Sở hữu KCN gần 12.000 tỷ, một doanh nghiệp nhóm dầu khí lại liên tục thoát lỗ nhờ dự án chung cư ở quận 7

Quý III, Dầu khí Long Sơn ghi nhận 2 tỷ đồng doanh thu từ việc hợp tác đầu tư dự án chung cư Huỳnh Tấn Phát, nhờ đó doanh nghiệp thoát lỗ trong bối cảnh doanh thu mỏng. Đây cũng là kịch bản đã diễn ra trong nửa đầu 2024 và cả năm 2023 trước đó.

Hoàng Huy tổng hợp BCTC quý III/2024 KCN Dầu khí Long Sơn. (Đơn vị tính: tỷ đồng). 

CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (mã chứng khoán: PXL) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu thuần 1,7 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, toàn bộ đều đến từ cho thuê tài sản. Giá vốn bán hàng đi ngang đã kéo biên lãi gộp giảm từ 79,41% xuống 58,82%.  

Trong quý, PXL ghi nhận 2 tỷ đồng doanh thu tài chính nhờ hợp tác đầu tư vào dự án chung cư Huỳnh Tấn Phát. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng gần như không phát sinh. Kết quả, doanh nghiệp lãi sau thuế 237 triệu đồng. 

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 18% và lãi sau thuế đạt 707 triệu đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.

Năm 2024, Long Sơn đặt kế hoạch tổng doanh thu 22 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,87 tỷ đồng. Sau 3 quý, doanh nghiệp đã thực hiện được lần lượt 34% và 38% mục tiêu cả năm.

Tổng tài sản tại ngày 30/9 của PXL là 875 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Khoảng 44% trong số đó là hàng tồn kho (387 tỷ đồng), phần lớn đều nằm tại dự án chung cư Huỳnh Tấn Phát. 

Chi phí dở dang dài hạn ghi nhận hơn 60 tỷ đồng, nằm tại hai dự án là KĐT mới 65 ha Chí Linh - Cửa Lấp, TP Vũng Tàu và KCN Dầu khí Long Sơn, TP Vũng Tàu. PXL hiện còn một số khoản phải thu từ tiền hợp tác đầu tư dự án Khu dân cư Nam Long, Long An (6,6 tỷ) và Chung cư Nam An, quận Bình Tân (8 tỷ đồng).

Nợ phải trả tại ngày 30/9 cũng không biến động nhiều so với đầu năm, ở mức 50 tỷ đồng, hầu hết là các khoản phải trả ngắn hạn.

Liên tục thoát lỗ nhờ dự án Huỳnh Tấn Phát

Như đã đề cập ở trên, quý III vừa qua PXL có 2 tỷ đồng doanh thu từ việc hợp tác đầu tư dự án chung cư Huỳnh Tấn Phát, nhờ đó thoát lỗ sau thuế trong bối cảnh doanh thu mỏng. Kịch bản tương tự cũng diễn ra ở những quý trước đây.

Cụ thể, hồi quý II doanh thu thuần PXL đạt 2,9 tỷ đồng; doanh thu từ dự án Huỳnh Tấn Phát là 2 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 85 triệu đồng. Còn quý I, doanh thu thuần là 2,9 tỷ đồng; doanh thu dự án Huỳnh Tấn Phát là 2 tỷ đồng; lãi sau thuế 317 triệu đồng.

Còn tính cả năm 2023, doanh thu thuần PXL hơn 12 tỷ đồng; dự án Huỳnh Tấn Phát mang về gần 11,6 tỷ đồng; lãi sau thuế cả năm đạt 532 tỷ đồng.  

Tại ngày 30/9, chi phí dở dang của PXL tại dự án Huỳnh Tấn Phát là 375 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục tường vây, cọc thử, cọc đại trà, đài giăng móng và hai tầng hầm, kết cấu phần thân và hoàn thiện khối căn hộ 28 tầng của dự án. Đến thời điểm hiện tại, PXL đã ghi nhận doanh thu 147 tỷ, giá vốn 145 tỷ và lợi nhuận gần 2 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng các căn hộ thuộc dự án Huỳnh Tấn Phát.

Chung cư Huỳnh Tấn Phát nằm tại quận 7, TP HCM (tên gọi khác là Long Sơn Building) có diện tích 3.395 m2, gồm khối căn hộ 28 tầng (180 căn), khối thương mại 6 tầng và 2 tầng hầm. Tổng mức đầu tư sau thuế là 577 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 129 tỷ đồng. 

Tại dự án này, PXL đóng vai trò là nhà điều hành (nắm 85% vốn); CTCP Tập đoàn Khang Thông là chủ đầu tư (5%) và CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí tham gia (10% vốn).

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, PXL cho biết, dự án được hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao từ tháng 4/2019, công ty đã chuyển nhượng hợp đồng mua bán với 133/180 căn hộ, còn 47 căn hộ chưa có kế hoạch bán tiếp do vướng thủ tục pháp lý, do đó tạm thời đang cho thuê 47 căn hộ với doanh thu khoảng 240 triệu đồng/tháng. Đối với khối thương mại, hiện đã cho thuê 5/6 sàn trung tâm thương mại với giá 688 triệu/tháng.

PXL cũng thông tin thêm, doanh nghiệp đang khởi kiện Khang Thông liên quan đến nghĩa vụ đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án, làm cơ sở cấp sổ cho 180 căn hộ.

Cụ thể, nghĩa vụ này thuộc về Khang Thông, song Khang Thông đưa ra lý do gặp khó khăn tài chính, không có khả năng đóng thuế... nên không hợp tác giải quyết vướng mắc. Vào tháng 8/2023, hồ sơ vụ án đã được chuyển sang TAND huyện Bến Lức, Long An (nơi Khang Thông đặt trụ sở), hiện Long Sơn đang tiến hành bổ sung tài liệu cho vụ kiện.

Ban đầu kế hoạch đầu tư dự án này là 3 năm, song đến nay đã kéo dài 14 năm dẫn đến tăng chi phí xây dựng, chi phí vốn, sản phẩm tồn động chưa tiệu thụ hết. Bên cạnh đó tình hình cho thuê trung tâm thương mại cũng khó khăn do thị trường không thuận lợi, hiện có 900 m2 sàn đã bỏ trống 5 tháng chưa tìm được khách thuê.

Kế hoạch năm 2024 của PXL là tập trung giải quyết vụ kiện với Khang Thông để xin ra sổ cho cư dân. Đồng thời, ưu tiên bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ sở hữu tại dự án này để thu hồi vốn đầu tư ngay khi đủ điều kiện pháp lý.

Chung cư Huỳnh Tấn Phát. (Ảnh: PLX).

Đang sa lầy tại khu công nghiệp gần 12.000 tỷ đồng

PXL cũng được biết đến là chủ đầu tư của KCN Dầu khí Long Sơn có quy mô 850 ha, nằm tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu. Tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 (tạm tính) là 11.759 tỷ đồng. Dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, triển khai và hoàn thành một số công việc cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Theo PXL, trong khu công nghiệp này có một hạng mục chính là Nhà máy Lọc dầu số 3, vào năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã duyệt điều chỉnh thời gian xem xét đầu tư Nhà máy Lọc dầu số 3 qua giai đoạn sau 2023. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dự án chưa thể triển khai.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý loại Nhà máy Lọc Dầu số 3 khỏi quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2035. Ngày sau khi có chủ trương này, Long Sơn đã nghiên cứu, làm việc với Bà Rịa - Vũng Tàu để điều chỉnh tính chất, chức năng của KCN Dầu khí Long Sơn.

Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu của KCN Dầu khí Long Sơn không thay đổi so với ban đầu và chỉ xem xét thay đổi ngành nghề thu hút đầu tư, sẽ được xác định tại bước điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, cổ đông PXL đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 827 tỷ lên 1.761 tỷ đồng để đảm bảo năng lực tài chính và vốn đầu tư KCN Dầu khí Long Sơn.

Hiện nay, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định KCN Dầu khí Long Sơn là dự án trọng điểm giai đoạn 2024 - 2030, là cơ sở để triển khai dự án.

PXL cho biết thời gian tới sẽ tập trung làm việc để điều chỉnh dự án. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian do thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, cần nhiều Bộ ngành trung ương góp ý. 

Đối với KCN Dầu khí Long Sơn, năm 2024, Long Sơn sẽ tập trung lập quy hoạch phân khu 1/2000; đo vẽ bản đồ địa chính và khái toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng; lập dự án đầu tư điều chỉnh; báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); rà phá bom mìn; ký quỹ đầu tư; triển khai giải phóng, san lấp mặt bằng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

PXL tiền thân là CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí - IDICO Long Sơn được thành lập vào năm 2007. Hiện doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 827 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng công ty IDICO; CTCP Hạ tầng Gelex và Tổng CTCP Dịch vụ Dầu khí (PTSC).

Bên cạnh KCN Dầu khí Long Sơn và Long Sơn Building, PXL đang đầu tư một số dự án bất động sản khác như Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một (30,6 ha, 465 tỷ đồng) và Khách sạn Dầu khí Kinh Bắc tại TP Bắc Ninh (302 tỷ đồng).

Hiện PLX đang tập trung đẩy nhanh pháp lý KCN Dầu khí Long Sơn và giải quyết các tranh chấp tại các dự án Huỳnh Tấn Phát, Kinh Bắc, Tương Bình Hiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang nghiên cứu đầu tư một KCN/NOXH/khu đô thị theo hình thức tham gia góp vốn/thành lập doanh nghiệp dự án.