Mâm cỗ cúng ngày Vu Lan ở Trung Quốc. Ảnh: Arounddeglobe.com
Vu Lan hay Lễ ma đói, Lễ cúng cô hồn, là lễ hội truyền thống ở Trung Quốc, diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Ở khu vực phía nam, người dân thường tổ chức vào ngày 14/7.
Vào ngày này, người Trung Quốc sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn để dâng lên tổ tiên, 3 lần mỗi ngày, buổi lễ chính vào lúc hoàng hôn. Họ tới những ngôi chùa lớn và phát gạo cho người nghèo.
Theo Arounddeglobe, các nghi lễ cúng tế diễn ra ngay trên đường, bao gồm đốt nến, nhang, vàng mã cho những linh hồn lang bạt. Các ngôi nhà, khu dân cư, văn phòng đều treo đèn lồng đỏ có viết tên người đã khuất,
Bữa cơm ngày rằm ở miền nam Trung Quốc có thịt gà luộc và lợn quay. Họ luôn để một chiếc ghế trống cạnh bàn ăn và tin rằng linh hồn người đã khuất sẽ ngồi đó. Tại thành phố Liễu Châu, khu tự trị Quảng Tây, người dân có phong tục ăn vịt vào ngày 14 hoặc 15/7.
Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, tháng 7 lịch Mặt Trăng (tháng cô hồn) là thời gian mở cổng địa ngục và các linh hồn quay trở về dương gian. Nhiều người coi đây là tháng đáng sợ nhất trong năm. Họ không bơi lội hoặc đi một mình vào ban đêm.
Một người dân đốt vàng mã trong thùng thiếc ở khu vực Shau Kei Wan, Hong Kong. Ảnh: SCMP
Tháng cô hồn gắn liền với cộng đồng người gốc Triều Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) ở Hong Kong trong hơn 100 năm. Người dân tổ chức sự kiện ở nhiều nơi trong thành phố, bao gồm lễ hội, múa sư tử và biểu diễn hý kịch Trung Quốc.
Dấu hiệu đầu tiên về tháng cô hồn ở Hong Kong là mùi khét của vàng mã mà người dân đốt trong các thùng thiếc cùng với mùi hương và nến. Người dân đốt tiền âm phủ và các đồ hàng mã như xe cộ, điện thoại, quần áo, đồ ăn và nhà cửa cho tổ tiên và những linh hồn thang thang có thể sử dụng ở thế giới bên kia.
Theo SCMP, người Hong Kong cũng tin nến và đèn lồng sẽ giúp các linh hồn lang bạt tìm đường trở về âm phủ. Đồ ăn gồm hoa quả, thịt, bánh ngọt làm từ giấy được bày bán nhiều ở vỉa hè hay những khu vực gần tòa nhà dân cư.
Nhiều người ở Hong Kong kiêng làm một số việc trong tháng 7 âm lịch, nhất là lúc trời tối, vì họ quan niệm chúng sẽ mang lại xui xẻo. Những việc này bao gồm quét dọn các đồ tế lễ, phơi quần áo ngoài trời, tiểu tiện ở gốc cây, đi vào rừng hay mở cửa nhà vào ban đêm, chụp ảnh lúc trời tối, bơi lội, cưới hỏi.
Họ sẽ chuẩn bị đồ cúng tế cẩn thận bên ngoài nhà, bật đèn sáng trong nhà, ban công hay những khu vực bên ngoài khác, rắc muối ngoài cửa ra vào, tới đền, chùa hoặc nhà thờ để cầu nguyện cho người đã khuất.
Người dân Indonesia ném tiền giả ngày 15/7 Âm lịch. Ảnh: Xinhua
Người dân ở Medan, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia, tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan hàng năm. Sau đó, họ gom lại và đốt để mong các vong linh ở thế giới bên kia được sống sung túc.
Những lễ vật cúng người đã khuất gồm lá mù tạt và mía đỏ. Họ cũng dựng nhiều hình nhân cỡ lớn và dựng ở các ngôi chùa. Tại đền chùa, các nhà sư tế lễ, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn lang thang.
Người dân đốt vàng mã bên đường ở Singapore. Ảnh: Asia One
Singapore kỷ niệm lễ Vu Lan hàng năm bằng các hoạt động thờ cúng tổ tiên và đốt vàng mã. Khi ăn cơm, họ đặt hình nhân của Diêm Vương ở giữa bàn ăn. Thức ăn được đặt mọi nơi trong nhà từ sáng đến đêm.
Vào những ngày này, người dân cấm kỵ việc huýt sáo, chụp ảnh, treo quần áo bên ngoài nhà, mặc đồ màu đỏ hoặc đi ngoài đường ban đêm. Họ hạn chế không đi bơi hoặc lội xuống nước vì lo sợ chết đuối.