Thí sinh H.L.G (Lâm Đồng) buồn bã dù đã trúng tuyển đại học ngay đợt 1 nhưng em có ý định từ chối nhập học để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt sau.
G. thi được 18,3 điểm đăng ký các nguyện vọng lần lượt là Kinh doanh quốc tế (ĐH Tôn Đức Thắng), Kế toán (ĐH Văn Lang), Kinh doanh quốc tế (ĐH Hoa Sen)... Sau khi công bố điểm chuẩn, G. đủ điểm vào 2 ngành Kế toán (ĐH Văn Lang) và Kinh doanh quốc tế (ĐH Hoa Sen).
Tuy nhiên, G. cho biết, đã điều chỉnh nhầm nguyện vọng giữa hai ngành này khi đặt ngành Kế toán lên trước ngành Kinh doanh quốc tế. Thế là theo thứ tự, G. được xét trúng tuyển vào ngành Kế toán nên ngành Kinh doanh quốc tế không được xét nữa.
“Em thực sự rất buồn vì đã điều chỉnh nhầm nguyện vọng, em đang phân vân không biết có nên từ chối nhập học để chờ xem ngành Kinh doanh quốc tế tuyển nguyện vọng bổ sung hay không nữa”, G. băn khoăn.
Theo Bộ GD&ĐT, sau khi kết thúc đợt 1, khoảng 50% trường đại học tuyển đủ chỉ tiêu. Như vậy, số lượng các trường tiếp tục tuyển nguyện vọng bổ sung còn nhiều.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, sau ngày 7/8, căn cứ số lượng thí sinh nhập học, các trường sẽ có công bố chính thức về chỉ tiêu cụ thể của từng ngành sẽ tuyển tiếp là bao nhiêu.
“Ngay cả những trường đã tuyển đủ đợt 1, có thể cũng sẽ thông báo xét tiếp sau ngày 7/8. Tuy nhiên, số lượng thí sinh còn lại không nhiều và chủ yếu rơi vào những ngành kém hấp dẫn nên thí sinh cần cân nhắc, chọn lựa ngành nào phù hợp nhất với nguyện vọng và điểm thi”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, ông Sơn lưu ý thí sinh có thể nộp trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh về trường. “Nếu không nộp phiếu điểm, đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ bị hủy kết quả trúng tuyển trước đó. Còn với thí sinh muốn xét nguyện vọng bổ sung bằng điểm thi THPT quốc gia thì lưu ý đến ngày 13/8 các trường sẽ công bố lịch và phương án xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh quan tâm trường nào thì hãy xem thông tin dự kiến từ bây giờ để có định hướng”, ông Sơn khuyên.
Trong khi đó, để tránh tình trạng điểm cao nhưng vẫn rớt, Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân khuyên thí sinh không nên giới hạn nguyện vọng ở trường mà mình yêu thích.
“Các em nên lựa chọn ngành mình yêu thích ở nhiều trường đào tạo, sau đó đăng ký thành nhiều nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên trường yêu thích nhất có mức điểm cao, xuống đến trường có mức điểm thấp hơn để tăng cơ hội trúng tuyển”, tiến sĩ Hải nói. Theo ông Hải, trong đợt 1 có nhiều thí sinh trúng tuyển vào ngành mình không yêu thích nên đang phân vân từ chối nhập học để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó phòng Tổng hợp trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng, do không trúng tuyển đợt 1 nên các thí sinh sẽ có tâm lý vội vàng, vì thế khi nộp hồ sơ xét tuyển đợt 2 các bạn thí sinh cần phải tham khảo và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn về ngành và trường học cho phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh cũng khuyên thí sinh cần phải tính đến số lượng chỉ tiêu, điểm xét tuyển… để không tự đánh mất cơ hội vào đại học. Ngoài ra, điểm xét tuyển bổ sung thông thường sẽ bằng hoặc cao hơn đợt 1, nhiều trường thậm chí có sự chênh lệch khá lớn về điểm số giữa 2 đợt xét tuyển.