Nguồn chip dự trữ sắp hết trong vài tháng tới, Huawei sẽ sụp đổ?

Nhân viên Huawei cho biết nguồn chip, linh kiện dự trữ trong kho sẽ hết trong một vài tháng nữa. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang loay hoay tìm cách tồn tại trước những sức ép dồn dập đến từ Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng rất nhiều biện pháp để chống lại Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei. Đòn đánh mới nhất đến từ Nhà Trắng có nguy cơ khiến các hoạt động của Huawei bị tê liệt.

Trụ sở Huawei tại phía Nam Trung Quốc trong nhiều ngày nay bị đặt trong tình trạng khẩn cấp. Nhân viên tại đây cho biết nguồn chip dự trữ cần thiết cho các thiết bị viễn thông sẽ cạn kiệt trong một vài tháng tới.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các doanh nghiệp có sử dụng công nghệ Mỹ bán chip cho Huawei, một đòn hiểm đánh vào trung tâm sản xuất chất bán dẫn và khát vọng đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dịch vụ di động của Huawei.

Giữa những cuộc họp bất thường, các Giám đốc điều hành Huawei đã rỉ tai nhau về tình trạng khẩn cấp của công ty, sau những hạn chế mới nhất.

Cho đến nay, Huawei đã thất bại trong việc đưa ra một giải pháp toàn diện, để chống lại các lệnh cấm từ Mỹ.

"Mặc dù Huawei có thể mua chip di động từ một bên thứ ba, như Samsung hoặc MediaTek, tuy nhiên nhu cầu quá lớn khiến hai nhà sản xuất này cũng không thể đáp ứng nổi", nguồn tin thân cận với vấn đề cho hay.

Nguồn chip dự trữ cạn kiệt, đế chế Huawei sẽ sụp đổ trong một sớm một chiều? - Ảnh 1.

Huawei đang lao đao tìm cách duy trì sự sống khi nguồn cung chip cạn kiệt. (Ảnh: Tech News).

Chính quyền Washington chứng kiến sự thất bại trong việc kìm hãm đà tăng trưởng của Huawei, sau một năm đưa tập đoàn này vào danh sách đen về thương mại, đã tung ra chiêu cuối cùng chặn đứng tham vọng của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Những hạn chế mới nhất là đỉnh điểm của cuộc tấn công phối hợp chống lại công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc được bắt đầu từ nhiều năm trước.

Nhà Trắng cố gắng cắt đứt dòng chảy của phần mềm, linh kiện điện tử đến từ Mỹ. Thậm chí, họ còn vận động các đồng minh từ Anh, Australia từ bỏ các thiết bị mạng Huawei. Đồng thời thuyết phục cảnh sát Canada bắt giữ con gái của người sáng lập, Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi.

Cuộc tấn công mới nhất nhằm vào HiSilicon, đơn vị bí mật được Huawei thành lập cách đây 16 năm, để thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực tiên tiến như chip AI.

Những năm gần đây, HiSilicon nổi lên như một kẻ ngáng đường các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, như Qualcomm và cung cấp nhiều sản phẩm chất lượng cao, gồm vi xử lí cho điện thoại thông minh, Ascend cho AI và Kunpeng cho may chủ.

Tuy nhiên, đáng buồn cho HiSilicon đó là mọi nhà sản xuất chip trên hành tinh, từ công ty Đài Loan đến công ty đại lục đều cần sử dụng công nghệ, máy móc đến từ Mỹ để chế tạo chipset.

Nếu Washington ra lệnh cấm toàn diện, Huawei sẽ không thể đưa bất kì một sản phẩm tiên tiến nào mà họ thiết kế được vào thế giới thực. Những sản phẩm đó bao gồm bộ xử lí di động riêng, chip tần số vô tuyến cho các trạm gốc 5G,…

"Lệnh cấm mới tập trung vào đơn vị sản xuất chip HiSilicon của Huawei. Đây là một mối đe doạ lớn nhất đối với Mỹ", nhà phân tích Edison Lee cho biết hồi cuối tháng Năm. "Nó có thể phá huỷ HiSilicon, và sau đó là kết thúc sự tồn tại của Huawei".

Nguồn chip dự trữ cạn kiệt, đế chế Huawei sẽ sụp đổ trong một sớm một chiều? - Ảnh 2.

Không có chip, công nghệ của Huawei chỉ là những thiết kế nằm trên giấy. (Ảnh: Bloomberg).

Khung cảnh hiện tại ở trụ sở chính của Huawei ảm đạm như những gì đã xảy ra từ một năm trước, khi các doanh nghiệp công nghệ Mỹ lo sợ trước sự nổi lên của ông lớn Trung Quốc, nên đã vận động hành lang để Nhà Trắng đưa nó vào danh sách thực thể.

Những tác động mới nhất có thể nhìn thấy được là lệnh cấm làm gián đoạn nghiêm trọng việc sản xuất một số thiết bị cốt lõi của Huawei. Đơn cử như chip Kirin trang bị trong các mẫu máy smartphone, chipset 5G, chip xử lí máy học AI cho các dịch vụ đám mây và máy chủ,…

Trong tháng 2/2020, Huawei đã giới thiệu các chip ăng ten thế hệ mới đặt trên các trạm gốc 5G cho hiệu suất cao. Tuy nhiên, họ sẽ không thể tiếp tục sản xuất những thiết bị này khi nguồn chip trong kho đã cạn kiệt.

Huawei chính là linh hồn của Sáng kiến cơ sở hạ tầng mới trị giá 1,4 nghìn tỉ USD của Trung Quốc, nhằm đi đầu trong cuộc đua 5G. Tuy nhiên, đến bây giờ ngay chính Huawei cũng không chắc chắn được rằng bản thân có đủ năng lực để hoàn thành hơn 90 hợp đồng cơ sở hạ tầng 5G mà họ giành được hay không, chứ chưa nói có thể vươn lên dẫn đầu thế giới.

Trong cuộc họp nội bộ, các Giám đốc điều hành Huawei vẫn hi vọng tìm thấy một ánh sáng le lói cuối đường hầm, mặc dù họ vẫn lẩm nhẩm câu thần chú của một năm trước: Làm mà không có công nghệ Mỹ là điều không thể.

Tuy vậy, an ủi lớn nhất của Huawei cho đến lúc này đó là họ vẫn còn thời gian. Theo nguồn tin thân cận, nguồn chip dự trữ có thể giúp ông lớn Trung Quốc duy trì sự sống từ 12 đến 18 tháng tiếp theo.

"Tin tốt là chúng tôi vẫn còn thời gian", một quản lí trong chuỗi cung ứng Huawei nói. "Thiết kế kiến trúc chip mới sẽ mất nhiều thời gian, nhưng không phải là điều không thể làm được".

Tag:
chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.