Trưa 23/8, gia đình chị Hoàng Thị T. (40 tuổi, ngụ xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) nặng trĩu u buồn bên mâm cơm. Đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, người phụ nữ làm nghề buôn bán thẫn thờ nhìn qua ô cửa sổ xa xăm.
Chị bảo, từ ngày bà Hoàng Thị K. (57 tuổi, ngụ cùng xã) tuyên bố vỡ nợ đến nay, chị và người thân suy sụp, ăn không ngon bữa, ngủ chẳng trọn giấc.
Trước tình thế này, chị T. cũng như nhiều gia đình ở xã Tam Đa gửi đơn tố bà K. vay khoản tiền lớn rồi tuyên bố không có khả năng trả nợ.
Theo chị T., khoảng 2 tháng trước, bà K. đến tỷ tê trò chuyện, hỏi vay hơn 3 tỷ đồng để rút sổ từ ngân hàng. Người vay hứa sẽ hoàn trả trong vòng ít ngày.
"Nghĩ bà là người cùng thôn Phấn Động, trước nay lại chưa có điều tiếng gì nên tôi đã cho bà K. vay hơn 3 tỷ đồng, chia làm hai lần", chị T. kể và cho biết, các giao dịch vay tiền đều được bà K. viết giấy, ký xác nhận.
Giấy biên nhận vay tiền có chữ ký của bà K. Ảnh: Hoàng Lam.
Về số tiền lớn đem cho vay, chị T. thổ lộ đây là khoản tiết kiệm sau nhiều năm vất vả lao động tích góp của hai vợ chồng, cộng với tiền góp vốn làm ăn của một số người thân trong gia đình.
Người phụ nữ chia sẻ, ở địa phương, bà K. là người tử tế. Trước đây, hai bên đã từng có giao dịch vay tiền qua lại. Do đó, chị tin tưởng.
Theo lời kể, lúc vay tiền, bà K. hứa hoàn trả sau 5 ngày. Tuy nhiên, khi chị T. đến hỏi, người phụ nữ khất với lý do sổ sách cần thêm thời gian thẩm định.
"Tôi không biết bà K. lừa mình, chỉ có điều người này nhiều lần xin khất việc trả tiền. Đến nay, công an đã gặp tôi để làm việc", một trong các nạn nhân vụ vỡ nợ cho hay.
Đầu tháng 8, sau khi nghe bà K. tuyên bố vỡ nợ, chị T. và người thân bàng hoàng. Người phụ nữ tỏ rõ sự lo lắng và chia sẻ số tiền hơn 3 tỷ đồng quá lớn, lại còn là khoản góp vốn của nhiều người thân.
Sống cách căn nhà của bà K. khoảng 200 m, bà Trần Thị S. (53 tuổi) cũng nằm trong danh sách là một trong những người cho vay tiền.
Đầu 2018, người này đưa cho bà hàng xóm hơn 600 triệu đồng với thỏa thuận hưởng tiền lãi hàng tháng. Theo bà S, đó là khoản tiền họ chuẩn bị sửa lại ngôi nhà hai tầng đã xây cất từ lâu.
Theo bà S., các giao dịch vay tiền được ghi vào sổ và giấy biên nhận. Ảnh: Hoàng Lam.
Bà S. cho hay, lúc vay tiền, bà K. thường thỏa thuận khoản lãi 20-30 %. Nhiều năm trước, người này từng mượn tiền nhưng hoàn trả sòng phẳng.
"Trước đây, tôi chỉ cho vay vài chục triệu đồng. Sau này, có lòng tin nên cho vay nhiều hơn, bởi bà K. cũng là người đứng đắn", bà S. tâm sự.
Nhớ lại thời điểm bà K. tuyên bố vỡ nợ, người phụ nữ 53 tuổi bảo bà rụng rời. Ông Hoàng Văn M. (chồng bà S.) chia sẻ, họ phải nuôi 4 con học đại học. Khoản tiền hàng trăm triệu cho vay ông không biết lúc nào mới đòi lại được.
"Chúng tôi chỉ biết chờ đợi", bà S. nói và cho biết, gia đình mong cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc.
Theo ghi nhận, nhiều người trực tiếp thỏa thuận cho vay tiền với bà K. đều là phụ nữ ở xã Tam Đa. Ông Nguyễn Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã, cho biết sau khi sự việc xảy ra, hơn 30 người đã trình báo về việc cho vay.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng nhận định có hàng trăm hộ đã cho vay một lượng tiền mặt rất lớn. Công an huyện Yên Phong đang thu thập thông tin để điều tra.
Dân điêu đứng sau khi hay tin chủ công ty nông sản ôm tiền đi “biệt tích”
Sau khi mượn số tiền lớn của người dân, vợ chồng bà H. rời khỏi nhà đi biệt tích khiến nhiều người dân điêu đứng ... |
PVN lo Lọc dầu Nghi Sơn vỡ nợ
Nếu PVN không hoàn thành thủ tục góp vốn, các bên cho vay sẽ không giải ngân và dự án Lọc dầu Nghi Sơn nguy ... |