa Trung Quốc và một số thị trường đang phát triển khác.

ki-1-tu-vong-kim-co-duoi-chan-ba-manh-van-chu-toi-lenh-cam-cua-my-huawei-dang-so-the-nao

Năm 2009, Huawei vẫn chỉ là một công ty mới nổi lên ở thị trường nội địa Trung Quốc và một số thị trường đang phát triển khác. (Ảnh: FP).

Cùng năm đó Huawei đã nhận được một hợp đồng thậm chí còn lớn hơn và bất ngờ hơn để xây dựng lại hoàn toàn và thay thế tòa bộ mạng di động của Na Uy - vốn trước đó được phát triển bởi hai công ty lớn là Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.

Cuối cùng, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc này đã hoàn thành sớm trước tiến độ và giá rẻ hơn so với hợp đồng ban đầu.

Trước kết quả đó, những người trong ngành công nghiệp không dây dự báo rằng, kỉ nguyên của Huawei và công nghệ Trung Quốc đang đến gần.

Huawei không còn là một công ty đi gia công sản phẩm, thiết bị hoặc đánh cắp sở hữu trí tuệ của các công ty khác như hồi thập niên 90 nữa, nó đã bất ngờ nắm trong tay các công nghệ tiên tiến của riêng mình và lần lượt bỏ xa những gã khổng lồ viễn thông châu Âu khác như Ericsson và Nokia.

Lần đầu tiên mọi người nhận ra rằng, Huawei không còn chỉ là lựa chọn về giá rẻ nữa mà còn có thể cạnh tranh cả về chất lượng - Dexter Thillien, nhà phân tích viễn thông tại Fitch Solutions, cho biết.

Tua nhanh đến hiện tại. Trong vòng chưa đầy một thập kỉ, được cho là một phần nhờ vào các gói viện trợ hàng tỉ USD của Chính phủ Trung Quốc, Huawei đã trở thành công ty thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Năm ngoái, mảng viễn thông của Huawei đã mang về cho công ty này doanh thu 107 tỉ USD từ hơn 170 quốc gia trên thế giới.

Huawei thực sự là gì?

Không có lời giải thích duy nhất nào hợp lí cho thành công bất ngờ của Huawei. Nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: sự bảo hộ và hỗ trợ của Chính phủ, thị trường nội địa rộng lớn,... dẫn tới việc kinh doanh phát triển nhanh chóng. 

Ngoài ra, việc Huawei thành công còn xuất phát từ những bài toán chiến lược kinh doanh thành công cộng với những sai lầm của các đối thủ đến từ phương Tây.

Mặc dù được giới thiệu là một công ty tư nhân, song tập đoàn được thành lập vào năm 1987 lại bởi một cựu chiến binh quân Giải phóng Trung Hoa, ông Nhậm Chính Phi, và khách hàng đầu tiên, đồng thời là khách hàng quan trọng nhất của Huawei cũng chính là quân đội Trung Quốc.

ki-1-tu-vong-kim-co-duoi-chan-ba-manh-van-chu-toi-lenh-cam-cua-my-huawei-dang-so-the-nao

Ông Nhậm Chính Phi - CEO Huawei cũng vẫn phải thừa nhận rằng, những chính sách công nghiệp của Trung Quốc là chìa khóa cho sự phát triển của công ty. (Ảnh: Reuters).

Được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn tài chính là một mấu chốt rất quan trọng trong sự phát triển của Huawei - Matthew Schrader, một nhà phân tích Trung Quốc tại Liên minh Bảo vệ Dân chủ Marshall tại Đức cho biết.

Các nhà điều tra châu Âu đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy Huawei có thể đã nhận khoản tín dụng lên tới 30 tỉ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Công ty này cũng không phải công bố báo cáo tài chính chi tiết như các công ty niêm yết khác.

Điều này đã giúp Huawei chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước mở rộng ra nước ngoài bằng cách hạ giá thành hợp đồng sản phẩm của mình.

tờ FP nhận định

Tất nhiên, Huawei phủ nhận việc nhận viện trợ trực tiếp của Chính phủ. Tuy vậy, ông Nhậm Chính Phi cũng vẫn phải thừa nhận rằng, những chính sách công nghiệp của Trung Quốc là chìa khóa cho sự phát triển của công ty.

Nếu không có những chính sách bảo hộ của Trung Quốc khỏi sự cạnh tranh bởi các công ty nước ngoài, "Huawei khó lòng tồn tại".

Nhậm Chính Phi - CEO Huawei

Dù vai trò của Chính phủ Trung Quốc là gì, thì Huawei rõ ràng là được định hình bời tầm nhìn và tham vọng cá nhân của ông Nhậm Chính Phi.

Sau khi rời quân đội ở tuổi 39 và làm việc cho một công ty nhà nước trong vòng 4 năm, Nhậm Chính Phi đã đảm bảo được khoản vay 8,5 triệu USD từ một Ngân hàng nhà nước và tự mình khởi nghiệp Huawei với 14 nhân viên ban đầu.

Thời gian đầu, Huawei chỉ đơn thuần là một nhà nhập khẩu thiết bị chuyển mạch viễn thông, một công nghệ mạng cơ bản.

Năm 1990, công ty bắt đầu làm việc trên các thiết bị chuyển mạch viễn thông đầu tiên của mình.

Nhưng thay vì hợp tác với một công ty nước ngoài, vốn là thông lệ tiêu chuẩn trong ngành viễn thông Trung Quốc vào thời điểm đó, Nhậm Chính Phi đã đầu tư lớn vào việc nghiên cứu và phát triển để xây dựng sản phẩm của riêng mình.

ki-1-tu-vong-kim-co-duoi-chan-ba-manh-van-chu-toi-lenh-cam-cua-my-huawei-dang-so-the-nao-4

Năm 1990, Huawei bắt đầu làm việc trên các thiết bị chuyển mạch viễn thông đầu tiên của mình. (Ảnh: AFP).

Đầu những năm 1990, Huawei đã có 500 nhân viên nghiên cứu và phát triển, cùng 200 người khác làm việc trong lĩnh vực sản xuất – số liệu được đưa ra bởi nhà phân tích Nathaniel Ahrens.

Đến năm 1993, công ty đã phát hành thiết bị chuyển mạch viễn thông mới do chính mình chế tạo, sản xuất và chọn quân đội làm khách hàng đầu tiên, xây dựng mạng lưới viễn thông riêng. Hợp đồng đó đã mang lại cho Huawei một vai trò quan trọng so với các đối thủ của nó, theo đánh giá của Viện kinh tế Viễn Đông.

Đến năm 1996, dưới sự vận động hành lang của Nhậm Chính Phi, chính phủ Trung Quốc đã thay đổi chính sách công nghiệp để ưu tiên các công ty viễn thông trong nước, tránh các đối thủ nước ngoài.

ki-1-tu-vong-kim-co-duoi-chan-ba-manh-van-chu-toi-lenh-cam-cua-my-huawei-dang-so-the-nao-5

Trong những năm sau đó, một Huawei tự do đã bắt tay vào một chiến dịch phủ sóng lớn chưa từng có, nhằm mở rộng thị trường trong nước, và tập trung vào thị trường nông thôn rộng lớn.

Huawei đã bán phá giá các thiết bị công nghệ của mình để loại bỏ các đối thủ và đôi khi nó còn cung cấp dịch vụ của mình một cách miễn phí.

Tới năm 1998, công ty đã đạt được thị phần bằng với đối thủ chủ chốt như Shanghai Bell – một công ty liên doanh nước ngoài.

Trong suốt quá trình vươn lên thống trị thị trường nội địa, Huawei cũng đã phát triển mạnh trên thị trường quốc tế bằng cách cung cấp các sản phẩm của mình với mức chiết khấu đáng kể so với các đối thủ.

Nhờ tiếp cận được với nguồn nhân lực kĩ thuật có giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây, Huawei có thể đưa ra chính sách khuyến mại lên đến 20% cho khách hàng.

Ngày nay, Huawei kiểm soát 29% thị trường thiết bị viễn thông thế giới. Trong vùng châu Á – Thái Bình Dương, con số này là 43%, tại Mỹ Latin là 34%, theo số liệu cung cấp bới Dell'Oro Group, một công ty nghiên cứu thị trường.