Có thể nhiều người sẽ thấy bất ngờ nhưng hầu hết chúng ta đều biết rằng, "cái gì quá cũng sẽ không tốt". Ngay cả với việc tập luyện cũng vậy. Mặc dù việc vận động mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng bạn nên biết rằng sự khác nhau giữa hoạt động thể thao và tập nặng 7 ngày mỗi tuần rất lớn. Vì vậy, việc nhận biết những dấu hiệu khi cơ thể "đòi" nghỉ ngơi là cần thiết, nhất là để bảo vệ sức khỏe của mình.
Khi xây dựng lịch tập cho mình, bạn nên bố trí ngày nghỉ bởi điều quan trọng là phải để cho cơ thể và tinh thầ nghỉ ngơi và hồi phục, cho dù đó chỉ là một ngày trong tuần hoặc một khoảng thời gian không quá dài để tập trung vào sức khỏe của bản thân.
Nhưng nếu như bạn là người có nguồn năng lượng dồi dào và luôn cảm thấy hào hứng và có nhiều động lực trong việc tập luyện, rất khó để bạn xác định được khi nào mình cần nghỉ ngơi. Dưới đây là một số dấu hiệu được các chuyên gia đưa ra.
Bạn bắt đầu cảm thấy tập luyện trở thành việc bắt buộc
Cảm giác mệt mỏi khi tập luyện sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả của bạn. (Ảnh: Westend61 / Getty)
Nếu bạn cảm thấy việc tập gym không còn mang lại cảm giác thoải mái hay gây hứng thú như trước, trái lại, nó khiến bạn cảm thấy giống như nghĩa vụ, thì đây chính là "đèn đỏ" báo động rằng bạn cần nghỉ ngơi, thư giãn và sắp xếp lại lịch tập cho các hoạt động thể lực.
Nếu bạn không phải là một người yêu thích chạy bộ, hãy bỏ qua máy chạy. Còn nếu bạn cảm thấy việc nâng tạ khiến mình hụt hơi, thở dốc thì không nên sử dụng tạ.
Một số người cho rằng, khi họ cảm thấy việc tập luyện chỉ là chuyện vặt vãnh, đó là lúc cần phải thay đổi thói quen, cách thức tập luyện và cả mục đích cuối cùng.
Không chỉ mệt về tinh thần, bạn còn mỏi vì thể lực
Một nguyên tắc mà các chuyên gia gợi ý với những người tập gym, đó là nếu bạn tập một ngày "căng" với những bài tập nặng, bạn cần cho cơ thể nghỉ ngơi. Sau một buổi tập hết mình, cơ thể cũng cần hồi phục. Đây là sự khác biệt giữa mệt mỏi và lười biếng. Bạn không cần phải chứng minh mình chăm chỉ và siêng năng bằng cách luyện tập không ngừng nghỉ. Điều này chỉ gây hại đến sức khỏe của bạn.
Tâm trạng hưng phấn trong lúc tập luyện cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu cơ thể đã "lên tiếng" mà bạn vẫn cố thì có thể sẽ gây ra hiện tượng "phá sức".
Theo dõi nhịp tim
Thường xuyên theo dõi nhịp tim trong mỗi buổi tập. (Ảnh: Independent.co.uk)
Nhịp tim tăng nhanh bất chợt hoặc giảm đột ngột cho thấy có điều gì đó không ổn đang diễn ra bên trong cơ thể của bạn. Tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh. Đặc biệt, những bài tập Cardio thường có tác động lớn đến hệ tim mạch, sau đó là một vài cơn đau, nhức ở các vùng cơ.
Vì vậy, bạn nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe tim mạch của mình, tránh để cơ thể rơi vào tình trạng tập luyện quá sức.
Những cơn đau khớp
Một trong số những lỗi dân tập luyện hay mắc phải là chỉ tập trung vào số lượng, thời lượng buổi tập thay vì quan tâm đến chất lượng của bài tập.
Sau một đêm không ngủ, hãy thử hình dung về những gì bạn phải trải qua ở phòng tập. Bộ não cạn kiệt khiến cơ thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động trong suốt cả ngày. Khi cơ thể mệt mỏi do tập luyện quá sức, nó sẽ phát ra những tín hiệu "phản đối", nhất là ở các khớp. Đau đầu gối, trật khớp vai… là một số chấn thương cho thấy cơ thể bạn đang làm việc quá sức.
Tập đúng tư thế và điều độ sẽ giúp bạn đạt hiệu quả cao trong quá trình tập luyện, đồng thời phòng tránh những chấn thương có thể xảy ra.