Nhà văn Trang Hạ: Cô đơn vì nhiều người tử tế im lặng!

Từng lôi kéo cộng đồng mạng vào cuộc khẩu chiến “đàn ông về nhà chỉ có ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn” mấy năm trước, nhà văn Trang Hạ, người vừa lọt Top 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất năm 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn lại trở thành tâm điểm trong ngày 8-3, ngày Quốc tế phụ nữ.

- Chị được xem là một trong những người đi đầu và có tiếng nói phản biện mạnh mẽ về vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam. Người đi đầu bao giờ cũng là người “đứng mũi chịu sào” trước dư luận. Nhìn một Trang Hạ mạnh mẽ, có phần đanh đá thế này, có lúc nào chị cảm thấy cô đơn không?

-Cảm giác cô đơn của mình không phải vì bị đám đông chửi bới, bôi nhọ hoặc mỉa mai. Cô đơn ấy đến từ việc có quá nhiều người tử tế đã im lặng. Có một số tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, họ làm về bình đẳng giới, bảo vệ quyền của người phụ nữ; mặc dù họ rất thân thiết với Trang Hạ, thậm chí còn dự định làm với nhau về bình đẳng giới; thế nhưng, khi thấy dư luận quá ác nghiệt thì họ đã chọn cách lẩn tránh, không can dự, không lên tiếng, không đứng ở vai trò chuyên gia để đưa ra những thông tin đúng cho đám đông. Trong khi đó, có những trí thức Việt Nam, chủ yếu là đều đã đi du học ở nước ngoài, tiếp thu tư tưởng tiến bộ, rất bình đẳng và yêu thương vợ con thì mặc dù không có trách nhiệm nhưng họ vẫn đứng lên để bảo vệ cô Trang Hạ. Tuy nhiên, tiếng nói bênh vực và tử tế ấy thường lặng lẽ, kín đáo, làm sao mà át được đám đông hung hãn, những kẻ ném đá, vô văn hóa trên mạng xã hội, các diễn đàn.

- Đám đông đó có vẻ càng ngày càng tỏ ra… nguy hiểm?!

- Trang Hạ nghĩ, chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI. Một trong những trách nhiệm của con người ở thế kỷ này là tôn trọng bản thân. Sống lành mạnh, mạnh mẽ và tạo không gian cho những điều tốt đẹp phát triển. Và những không gian tồi tệ, kém văn minh như thế nên được kiểm duyệt, nhất là về mặt văn hóa. Cho nên, cái cô đơn của Trang Hạ không phải vì ít người đấu tranh cho nữ quyền tại Việt Nam; mà có quá ít tiếng nói của những người tử tế là vì vậy.

nha van trang ha co don vi nhieu nguoi tu te im lang
Làm sao mà át được đám đông hung hãn, những kẻ ném đá, vô văn hóa trên mạng xã hội, các diễn đàn!

- Chị kêu gọi các chiến dịch “Đàn ông giúp đỡ việc nhà”, kêu gọi phụ nữ trân trọng bản thân, biết yêu chính mình, đặt lại những định nghĩa về hi sinh, hạnh phúc, về những vùng an toàn của người phụ nữ. Nhưng đàn ông phần đa chỉ thích những người phụ nữ “biết thân biết phận” một chút, “ngoan” một chút, “ngu” một chút?

- Năm 2016, mình có cơ hội gặp bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - thần tượng của mình. Bà ấy nói rằng: Tất cả những phụ nữ đi đầu trong bất cứ lĩnh vực nào, đều phải đương đầu với nhiều lực cản. Từ kì thị về giới, thậm chí cách nhìn nhận của xã hội tới vai trò của người phụ nữ. Vì thế, thay bằng việc đi hóa giải các xung đột đó thì phụ nữ cũng có thể chọn cách đương đầu. Bởi vì, bà ấy chọn cách đương đầu từ khi còn là một Bộ trưởng Tài chính Pháp cho đến bây giờ. Cách trò chuyện đó, cách chia sẻ đó làm cho Trang Hạ thấy rằng Trang Hạ đúng, từ những chiến dịch kêu gọi “Đàn ông giúp đỡ việc nhà”, kêu gọi phụ nữ trân trọng bản thân, biết yêu chính mình, đặt lại những định nghĩa về hi sinh, hạnh phúc, về những vùng an toàn của người phụ nữ. Những điều mình viết ra, càng ngày càng thách thức hơn với cách đọc, cách hiểu, cách sống, cách yêu và duy trì đời sống gia đình, quản lí bản thân theo cách cũ. Theo một quán tính xã hội cũ.

nha van trang ha co don vi nhieu nguoi tu te im lang
Thứ mà Trang Hạ muốn chiếm lĩnh là tâm trí của bạn chứ không phải là cái bấm like của bạn.

- Nhưng quán tính đó là quán tính của một thời kỳ lịch sử xã hội – văn hóa dài đằng đẵng. Có phải ngày một, ngày hai đâu, thưa chị? Có những chuyện, đã ăn sâu thành nếp nghĩ, nếp làm, nếp sống nữa…

- Nhiều khi mình nghĩ, mình không phải chiến đấu với những người có khác hệ tư tưởng, mà đang chiến đấu với một lối sống theo quán tính xã hội mà bạn nói. Quán tính đó mạnh vô cùng, không thể một sớm một chiều nói thay đổi là được. Nhưng vì sao, mình lại chọn truyền thông? Bởi, truyền thông đại chúng là kênh quan trọng để chuyển tải thông điệp, những điều mà mình muốn nói. Mình nghĩ, xã hội này sẽ trưởng thành trong những lúc chúng ta cãi cọ nhau, trong lúc chúng ta tranh luận, phản bác nhau. Đó cũng là lúc chúng ta lắng nghe đối phương một cách chăm chú nhất. Đấy là nguyên lý của sự thu hút. Bạn ghét ai đó, sẽ tìm hiểu họ một cách kĩ lưỡng. Bạn muốn phản đối một vấn đề gì đó, bạn sẽ đọc nó một cách chăm chú hơn đề thi Đại học của bạn. Có một chuyện lạ lùng, đó là, ở xã hội Việt Nam mình, chúng ta cứ nghĩ truyền thông là bấm “like” (yêu thích), “share” (chia sẻ) và comment (bình luận). Trong khi đó, với truyền thông hiện đại thế giới, thứ mà Trang Hạ muốn chiếm lĩnh là tâm trí của bạn chứ không phải là cái bấm like của bạn. Tâm trí ấy có thể là hỉ nộ ái ố. Nhưng chắc chắn bạn sẽ nói về nó, biết về nó ngay cả khi bạn phản đối nó hay không. Mà chỉ cần bạn biết đến nó là đủ. Bởi vì nó chiếm lĩnh tâm trí của bạn rồi. Mình muốn khiêu chiến với cái tôi đã cũ, hoặc cái tôi lỗi thời nhưng vẫn đang đầy rẫy trong xã hội. Để những người phụ nữ trở nên tự tin hơn với những giá trị vốn có của họ; đồng thời, khích lệ đàn ông trở nên tử tế hơn và tôn trọng những người phụ nữ ở quanh mình hơn.

- Cảm ơn chị!

chọn
Cao tốc CT 08 qua Nam Định - Thái Bình cần giải phóng 509 ha đất, xây 9 cầu và 5 nút giao, hoàn thành vào năm 2027
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km, đi qua 4 huyện của Nam Định, hai huyện của Thái Bình. Tuyến cao tốc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.