Ba tháng trước, không ai biết đến sự tồn tại của SARS-CoV-2. Nhưng hiện giờ, virus đã lây lan tại hầu hết các quốc gia, khiến 769.353 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh, làm sụp đổ nền kinh tế và phá vỡ hệ thống y tế. Bệnh viện quá tải trong khi các địa điểm công cộng vắng bóng người. Xã hội hiện đại bị gián đoạn ở qui mô mà hầu hết chúng ta chưa từng chứng kiến. Đại dịch mang lại nỗi ám ảnh cho toàn nhân loại.
Nhưng một đại dịch toàn cầu với qui mô như thế này là điều không thể tránh khỏi. Trước đó, đã có nhiều dự đoán và tranh luận về việc, điều gì sẽ xảy ra nếu như một loại virus mới xuất hiện và càn quét toàn cầu. Và rồi, giả thuyết đã trở thành hiện thực.
Nhiều người nhận ra rằng, những đứa trẻ ra đời trong thời điểm này, có thể là những người đầu tiên của một thế hệ mới, được sinh ra trong một xã hội bị thay đổi sâu sắc bởi Covid-19. Họ gọi chúng là Thế hệ C.
Cuộc sống của Thế hệ C sẽ được định hình bởi những lựa chọn đang được các chính phủ đưa ra, và bởi những tổn thất mà chúng ta phải chịu.
Nước Mỹ có số điểm cao nhất trong bảng xếp hạng quốc gia về mức độ sẵn sàng cho đại dịch, dựa trên chỉ số An ninh sức khỏe toàn cầu. Là một nước phát triển với sự giàu có và tiềm lực mạnh mẽ, Mỹ được cho là luôn ở tư thế sẵn sàng vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, ảo tưởng đó đã tan vỡ. Đã có nhiều tháng cảnh báo trước khi virus lây lan tại nhiều quốc gia khác, Mỹ cuối cùng đã đối mặt với Covid-19, và thất bại ở thời điểm hiện tại.
Dễ lây truyền và gây tử vong hơn cúm mùa, virus corona cũng có nhiều cách ẩn mình hơn. Chúng lây lan từ vật chủ này sang vật chủ khác trong vài ngày, trước khi gây ra các triệu chứng rõ rệt. Để ngăn chặn mầm bệnh này, các quốc gia phải phát triển một xét nghiệm và sử dụng nó để xác định những người bị nhiễm bệnh, cách li họ và theo dõi những người mà họ đã tiếp xúc. Đó là những gì Hàn Quốc, Singapore và Hongkong đã làm, và đã cho hiệu quả to lớn. Nhưng đó cũng là những gì mà Mỹ đã không làm được.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ đã phát triển và phân phối một xét nghiệm bị lỗi vào tháng Hai. Các phòng thí nghiệm độc lập đã tạo ra các lựa chọn thay thế, nhưng bị sa lầy trong bộ máy quan liêu từ FDA. Trong một tháng trọng điểm, các ca nhiễm bệnh tại Mỹ đã lên đến con số hơn trăm ngàn người, chỉ có vài trăm người được xét nghiệm.
Các sai lầm về xét nghiệm chẩn đoán là nguyên nhân ban đầu cho thất bại của Mỹ khi đối phó với đại dịch. Nó cũng là lỗ hổng duy nhất phá hoại mọi biện pháp đối phó khác. Nếu Mỹ có thể theo dõi chính xác sự lây lan của virus, các bệnh viện có thể đã thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh của họ.
Tuy nhiên, thay vào đó là một hệ thống chăm sóc sức khỏe đã hoạt động gần hết công suất, khi đột nhiên phải đối mặt với một loại virus lây lan không dấu vết từ các cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Bệnh viện bị quá tải, trang bị bảo hộ cơ bản như khẩu trang, áo choàng y tế và găng tay bắt đầu cạn kiệt. Giường bệnh cũng như các máy thở cung cấp oxy cho bệnh nhân cũng sẽ sớm quá tải.
Hệ thống y tế của Mỹ hoạt động dựa trên đạo lí "lá lành đùm lá rách", rằng các tiểu bang không bị ảnh hưởng có thể giúp đỡ các bang đang gặp trường hợp khẩn cấp. Nguyên tắc đó hiệu quả đối với các thảm họa cục bộ, như bão hoặc cháy rừng, thế nhưng không hợp lí với đại dịch hiện đã lan rộng ở tất cả 50 tiểu bang. Việc hợp tác đã nhường chỗ cho cạnh tranh. Một số bệnh viện đã mua hết số lượng lớn vật tư, như cách mà người dân hoảng loạn tích trữ giấy vệ sinh.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng thiếu hụt cơ quan có chuyên môn khoa học. Năm 2018, văn phòng Chống-đại-dịch của Hội đồng An ninh Quốc gia đã bị giải thể. Vào ngày 28/1, một thành viên của văn phòng này đã thúc giục chính phủ "hành động ngay bây giờ, để ngăn chặn dịch bệnh diễn ra tại Mỹ", và đặc biệt cần làm việc với các bộ phận tư nhân để phát triển các xét nghiệm chẩn đoán nhanh chóng và dễ dàng.
Nhưng với một văn phòng đã bị đóng cửa, những cảnh báo đó chỉ được công bố trên Tạp chí Phố Wall, thay vì đến tai Tổng thống. Nước Mỹ đã ngồi im và không thực hiện bất kì hành động nào.
Không người cầm lái, thờ ơ và không phối hợp, Mỹ đã xử lí sai cuộc khủng hoảng Covid-19 ở mức độ tồi tệ hơn nhiều người tưởng.
Giải quyết được 4 vấn đề này, liệu Mỹ có vượt qua được khủng hoảng?
Dù bùng phát sau, nhưng hiện số người nhiễm virus corona tại Mỹ đã cao nhất thế giới. Chỉ trong vài ngày, con số đã tăng theo cấp số nhân, tính đến ngày 31/3, Mỹ đã có 163.429 ca mắc, và còn nhiều ca thực tế khác chưa được xác nhận. Nhân viên y tế đã nhìn ra các dấu hiệu đáng lo ngại: thiết bị hao mòn, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, và nhiều bác sĩ, y tá đang nhiễm bệnh.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm của Đại học Imperial College London đã kết luận rằng, nếu không kiểm soát được đại dịch, giường bệnh sẽ đầy vào cuối tháng 4. Vào cuối mùa hè, đại dịch sẽ trực tiếp cướp đi sinh mạng của 2,2 triệu người Mỹ, chưa kể những người sẽ tử vong một cách gián tiếp, bởi bệnh viện không đủ nguồn lực chăm sóc những ca bệnh đau tim, đột quỵ và tai nạn giao thông thông thường. Đây là trường hợp xấu nhất, và để tránh được điều đó, có bốn điều cần phải thực hiện nhanh chóng.
Đầu tiên và quan trọng nhất là nhanh chóng sản xuất khẩu trang, găng tay và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác. Nếu nhân viên y tế không được đảm bảo sức khỏe, phần còn lại của các nỗ lực sẽ sụp đổ. Ở một số nơi, lượng vật tư dự trữ đã quá thấp, đến nỗi các bác sĩ đang tái sử dụng khẩu trang, kêu gọi quyên góp từ cộng đồng hoặc tự may các sản phẩm thay thế.
Những sự thiếu hụt này đang xảy ra, vì vật tư y tế được sản xuất theo đơn đặt hàng và phụ thuộc vào chuỗi cung cứng quốc tế hiện đang căng thẳng. Kho dự trữ quốc gia chiến lược của Mỹ - một công ty cho vay thiết bị y tế quốc gia đã được triển khai, đặc biệt cho những tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cơ quan Hậu cần Quốc phòng đang điều phối nhu cầu cấp thiết thứ hai: triển khai các xét nghiệm Covid-19. Những xét nghiệm này xuất hiện muộn màng, vì những thiếu hụt vật tư y tế khác nhau như khẩu trang, gạc mũi họng, bộ dụng cụ chiết và nhân lực.
Một số thiếu thốn đang được giải quyết, khi nguồn vốn FDA đang được phân bổ nhanh chóng, để phê duyệt các xét nghiệm được phát triển bởi các phòng thí nghiệm tư nhân. Một người có thể cho kết quả dương tính với Covid-19 hay không trong vòng chưa đầy một giờ. Theo chuyên gia của Hiệp hội các phòng thí nghiệm y khoa công cộng, nước Mỹ đang ngày đêm tăng cường hiệu suất làm việc.
Các biện pháp này sẽ mất thời gian, và đại dịch sẽ phát triển vượt quá khả năng của hệ thống y tế hoặc chậm ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, cuộc đua và số phận của quốc gia bây giờ còn phụ thuộc vào biện pháp thứ ba, đó là sự cách li xã hội.
Thuyết phục người dân tự nguyện ở nhà là không dễ. Và thiếu đi những hướng dẫn rõ ràng từ Nhà Trắng, các thị trưởng, thống đốc bang và chủ doanh nghiệp đã buộc phải thực hiện các bước đi của riêng họ. Một số tiểu bang đã cấm các cuộc tụ họp qui mô lớn hoặc đóng cửa trường học và nhà hàng. Có ít nhất 21 bang đã thiết lập một số hình thức cách li bắt buộc, buộc mọi người phải ở nhà. Tuy nhiên, nhiều công dân tiếp tục tập trung thành đám đông tại nơi công cộng.
Trong thời điểm này, khi nhiều người phải hi sinh sự tự do, thì sự phối hợp sẽ là vấn đề cấp bách thứ tư. Tầm quan trọng của sự cách li xã hội phải được ghim sâu vào nhận thức của mỗi người dân, và họ cũng phải được trấn an và thông báo. Trong những ngày gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã báo hiệu rằng, ông đã sẵn sàng quay lại các chính sách cách li xã hội trong một nỗ lực bảo vệ nền kinh tế. Mặc dù trước đó ông đã từng không mấy coi trọng nó.
Một phân tích gần đây của Đại học Pennsylvania đã ước tính rằng, ngay cả khi các biện pháp cách li xã hội có thể làm giảm tỉ lệ lây nhiễm tới 95%, thì vẫn còn 960.000 người Mỹ sẽ cần được chăm sóc đặc biệt. Chỉ có khoảng 180.000 máy thở ở Mỹ, và chỉ có đủ các nhân viên trị liệu hô hấp và nhân viên chăm sóc quan trọng để phục vụ cho 100.000 bệnh nhân thở máy. Việc từ bỏ cách li xã hội không phải là một nước đi hay, khi các xét nghiệm và thiết bị bảo hộ vẫn còn khan hiếm.
Nếu Tổng thống Trump duy trì hướng đi này, nếu người Mỹ tuân thủ sự cách li xã hội, nếu các xét nghiệm có thể được triển khai và nếu có thể sản xuất đủ khẩu trang, khả năng quốc gia này vẫn có thể tránh được những dự đoán tồi tệ nhất về Covid-19, và ít nhất là tạm thời đưa đại dịch vào tầm kiểm soát.
Không ai biết được sẽ mất bao lâu, nhưng nó sẽ không thể kết thúc một thúc một cách nhanh chóng.
"Có thể là bất cứ nơi nào, sẽ mất từ 4 đến 6 tuần, hoặc tối đa 3 tháng", Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, Fauci cho biết. Tuy nhiên, ông cũng không dám chắc nó có nằm trong khoảng thời gian đó hay không.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020