Nam Định dự kiến khởi công cầu Ninh Cường cuối năm 2024, cởi trói nút thắt giao thông cho quốc lộ 37B

Cầu Ninh Cường có chiều dài khoảng 1,65 km, sử dụng nguồn vốn ODA Hàn Quốc, kết nối hai huyện Trực Ninh và huyện Nghĩa Hưng của Nam Định. Dự kiến cuối năm 2024 cây cầu này sẽ được khởi công.

Toàn cảnh vị trí sẽ xây dựng cầu Ninh Cường. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa công bố báo cáo liên quan đến dự án xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên quốc lộ 37B, thuộc địa bàn huyện Trực Ninh và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Quốc lộ 37B là tuyến đường bộ nối 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam, có chiều dài toàn tuyến là 139 km. Tuyến này nối liền mạng lưới giao thông đường bộ giữa ba tỉnh với cảng Diêm Điền, nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình, kết nối các khu du lịch Đồng Châu, cồn Vành, Cồn Đen (Thái Bình), bãi tắm Quất Lâm (Nam Định) và kết nối điểm di tích lịch sử nổi tiếng như Đền Hét (Thái Bình), Phủ Dầy (Nam Định),...

Đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Nam Định có chiều dài 64,7 km từ thị trấn Ngô Đồng huyện Giao Thủy đến cầu Vĩnh Tứ, huyện Ý Yên. Đây là một trong những trục giao thông xương sống của tỉnh Nam Định, đi qua 6 huyện và có vai trò đặc biệt quan trọng tạo thành vành đai kết nối các quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn.

Mặc dù có vai trò quan trọng, song QL37B đang bị gián đoạn tại trí vượt sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy.

Vào tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL37B sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc. Ngày 24/10 vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành văn bản về hướng tuyến và phương án GPMB dự án xây dựng cầu Ninh Cường.

Sau khi hoàn thành, Cầu Ninh Cường sẽ kết nối các khu công nghiệp trong vùng (nhà máy nhiệt điện tại Hải Hậu, cụm công nghiệp Rạng Đông, khu kinh tế Ninh Cơ,…), kết nối mạng lưới giao thông đường bộ ven biển.

Bên cạnh đó, cầu giúp giảm tải xung đột giao thông giữa tuyến QL37B và các phương tiện giao thông thủy lưu thông trên sông Ninh Cơ, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự giao thông trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái và du lịch biển của Nam Định cũng như khu Nam đồng bằng sông Hồng.

 Sơ đồ điểm đầu cầu Ninh Cường. (Ảnh chụp từ báo cáo).

 Sơ đồ điểm cuối dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Cầu Ninh Cường sẽ có chiều dài 1,65 km, cách cầu phao Ninh Cường hiện trạng 80 m về phía hạ lưu. Điểm đầu tuyến nằm tại QL37B thuộc xã Trực Phú, huyện Trực Ninh; điểm cuối tuyến nằm tại QL37B thuộc thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng.

Vị trí dự án được thực hiện trên địa bàn 3 xã/thị trấn: Thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng và Thị trấn Ninh Cường, xã Trực Hùng của tỉnh Nam Định. Tổng diện tích thu hồi phục vụ dự án là 4,8 ha, trong đó có 1,6 ha đất lúa và 0,5 ha đất thổ cư.

Về hiện trạng, cầu phao Ninh Cường hiện hữu đã được đưa vào khai thác gần 20 năm. Cầu phao nằm trên QL37B, vượt sông Ninh Cơ có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Thời gian trong ngày mở cầu phao cho tàu lưu thông qua sông buổi sáng khoảng 9 - 10h và chiều khoảng 15h - 16h. Do đó, quá trình đi lại trên tuyến 37B đoạn qua sông sẽ bị gián đoạn ít nhất 2h/ngày, gây cản trở cho người dân.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của khí hậu vùng giáp biển, kết hợp với mưa bão, mực nước lũ sông hạ lưu thường xuyên lên, xuống nên hai dầm Bailey của cầu phao Ninh Cường đã bị hư hỏng, xuống cấp... tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.  

Cầu phao Ninh Cường hiện nay chỉ dành cho xe máy, xe thô sơ và xe ô tô trọng tải dưới 10 tấn. Tại thời điểm thông cầu phao, ô tô chỉ được đi theo một chiều tuân thủ sự điều tiết giao thông của hai đầu cầu. Vào những ngày lễ lớn, giờ tan tầm thường xuyên xảy ra hiện tượng tắc nghẽn giao thông hai đầu cầu. Các phương tiện tải trọng lớn phải đi về cầu Lạc Quần (QL21) cách khoảng 20 km.

 

Hiện trạng khu vực dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về quy mô, đây là dự án nhóm B, là công trình xây dựng mới, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 3,55 ha, gồm các hạng mục cầu vượt sông, đường vuốt nối và đường gom.

Về hướng tuyến, từ điểm đầu, tuyến tách khỏi QL37B rẽ trái (sau lớp nhà dân), vượt qua sông Ninh Cơ bằng cầu Ninh Cường (cách cầu phao Ninh Cường khoảng 80 m), đi qua cánh đồng lúa (sau lớp nhà dân) và nhập vào QL37B tại điểm cuối.

Đường dẫn phía đầu cầu sẽ có mặt cắt ngang 12 m, trong đó làn xe cơ giới rộng 7 m, lề gia cố rộng 4 m, bề rộng đất 1 m. Mặt cắt ngang đường gom sẽ là 8 m, trong đó làn xe cơ giới rộng 7 m.

Cuối năm 2024 mới có thể khởi công

Về tiến độ dự kiến, cầu Ninh Cường sẽ thực hiện trong giai đoạn quý III/2024 - quý IV/2027. Cụ thể, giai đoạn tháng 1/2024 - tháng 6/2024 sẽ thống kê đền bù GPMB; tháng 5/2024 - tháng 6/2024 rà phá bom mìn, vật liệu nổ; tháng 1 - tháng 2/2024 tuyển chọn nhà thầu xây dựng; tháng 7/2027 - tháng 12/2027 xây dựng công trình và tháng 12/2027 kết thúc xây dựng, bàn giao dự án.

Cách đây vài ngày, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã thông tin về tiến độ của cầu Ninh Cường. Theo đó, cách đây hơn 2 tháng, gần 500 tỷ đồng vốn trung hạn (gồm cả vốn đối ứng và vốn nước ngoài) mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt giao cho dự án.

Hiện nay, việc lựa chọn tư vấn lập dự án đã hoàn tất. Dự kiến, đến khoảng giữa tháng 11 này, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ được trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Sau đó, các thủ tục tiếp theo như Làm việc với nhà tài trợ vốn, lựa chọn tư vấn nước ngoài thiết kế kỹ thuật, đấu thầu xây lắp sẽ được tiến hành. Như vậy, trường hợp thủ tục thuận lợi, đến khoảng cuối năm 2024, dự án mới có thể khởi công, TTXVN đưa tin.

Tổng mức đầu tư của cầu Ninh Cường theo báo cáo vừa công bố là gần 349 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB chiếm hơn 47 tỷ đồng, chi phí xây dựng chiếm 249 tỷ đồng. Còn theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 582 tỷ đồng; trong đó, vốn vay ODA gần 467 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ hơn 115 tỷ đồng.

Mặt cắt ngang của cầu Ninh Cường. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Nam Định sẽ xây dựng 6 cầu vượt sông

Theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, bên cạnh cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ, Nam Định sẽ xây dựng 5 cây cầu lớn vượt sông khác.

Đầu tiên là cầu qua sông Đào, đây là cây cầu dây văng đầu tiên của TP Nam Định, có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, kết nối trực tiếp với tuyến đường trục phía nam TP. Nam Định và nối liên thông với tuyến đường bộ mới TP Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển.

Vào tháng 10/2022, cầu qua sông Đào đã được khởi công. Cầu có chiều dài 1,6 km, nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, dự kiến triển khai thi công trong 22 tháng, hoàn thành và đưa vào khai thác vào 2024.  

Cũng trên sông Đào, hồi tháng 4/2022, Nam Định đã khởi công xây dựng cầu Đống Cao nối liền hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng (thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Cầu Đống Cao có chiều rộng 12 m, chiều dài toàn cầu là 762 m.

Bên cạnh cầu vượt sông Đào, Nam Định đang tăng tốc cho những cây cầu vượt sông khác, gồm cầu vượt sông Đáy và cầu vượt sông Hồng.

Vào tháng 9/2022, HĐND tỉnh Nam Định đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định (thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng). 

Cầu vượt sông Đáy có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 2 km, quy mô 4 làn xe. Trong đó, phần cầu vượt sông có chiều dài khoảng 1,3 km, mặt cắt ngang là 17,5 m. Phần đường dẫn có chiều dài khoảng 0,7 km, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 1.450 tỷ đồng, gồm 1.100 tỷ đồng ngân sách Trung ương và phần còn lại được bố trí từ ngân sách tỉnh Nam Định.

Một cây cầu vượt sông Đáy khác đang được Nam Định triển khai là cầu Bến Mới. Dự án này nằm trên quốc lộ 38B kết nối giữa huyện Ý Yên (Nam Định) với huyện Hoa Lư (Ninh Bình), được khởi công vào tháng 5/2022. 

Cầu dài hơn 3,2 km, chiều dài toàn cầu là 648 m. Tổng giá giá trị hợp đồng dự án là hơn 360 tỷ đồng. Đường dẫn đầu cầu phía tỉnh Nam Định dài khoảng 890 m, phía tỉnh Ninh Bình dài khoảng 1,6 km. Thời gian thực hiện 24 tháng.

Cũng trong năm 2023, dự án cầu vượt sông Hồng kết nối Nam Định và Thái Bình dự kiến sẽ hoàn thành và hợp long. Cầu có tổng chiều dài 1,4 km với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120 m. Tổng vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng. Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định).