Nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm mất tất cả trong 40 ngày vì Covid-19

"Tôi đầu tư chứng khoán trong 40 năm và vượt qua 4 cú sụp đổ của thị trường, nhưng virus khiến tài sản của tôi bốc hơi trong 40 ngày", nhà đầu tư James B. Stewart viết.

Trên New York Times, nhà đầu tư James B. Stewart, giáo sư báo chí kinh doanh tại Đại học Columbia, kể về trải nghiệm chưa từng có trong 40 năm đầu tư chứng khoán vì dịch Covid-19.

"Sáng thứ năm 19/3, 4 tuần sau khi virus corona chủng mới bắt đầu lây lan tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 700 điểm ngay sau khi thị trường mở cửa. Nó đã lao dốc xuống dưới mốc 20.000 từ phiên trước đó. Trong vòng một tháng, Dow giảm kỉ lục 30%, thậm chí còn tồi tệ hơn hồi Đại khủng hoảng.

Mức giảm thật khủng khiếp. Tuy nhiên, dựa theo những quy tắc đã tích lũy sau hàng thập kỷ đầu tư, tôi biết đây là thời điểm để mua vào cổ phiếu. Nhưng khi đăng nhập vào tài khoản môi giới của mình, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là giá trị hiện tại của danh mục đầu tư.

Bị cô lập trong một trang trại ở vùng nông thôn New York, đã nhiều ngày tôi không nhìn vào tài khoản. Giờ, tôi cũng chẳng buồn nhìn vào nó nữa. Thay vào đó, tôi quyết định xem dự báo thời tiết và kiểm tra hòm thư. Tôi không làm được gì suốt một giờ sau đó.

Nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm mất tất cả trong 40 ngày vì Covid-19 - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Mỹ lao đao hồi giữa tháng 3. (Ảnh: AP).

Nguyên tắc vàng

Đầu óc tôi hoàn toàn tê liệt. Tôi đã đầu tư cổ phiếu suốt gần 40 năm qua. Tôi vượt qua, sống sót và thậm chí giàu có lên sau 4 cú sốc thị trường. Đáng lẽ tôi đã được chuẩn bị cẩn thận.

Tuy nhiên, nhìn lại một vài tuần qua, tôi thấy mình vi phạm hầu hết nguyên tắc đã được kiểm chứng theo thời gian. Bị mắc kẹt giữa tâm lí lạc quan và tuyệt vọng trước hàng loạt tin tức xấu và cuộc sống thường nhật bị đảo lộn, tôi để cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định của mình. Sáng nay, tôi lại làm điều đó một lần nữa.

Mùa hè năm 1982, lần đầu tiên tôi mua một quỹ tương hỗ sau khi tiết kiệm đủ tiền. Cha tôi, một nhà quản lí bán hàng cho các chi nhánh địa phương của NBC, có niềm tin mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán. Ông truyền niềm tin ấy cho tôi.

Hóa ra năm 1982 là một năm tuyệt vời để mua vào. Thị trường tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm trời. Tôi thích tìm kiếm quỹ tương hỗ của mình trên các bản tin chứng khoán. Trong 5 năm tiếp theo, thị trường tăng 300%.

Ngày 19/10/1987, tôi đến thăm anh trai tôi ở Pháp. Khi rời khỏi khách sạn, tôi nhận thấy các trang nhất trên sạp báo đều đưa tin Dow giảm “23”. Tôi thắc mắc vì sao thị trường Mỹ lại xuất hiện trên trang nhất tại Pháp. Tôi nhìn kĩ hơn và nhận ra biểu tượng “%” đứng sau số 23.

Nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm mất tất cả trong 40 ngày vì Covid-19 - Ảnh 2.

Năm 1987, chỉ số Dow giảm 508 điểm chỉ trong một ngày. (Ảnh: Getty Images.

Chỉ trong một ngày, chỉ số Dow giảm 508 điểm. Đó là ngày tồi tệ nhất đối với thị trường chứng khoán khi đó. Tôi nhận thấy mình phải bán ra để cứu vãn khoản tiết kiệm ít ỏi. Nhưng tôi đang ở quá xa và không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục giữ.

Khi trở lại Mỹ, thị trường dường như đã ổn định. Nhưng biến động sớm quay trở lại. Trong một lần sụt giảm, tôi hoảng loạn và bán toàn bộ quỹ của mình.

Đến tháng 9/1989, thị trường đã phục hồi hoàn toàn. Tôi chờ đợi trong vô vọng, tìm kiếm thời điểm thích hợp để trở lại. Khi đó, tôi thề sẽ không bao giờ giao dịch trong lúc hoảng loạn. Tôi đã đưa ra một nguyên tắc. Đó là không bao giờ bán vào ngày giá xuống và không bao giờ mua vào ngày giá lên.

Giàu lên sau cú sốc

Nguyên tắc đó giúp tôi thành công khi thị trường tăng trưởng kỉ lục trong thập kỉ tiếp theo nhờ sự bùng nổ công nghệ. Ngay cả khi bong bóng công nghệ vỡ vào đầu năm 2000, tôi vẫn tuân thủ theo nguyên tắc và không bán.

Khi thị trường giá xuống 2 năm liên tiếp, tôi đã tinh chỉnh được chiến lược của mình. Theo đó, tôi sẽ mua vào mỗi lần thị trường giảm 10% so với mức cao trước đó và mua thêm sau mỗi lần giảm 10% tiếp theo. Như vậy tôi sẽ không bao giờ mua giá đỉnh của chu kì.

Chiến lược của tôi là biến thể của phương pháp tái cân bằng danh mục đầu tư phổ biến hiện nay (bán một số loạt tài sản và mua các loại khác để duy trì phân bổ ổn định).

Tôi đã sử dụng chiến lược này hồi khủng hoảng tài chính năm 2008. Tháng 10 năm đó, thị trường lao dốc, các nhà đầu tư khác tự hào rằng họ đã đoán trước và kịp bán ra, riêng tôi mua vào.

Thị trường giảm 10% đến 5 lần và tôi có nhiều cơ hội để mua vào. Thực tế, việc mua vào ở lần giảm 10% đầu tiên là khá ngớ ngẩn, vì thị trường còn giảm thêm 40% nữa. Nhưng tôi vẫn có lợi nhuận từ lần mua vào đầu tiên này vì thị trường bật tăng kỉ lục sau đó.

Nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm mất tất cả trong 40 ngày vì Covid-19 - Ảnh 3.

Vẻ lo lắng của một chuyên viên giao dịch trên Sàn chứng khoán New York ngày 15/9/2008. (Ảnh: Getty Images).

Năm 2009, tôi cũng không phải lo lắng về việc quay trở lại thị trường nữa. Bởi vì tôi vẫn ở đó.

Kể từ năm đó, chỉ có 5 lần thị trường điều chỉnh 10% và mỗi lần đều là một cơ hội mua cho tôi. Lần điều chỉnh cuối cùng diễn ra vào năm 2008. Tôi tự hỏi đến bao giờ mới có một cơ hội như vậy và ngày càng mất kiên nhẫn.

Ngày 19/2, S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỉ lục. Không ai có thể nghĩ đến một thị trường giá xuống hoặc cuộc suy thoái sắp xảy ra với nước Mỹ, ngay cả khi cổ phiếu cao kỉ lục và virus lạ có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) bắt đầu lan rộng.

Cho đến một tuần sau đó, cổ phiếu sụt giảm. Ngày 25/2, S&P giảm 7,6% so với đỉnh.

Không mấy bận tâm đến dịch virus

Từ góc độ tài chính, tôi không lo lắng về dịch virus mới. Tỉ lệ nhiễm bệnh đã chậm lại ở Trung Quốc. Ở Mỹ chỉ có một vài trường hợp, hầu hết trong một viện dưỡng lão của Washington.

Tất cả đều nói rằng chúng tôi có một hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn, chất lượng không khí tốt hơn và phương tiện hiệu quả hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch virus so với Trung Quốc.

Là một nhà đầu tư, tôi đã sống qua dịch virus SARS, MERS và Ebola, chúng đều không có tác động rõ rệt với chứng khoán Mỹ. Ngay cả đại dịch AIDS cũng ít ảnh hưởng rộng đến nền kinh tế và thị trường đang bùng nổ.

Vậy nên tôi đã mua một cổ phiếu vào ngày 25/2. Sự lạc quan đã lấn át quy tắc chỉ mua khi thị trường điều chỉnh của tôi. Tuy nhiên, cổ phiếu giảm thêm một chút vào ngày hôm sau, S&P giảm gần 5% ngày 27/2. Sau đó, thị trường chính thức điều chỉnh với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay: giảm 12% so với mức cao nhất tuần trước.

Dịch virus corona lan rộng toàn cầu, bao gồm cả Mỹ. Tôi nhận ra đáng lẽ mình nên chờ đợi. Tôi cảm thấy ngu ngốc và hối hận vì vi phạm quy tắc. Tôi thề sẽ không bao giờ làm điều đó nữa.

Nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm mất tất cả trong 40 ngày vì Covid-19 - Ảnh 4.

Đường phố Milan (Italy) hoang lạnh vì dịch virus corona chủng mới. (Ảnh: New York Times).

Nhưng đến ngày thứ hai, S&P tăng vọt 5% bởi tin đồn Cục Dự trữ Liên bang (FED) sắp cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đà tăng không kéo dài. Cuối tuần, S&P xóa sạch mức tăng hôm thứ hai.

Đến giờ thì tôi đã lo lắng, nhưng tôi không phải chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Tôi cho rằng cổ phiếu đã bị định giá rủi ro. Những gì tôi biết là thị trường đi vào điều chỉnh sâu và cần mua thêm.

Tôi có thể mua vào sớm hơn nhưng giờ tôi phải tuân theo đúng quy tắc. Lúc đó, tôi thấy tốt vì mình có thể chộp lấy một cơ hội, nhưng cảm giác đó không kéo dài bao lâu.

Mối đe dọa đến gần

Cuối tuần đầu tiên của tháng 3, các trang báo đồng loạt đưa tin về sự lây lan khủng khiếp ở Italy. Mối đe dọa tưởng chừng xa xôi đang tiến đến rất gần.

Mọi thứ dường như vẫn chưa đủ tồi tệ, Nga và Saudi Arabia quyết định lao vào cuộc chiến giá dầu khiến giá dầu giảm mạnh. Tôi đã dự đoán đó sẽ là một ngày thứ hai tồi tệ, nhưng thực tế còn thảm hại hơn những gì tôi hình dung. Hôm đó, S&P đóng cửa với mức giảm 7%, lớn nhất kể từ “thứ hai đen tối” năm 1987.

Tôi lấy hết can đảm mở lại tài khoản môi giới và bị sốc. Quỹ chỉ số chứng khoán quốc tế của tôi giảm 20% so với mức đỉnh hồi tháng 2, quỹ thị trường mới nổi mất 25% giá trị.

Tôi nghĩ lại trải nghiệm của mình ở Strasbourg 33 năm trước và tự nhắc nhở bản thân rằng biến động chỉ là ngắn hạn, quỹ đạo dài hạn của thị trường luôn luôn đi lên. Vì vậy, đây là thời điểm để mua vào.

Ngày 12/3, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm hầu hết chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu, còn các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu đóng cửa, cuộc tàn sát trên thị trường chứng khoán thậm chí còn khủng khiếp hơn hôm thứ Hai. S&P giảm 10%, thấp hơn 27% so với mức đỉnh vài tuần trước đó.

Nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm mất tất cả trong 40 ngày vì Covid-19 - Ảnh 5.

Khu vực Quảng trường Thời đại ở New York gần như trống rỗng hôm 15/3. (Ảnh: AP).

Theo quy tắc của riêng tôi, đó là thời điểm để mua. Lúc đó, tôi đã lo lắng về sự lây lan của bệnh dịch và nghĩ đến chuyện tự cô lập. Tuy nhiên, tôi không để ý đến thị trường chứng khoán và giá trị tài sản của mình đang sụt giảm nhanh chóng.

Hai người bạn của tôi nói rằng họ bị nhiễm virus. Tôi nhận ra mình không thể tiếp tục ngồi yên tại chỗ. Tôi quyết định mua một lần nữa. Tuy nhiên, thị trường trở nên biến động hơn bất cứ thời điểm nào tôi từng chứng kiến. S&P ghi nhận 7 ngày giảm liên tục từ 4% trở lên.

Thứ sáu ngày 13/3, thị trường chứng khoán tăng điểm vào cuối phiên sau khi ông Trump hứa sẽ có các biện pháp mới để ngăn chặn dịch bệnh và thúc đẩy nền kinh tế. Tôi vẫn không làm gì cả.

Hôm thứ hai, thị trường lại sụp đổ, xóa sạch mọi mức tăng hôm thứ sáu. Chỉ số Dow giảm xuống dưới mốc 20.000 lần đầu tiên sau 3 năm. Thị trường giảm 30%. Đó là thời điểm để tôi mua vào, nhưng tôi không làm điều đó.

Không còn cảm giác phấn chấn

Ngày hôm sau, thị trường lại bật tăng. Tôi bị cám dỗ và lo mình bỏ lỡ cơ hội bắt đáy. Nhưng cơ hội mua ở mức giảm 30% so với đỉnh gần nhất không còn, tôi tự nhắc lại quy tắc không mua trong ngày tăng.

Ngày hôm sau, truyền thông đưa tin số ca nhiễm mới đã giảm xuống ở Trung Quốc. Dù vậy, thị trường vẫn lao dốc, một lần nữa kích hoạt mục tiêu mua tại mốc 30% của tôi. Lần này, tôi quyết tâm hành động.

Tôi sẽ không nói rằng tôi cảm thấy hưng phấn, nhưng tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều so với những tuần trước, ít nhất là về tài chính cá nhân. Tôi đã dùng hết can đảm để đối diện với sự thật tuy nghiệt ngã và hành động theo một kế hoạch.

Sự tự tin mới mẻ này vẫn kéo dài qua ngày giảm tiếp theo. Tuần này, tôi kể lại cuộc đấu tranh tư tưởng của tôi với Frank Murtha, một lãnh đạo tại công ty tư vấn MarketPysch kiêm chuyên gia về tài chính hành vi. Ông nói không có gì là bất thường, ngay cả đối với những nhà đầu tư dày dạn.

“Sẽ rất đau đớn khi thấy mình mất tiền. Nó không chỉ là việc bạn nghèo hơn, bạn còn cảm thấy xấu hổ và dại dột như thể bạn làm hỏng chuyện. Một trong những điều khó khăn nhất là tách tiền ra khỏi bản ngã của bạn”, ông Murtha nói.

Nhà đầu tư 40 năm kinh nghiệm mất tất cả trong 40 ngày vì Covid-19 - Ảnh 6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kí thông qua gói cứu trợ 2.000 tỉ USD hôm 28/3. (Ảnh: AP).

“Không có gì làm giảm lo lắng hơn là hành động. Bạn có thể làm những hành động nhỏ để giải quyết nhu cầu về cảm xúc mà không khiến tài chính gặp rủi ro”, ông nói thêm. Theo ông Murtha, cổ phiếu là một trong số ít tài sản khiến người mua có tâm lí khó mua hơn khi chúng trở nên rẻ hơn.

“Khi bạn bán tháo, đòn bẩy cảm xúc sẽ chống lại bạn. Nếu thị trường giảm hơn nữa, điều đó khẳng định nỗi sợ hãi của bạn. Khi nó tăng lên, bạn không muốn mua vào sau khi vừa bán ra”, ông giải thích.

Khi thị trường tăng vọt, tôi vẫn không cảm thấy phấn chấn lên. Tôi chưa từng được chuẩn bị cho tốc độ sụp đổ thị trường này. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 3/2000, thị trường giá xuống kéo dài đến tháng 10/2002, tức hai năm rưỡi. Thị trường giá xuống gần đây nhất bắt đầu từ năm 2007 và kéo dài 17 tháng. Không ai biết lần này sẽ kéo dài bao lâu.

Hơn nữa, trong thị trường giá xuống trước đó, S&P chưa bao giờ giảm hơn 50% so với mức đỉnh hồi 2007. Ngay cả trong cuộc Đại suy thoái, S&P giảm 86%. Sau những lần sụt giá đó, thị trường không những hồi phục mà còn đạt mức cao kỉ lục.

Hôm 24/3, thị trường tăng vọt, tiếp nối là 2 ngày tăng liên tiếp. Nhưng tôi không cảm thấy phấn chấn. Một số đợt hồi phục vẫn diễn ra ở giữa những thị trường giá xuống tồi tệ nhất. Mục tiêu tiếp theo của tôi là khi S&P sụt giảm 40% so với mức đỉnh, tôi sẽ mua lại sớm".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.