Nam Long lỗ ròng 52 tỷ trong quý III, đã nhận trước 4.600 tỷ từ khách mua bất động sản

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Nam Long đạt 827,5 tỷ đồng và lãi ròng đạt 39 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này tương ứng khoảng 12% kế hoạch doanh thu và 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Hoàng Huy tổng hợp BCTC hợp nhất quý III/2024 Nam Long. (Đơn vị tính: tỷ đồng). 

CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2024 với doanh thu thuần tăng nhẹ 4% lên 371 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng tăng 17% lên 242 tỷ đã kéo biên lãi gộp giảm từ 41,96% xuống còn 34,62%.

Trong quý, Nam Long ghi nhận thêm 21 tỷ đồng doanh thu tài chính. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 52 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 66 tỷ đồng. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu Nam Long đạt 827,5 tỷ đồng, giảm 46% và lãi ròng đạt 39 tỷ đồng, giảm 69%. Trong cơ cấu doanh thu 9 tháng, nguồn thu từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự đóng góp khoảng 678 tỷ đồng.

Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 6.657 tỷ đồng và lãi ròng 506 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Nam Long đã thực hiện khoảng 12% kế hoạch doanh thu và 8% mục tiêu lợi nhuận. 

Tài sản tại ngày 30/9 ghi nhận 29.829 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Hàng tồn kho vẫn chiếm phần lớn cơ cấu tài sản với 20.304 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu tại 5 dự án gồm Izumi (8.718 tỷ); Waterpoint giai đoạn 1 (3.741 tỷ); Akari (2.752 tỷ); Waterpoint giai đoạn 2 (2.128 tỷ) và dự án Cần Thơ (2.110 tỷ).

Khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của Nam Long là 1.778 tỷ đồng, giảm 439 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do chuyển nhượng 25% sở hữu tại Paragon Đại Phước.

Ngoài ra, Nam Long có 1.048 tỷ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng với lãi suất 2,1 - 4,4%/năm và 935 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 3 - 12 tháng với lãi suất dao động 4,6 - 4,8%/năm.

Nợ phải trả tại 30/9 là 16.585 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ so với đầu năm. Nợ vay tài chính chiếm khoảng 6.590 tỷ đồng. Tiền trả trước từ các khách hàng mua bất động sản ghi nhận 4.638 tỷ đồng, tăng gần 21%.

Cần thêm 1-2 năm để khôi phục mặt bằng lợi nhuận giai đoạn 2019-2021

Dự án Mizuki Park của Nam Long. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Theo dự báo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), doanh thu năm 2024 của Nam Long có thể đạt 5.138 tỷ và lãi ròng 585 tỷ đồng. Đối với năm 2025, doanh thu dự báo đạt 4.905 tỷ đồng, lãi thuần đạt 656 tỷ đồng.

VCBS cho rằng sẽ cần thêm 1 - 2 năm để Nam Long khôi phục về mặt bằng lợi nhuận và quy mô đầu tư dự án như giai đoạn 2019 - 2021. Về dài hạn, Nam Long có lợi thế là quỹ đất sạch hơn 500 ha và phần lớn đã hoàn thành nộp tiền sử dụng đất; cùng với đó tình hình tài chính lành mạnh và cơ cấu sản phẩm tương đối đa dạng.

Về cơ sở cho dự phóng trên, VCBS đánh giá dòng tiền kinh doanh trong giai đoạn cuối năm của Nam Long sẽ tích cực hơn nhờ việc bàn giao và ghi nhận doanh thu đối với khoảng 1.000 căn hộ Akari City giai đoạn 2 (quận Bình Tân, TP HCM) trong quý IV/2024, ước tính 3.300 tỷ đồng doanh thu.  

Còn với Waterpoint (Long An), phân khu biệt thự - liền kề The Pearl dự kiến sẽ thực hiện bán hàng giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Giá bán được kỳ vọng cải thiện nhờ hạ tầng, tiện tích khi dự án Aeon Mall sắp thi công (dự kiến cuối 2024).

Đối với Central Lake (Cần Thơ), phân khu EhomeS đã thực hiện mở bán từ quý I/2024. Trong nửa cuối năm 2024, Nam Long sẽ bắt đầu kinh doanh các phân khu thấp tầng và đất nền tại dự án sau khi hoàn thành việc xác định và đóng tiền sử dụng đất.

Tại Đồng Nai, Nam Long có hai dự án trọng điểm là Izumi City (170 ha tại Biên Hòa) và Paragon Đại Phước (43 ha tại Nhơn Trạch), giúp tăng trưởng quy mô chu kỳ đầu tư mới của doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCBS đánh giá hai dự án này sẽ cần thêm 1 - 2 năm để bắt đầu đóng góp vào dòng tiền cho Nam Long bởi hai lý do.

Đầu tiên, việc tiếp tục triển khai các dự án phụ thuộc vào tiến độ thông qua quy hoạch điều chỉnh phân khu của tỉnh Đồng Nai và điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án. Hiện doanh nghiệp đang làm việc với các Sở Ban ngành để hoàn thiện pháp lý, tái khởi động dự án trong giai đoạn 2025 - 2026.

Cùng đó, tiến độ bán hàng sẽ phải cân đối với khả năng hấp thụ của thị trường, do các dự án có vị trí khá xa trung tâm TP HCM và nhu cầu đầu tư chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu khách hàng; chưa kể tình trạng thừa cung cục bộ trong khu vực sau giai đoạn phát triển sốt nóng 2020 - 2021.

Sau khi đưa vào kinh doanh, Izumi City và Paragon Đại Phước kỳ vọng sẽ đóng góp hơn 21.000 tỷ đồng dòng tiền bán hàng trong giai đoạn 2025 - 2028 với biên lợi nhuận ở mức tương đối cao, khi các sản phẩm của dự án tập trung ở phân khúc cao cấp, giá bán cao. 

Bên cạnh đó, các dự án đã hoàn thành đền bù và nộp tiền sử dụng đất, do đó có lợi thế lớn về giá thành trong bối cảnh bảng giá đất và mặt bằng đơn giá tiền sử dụng đất có xu hướng tăng mạnh.

Về dài hạn, theo VCBS, thị trường BĐS khu vực quanh hai dự án trên vẫn còn dư địa tăng giá nhờ sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP HCM. Đồng thời, nguồn cung hạn chế và làn sóng tăng giá tại nội thành TP HCM cũng phần nào tác động tích cực đến thị trường khu vực vùng ven.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.