Những khoản tiền phải chi trả khi nhờ người mang thai hộ

Các chi phí được căn cứ theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh.

Thông tư số 32/2016/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc trách nhiệm của bên nhờ mang thai hộ cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực ngày 1/11.

Việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc trách nhiệm của bên nhờ mang thai hộ cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phát sinh trong các trường hợp sau đây: Giai đoạn chuẩn bị mang thai; Quá trình áp dụng kỹ thuật chuyển phôi cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Các kỹ thuật, thăm khám, sàng lọc, điều trị và xử trí các bất thường, dị tật của bào thai (nếu có) và theo dõi, chăm sóc thai nhi; Quá trình sinh đẻ và chăm sóc trong vòng 42 ngày sau sinh cho người mang thai hộ hoặc cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; Khám sức khỏe tổng quát cho người mang thai hộ sau khi sinh; Khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe trong trường hợp người mang thai hộ có biến chứng sau sinh liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Ảnh minh họa.

Thông tư cũng quy định các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong đó, chi phí bắt buộc phải chi trả cho bên mang thai hộ là: Chi phí đi lại tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế: xác định theo giá ghi trên vé, hóa đơn, hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện.

Đồng thời, chi trả chi phí liên quan đến y tế gồm:

- Chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản được chi trả căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mang thai hộ theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quy định áp dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) và khám bệnh, chữa bệnh.

- Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được chi trả căn cứ các hóa đơn, chứng từ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người mang thai hộ theo chỉ định của bác sỹ, phù hợp với quy định, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Y tế và giá mua theo quy định của pháp luật.

- Các dịch vụ chưa được cấp có thẩm quyền quy định giá thì thanh toán theo hóa đơn, chứng từ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ chi phí thực tế thực hiện dịch vụ.

- Bên cạnh đó, bên nhờ mang thai hộ cũng phải trả chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ, chi phí các vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh cho người mang thai hộ theo thỏa thuận giữa 2 bên. Mức chi phí xác định theo hóa đơn (nếu có) hoặc giấy biên nhận.

- Các chi phí khác ngoài quy định này do hai bên tự thỏa thuận và được xác định theo văn bản thỏa thuận giữa hai bên.

Thông tư nêu rõ, bên nhờ mang thai hộ phải chi trả đầy đủ chi phí theo quy định cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không có thẻ BHYT.

Ngược lại, người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thẻ BHYT khi sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng quy định của pháp luật về BHYT. Bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có trách nhiệm chi trả các chi phí quy định sau khi trừ đi phần chi trả của cơ quan Bảo hiểm xã hội (nếu có).

Chế độ thai sản của người mang thai hộ

Chế độ thai sản của người mang thai hộ tuân theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo Hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đó, đối với lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi.

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi.

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện quy định thì được hưởng các chế độ sau:

- Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con;

- Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội;

Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ.

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp trong thời gian mang thai hay sẩy thai, nạo hút thai... là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này lao động nữ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Người chồng của lao động nữ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ nghỉ thai sản theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Cao tốc CT 08 qua Nam Định - Thái Bình cần giải phóng 509 ha đất, xây 9 cầu và 5 nút giao, hoàn thành vào năm 2027
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua hai tỉnh Nam Định và Thái Bình có chiều dài hơn 61 km, đi qua 4 huyện của Nam Định, hai huyện của Thái Bình. Tuyến cao tốc này dự kiến được hoàn thành vào năm 2027.