Sáng ngày 9/4, linh cữu của cố nghệ sĩ Anh Vũ đã về đến Việt Nam theo đường hàng không và được đưa đến khu vực nhà quàn tại chùa Ấn Quang để làm lễ tụng kinh cầu siêu, cũng như cho người thân, bạn bè đến thắp nhang. Không khí tại khu vực nhà quàn phủ đầy màu u buồn, ảm đạm với những tiếng khóc nấc nghẹn ngào của "người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh", của những anh chị em đồng nghiệp đến nhìn mặt cố nghệ sĩ Anh Vũ lần cuối.
Câu chuyện có lẽ sẽ dừng lại ở đấy như buổi đưa tiễn bình thường, nếu như không có sự xuất của những "kẻ lạ mặt" đến với một mục đích khác. Từ bao giờ trong đám tang của nghệ sĩ, những người đến trên tay không phải là những nén nhang, tấm khăn giấy chấm nước mắt ứa nghẹn, thay vào đó là những chiếc điện thoại, máy quay, thiết bị livestream... Số lượng người "tác nghiệp" còn đông hơn cả phóng viên đến từ báo đài, thậm chí họ mang đến tang lễ những tiếng cười nói vô nghĩa và cả mục đích chẳng vì tiếc thương người nghệ sĩ đã ra đi.
Rảo quanh khu vực nhà quàn từ 11 giờ sáng, thời điểm linh cữu của cố nghệ sĩ Anh Vũ được chuyển từ sân bay về tới chùa Ấn Quang cho đến tận đêm, những "kẻ lạ mặt" mang danh YouTuber vẫn túc trực ở hàng rào để cập nhật nóng thông tin với số lượng người theo dõi hiển thị trên màn hình lên tới con số hàng chục người. Họ sẵn sàng vào vai những "phóng viên" để cập nhật tin tức và sẵn sàng bất chấp mọi quy tắc, cấm cản từ phía gia đình chỉ để với mục đích khác... câu view.
Thậm chí, ngay khi khu vực nhà quàn được gia đình niêm phong thì những "nhân vật" này vẫn bất chấp quay lén qua những khe cửa hở. Rồi khi cánh cửa nhà quàn mở để khán giả yêu mến người nghệ sĩ đến thắp nhang, họ vẫn chăm chỉ đứng ngoài quay, thỉnh thoảng buông những lời trêu đùa khiến ai cũng khó chịu.
Quay và phát trực tiếp trên YouTube mặc dù những quy định được đưa ra từ phía gia đình của cố nghệ sĩ Anh Vũ.
Việc kiếm tiền trên YouTube ngày càng trở nên đơn giản và cũng là nơi "sản sinh" ra những YouTuber bất chấp mọi hoàn cảnh để "tác nghiệp" ngay trong đám tang.
Qua tìm hiểu của phóng viên khi trò chuyện với một bạn trẻ đang cực nhọc vươn người, giơ các thiết bị quay hình vào khu vực nhà quàn để "tác nghiệp", họ đến đây cũng vì mục đích công việc.
Bạn nữ tên T.K (21 tuổi), hiện là một sinh viên đang làm part-time cho một công ty về truyền thông được giao công việc quay không bỏ sót chi tiết nào tại các sự kiện của nghệ sĩ, đặc biệt là ở những buổi đám tang thu hút sự chú ý như thế này. T.K kể: "Công việc này cũng không khó lắm, chỉ cần chai lì, cố gắng chịu khó chen chúc trong các sự kiện để quay clip, càng cụ thể, càng có nhiều chi tiết đắt và giật tít thật chú ý là bảo đảm sẽ có người xem. Công ty giao cho mình phải có những sản phẩm để tăng lượng follow (theo dõi) cho kênh YouTube của công ty, còn mục đích của việc này thì mình không rõ".
Một YouTuber cho một kênh giải trí khác mang tên B.M.S cũng túc trực hàng giờ ở hàng rào có chia sẻ: "Thời buổi công nghệ, quay clip chia sẻ lên YouTube bất kì đề tài nào cũng kiếm được tiền, nhất là mấy vụ đám tang của nghệ sĩ thế này. Người xem nhiều lắm, càng xem đông thì lại kiếm tiền nhiều".
Hai câu chuyện được phóng viên ghi lại ngắn gọn qua cuộc chia sẻ với "kẻ săn tin" phần nào cho thấy được điều xót xa đằng sau những chiếc điện thoại: Khi công nghệ lên ngôi, những nơi đau xót cũng có thể kiếm tiền!
Chẳng còn những nén nhang của người khán giả đến viếng nghệ sĩ, giờ đây họ đến với những chiếc điện thoại, máy móc hỗ trợ ghi hình, 3G... vì mục đích cá nhân.
Khi trời đã về tối, dòng người đổ về nhà quàn chỉ quay và chụp ngày càng nhiều hơn.
Một sự thật luôn tồn đọng trong các đám tang của nghệ sĩ là những "thành phần"... đến vì mong muốn gặp thần tượng bằng xương bằng thịt. Hình ảnh ấy được ghi rõ trong ngày đầu tiên tại lễ viếng cố nghệ sĩ Anh Vũ, những khán giả hâm mộ anh đến thắp nén nhang cuối thì ít hơn cả những nhóm người tụ tập, cười nói, chỉ trỏ nghệ sĩ, tay bắt mặt mừng lại đông như... trẩy hội.
Khi danh hài Bảo Chung tới viếng nghệ sĩ Anh Vũ, nhiều người đã quá sức, chèo kéo chụp ảnh cùng thần tượng.
Vì tế nhị, không ít nghệ sĩ đã từ chối khéo sự chèo kéo, mong muốn được chụp ảnh cùng ngay trước khu vực viếng. Nhưng cũng có không ít nghệ sĩ cật lực lên án vấn đề trên và Đại Nghĩa là một trong số những trường hợp ấy.
Anh vừa đăng tải một dòng suy nghĩ khi nhìn nghịch cảnh đằng sau tang lễ của người đồng nghiệp: "Lần nào cũng như thế, đám tang một nghệ sĩ nào đó là dịp để thiên hạ kéo đến xem mặt người nổi tiếng với thái độ hiếu kì và phấn khích. Nhớ hồi đám tang anh Minh Thuận, tôi bước vào mà cứ tưởng mình đang đi...thảm đỏ của một sự kiện hoành tráng nào đó. Mọi người chực chờ xung quanh đông nghẹt, tôi bước đi giữa tiếng hò reo vang dội, tiếng gọi tên mình xôn xao, ánh đèn flash của điện thoại chớp lóa lập loè. Thật sự cảm giác của một ngôi sao tràn ngập. Đi giữa khung cảnh đó thấy...buồn và tủi vô cùng.
Nghệ sĩ cả đời cống hiến cho mọi người, và ngay cả giây phút đã nằm xuống vẫn còn phải tiếp tục cống hiến. Cống hiến cho sự tò mò hiếu kì đến tàn nhẫn, cống hiến cho cái vô tâm đến bạc bẽo, cống hiến cho sự thỏa mãn trong phút chốc mình cũng được kề cận cái nổi tiếng của người khác. Thật tàn nhẫn!
Có rất rất nhiều người bằng cách nào đó để len lỏi vào đám tang, họ vô tư đi từng bàn để xin chụp hình cùng nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ lúc đó có ai mà vui, gương mặt buồn bã ấy vẫn bị níu kéo áp vào sát mặt của người muốn chụp hình đang nhe nanh cười nhăn nhở. Tôi cũng bị vậy, và tôi đã thẳng thừng từ chối một cách dứt khoát cái sự trơ trẽn đến trâng tráo ấy.
Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh hiện đại, nhưng cách hành xử của chúng ta hoàn toàn không được như thế. Vẫn rất nhiều người vô tư vô tâm và cả...vô văn hóa khi biến đám tang của người khác thành một dịp hội hè hoặc kiếm chác của mình. Nhìn người đồng nghiệp của mình còn đang nằm đó, bao lời tiếc thương vẫn còn chưa đủ, vậy cớ sao những người kia lại có thể đùa vui hớn hở đến như thế, họ có thể đưa ngón tay hình chữ V để chụp hình, họ có thể kiếm tiền từ các clip họ quay trên nỗi đau của người khác như thế được?".
Một nhóm các thanh niên, phụ nữ trung niên hào hứng quay hình, cười đùa và đề cập những vấn đề không liên quan tới nghệ sĩ Anh Vũ ngay trong khuôn vực tang lễ của anh.
Từ chính trong tang lễ của cố nghệ sĩ Anh Vũ, phóng viên còn ghi nhận một nhóm phụ nữ trung niên đứng chờ bất kì nghệ sĩ nào tới viếng cũng "lăn xả" chụp hình, chăm chỉ hỏi thông tin đời tư một cách khiếm nhã. Đôi lúc họ cũng chẳng nhớ người nghệ sĩ kia tên gì, chỉ cần thấy dáng dấp người nổi tiếng là "tích cực… selfie". Thậm chí, họ còn trao đổi sẽ tới đầy đủ các ngày viếng để… ngắm thần tượng và mong được tỏ sự ngưỡng mộ bằng cách chụp hình.
Sự háo hức hiện rõ trên gương mặt với lời reo hò, gọi tên… chẳng cần biết nơi họ đang đứng là khu vực viếng đám tang hay là trong một buổi tiệc vui vẻ. Người trong nhà chẳng cười nổi nhưng không hiểu sao tiếng khúc khích vẫn vang nơi nhuốm màu buồn tang thương.
Một "hiện trạng" vẫn đang còn tồn đọng khi đám tang với họ như một buổi gặp nghệ sĩ và thay nước mắt bằng tiếng cười. (Ảnh chụp tại đám tang của nghệ sĩ Minh Thuận)
Những hình ảnh trên sẽ là "nốt lặng" khó xóa mờ khi nó phản ánh về ý thức của những con người hiếu kì. Những hành động xuất phát từ mục đích cá nhân lại càng không thể thay đổi dù trong bất kì hoàn cảnh nào khi bản thân họ cảm thấy thoải mái với điều ấy, mặc cho nó có phản cảm hay gây bức xúc với bất kì ai.
Dĩ nhiên những cách cư xử trên không phải là xấu nhưng nó là một sự phản cảm vẫn còn tồn đọng trong các lễ đám tang của nghệ sĩ và nước mắt lại được thay bằng tiếng cười vô nghĩa đầy chua xót.
Giải trí 12:27 | 13/04/2019
Giải trí 10:45 | 12/04/2019
Giải trí 08:27 | 12/04/2019
Giải trí 07:19 | 12/04/2019
Giải trí 07:12 | 12/04/2019
Giải trí 23:23 | 11/04/2019
Giải trí 22:41 | 11/04/2019
Giải trí 11:41 | 11/04/2019